Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:41 GMT+7

Củng cố thành quả phòng chống dịch

Biên phòng - Cuối tháng 9/2022, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra thông điệp lạc quan khi nêu thống kê về số ca tử vong trên toàn cầu thấp nhất kể từ khi WHO công bố Covid-19 là vấn đề y tế công cộng khẩn cấp có quan ngại quốc tế (tháng 3/2020).

Tiêm vaccine phòng Covid-19. Ảnh: minh họa

Dù rất lạc quan nhưng WHO cũng yêu cầu ngành y tế các nước nỗ lực phòng chống dịch hơn nữa. Dịch Covid-19 được dự báo vẫn diễn biến phức tạp, khó lường với sự xuất hiện của những biến chủng mới lây lan nhanh hơn, gây khó khăn trong công tác phòng, chống dịch.

Ở Việt Nam, mặc dù tình hình dịch bệnh vẫn cơ bản được kiểm soát, nhưng thời gian gần đây, cả nước vẫn ghi nhận trung bình trên 700 ca mắc mới mỗi ngày. Nhiều địa phương đã ghi nhận các ca bệnh mắc các biến thể mới của Omicron với khả năng lây nhanh hơn biến chủng gốc. Đến thời điểm này, đại dịch Covid-19 đã gây ra hơn 43.000 ca tử vong tại Việt Nam, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân và kinh tế đất nước.

Các chuyên gia y tế nhận định, dịch Covid-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trước năm 2023, có thể xuất hiện các biến chủng virus mới nguy hiểm hơn làm cho dịch diễn biến phức tạp khó lường.

Mặc dù, từ tháng 5/2022, số ca tử vong chỉ còn không quá 2 ca mỗi tuần. Đó là dấu hiệu rất lạc quan về khía cạnh y tế và gợi ý Việt Nam có thể dần dần xem Covid-19 như là bệnh lưu hành, có thể trở về cuộc sống bình thường, mở cửa giao lưu quốc tế, tăng cường các hoạt động sản xuất, dịch vụ, du lịch, thương mại.

Tuy nhiên, không có nghĩa là chúng ta có thể chủ quan với Covid-19, chấm dứt các hoạt động phòng chống dịch và tiêm chủng, mà ngược lại, chúng ta cần phải tích cực phòng chống dịch nhiều hơn nữa.

Nhờ các nỗ lực phòng chống dịch trước đây, các bước còn lại để khống chế đại dịch ở nước ta cũng nhẹ hơn trước, nguy cơ để dịch bùng phát cũng thấp hơn. Nhưng thành quả đạt được càng lớn thì việc duy trì thành quả lại càng quý giá.

Để làm được điều đó, ngành y tế và người dân cần tiếp tục kiểm soát, giảm thiểu nguy cơ xâm nhập và tái bùng phát dịch Covid-19. Điều cơ bản vẫn là giảm mức độ lưu hành của Covid-19, tiêm chủng vaccine đầy đủ, chẩn đoán và điều trị kịp thời để giảm tử vong và biến chứng nặng cho người mắc bệnh.

Theo các chuyên gia, để cải cách công tác điều trị Covid-19, trước tiên, cần phải lồng ghép điều trị Covid-19 vào hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu, bởi vì việc điều trị sớm ở tuyến cơ sở sẽ giúp phòng ngừa bệnh tiến triển nặng, giúp giảm tải cho hệ thống y tế. Song song với công tác tiêm vaccine phòng Covid-19, cần đẩy mạnh công tác xét nghiệm, chẩn đoán, giám sát dịch tễ, phát hiện kịp thời các biến chủng mới để điều trị, hướng đến mục tiêu giảm mức độ lưu hành của bệnh cũng như giảm gánh nặng bệnh tật cho xã hội và ngành y tế.

Các chuyên gia lưu ý, các biện pháp nhằm khống chế dịch chỉ thành công khi có sự đồng thuận, tham gia tích cực của người dân, nhưng trách nhiệm truyền thông để người dân hiểu biết và tích cực tham gia phải từ nhà nước và ngành y tế. Hiện nay, nhiều người dân lơ là với các biện pháp đeo khẩu trang nơi đông người, vệ sinh tay và giữ gìn khoảng cách khi tiếp xúc cũng như tự cách ly khi có triệu chứng.

Được Bộ Y tế phát động từ ngày 12/9, Chiến dịch truyền thông phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới với chủ đề “Vì một Việt Nam vững vàng và khỏe mạnh” một lần nữa kêu gọi các Bộ, ngành, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị, tổ chức và mỗi người dân hãy cùng nhau hành động, nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi cá nhân, tiếp tục chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay với thông điệp: Khẩu trang, khử khuẩn, vaccine, thuốc, điều trị, công nghệ, ý thức người dân.

Thành trì chống dịch sẽ được cũng cố vững chắc khi người dân trên khắp miền Tổ quốc cùng đoàn kết, chung sức nâng cao ý thức phòng bệnh, thay đổi hành vi có lợi cho sức khỏe của cá nhân, gia đình và toàn thể xã hội, nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát tốt dịch bệnh.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO