Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:12 GMT+7

Củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu vực biên giới tỉnh Nghệ An

Biên phòng - Khu vực biên giới, ven biển của tỉnh Nghệ An có một bộ phận lớn dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào có tín ngưỡng tôn giáo sinh sống. Trong thời gian qua, các đơn vị BĐBP Nghệ An đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương ra sức củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn.

Thượng tá Nguyễn Văn Đại (bên phải) cùng với cán bộ Đồn Biên phòng Diễn Thành trao tiền hỗ trợ theo Chương trình “Nâng bước em tới trường” cho con em gia đình giáo dân trên địa bàn. Ảnh: Viết Lam

Củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách để phát triển kinh tế, xã hội, chăm lo mọi mặt đời sống cho nhân dân ở khu vực biên giới. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau như hạ tầng cơ sở chậm phát triển, trình độ dân trí thấp, tập quán lạc hậu..., nên đời sống người dân ở khu vực biên giới tỉnh Nghệ An vẫn còn nhiều khó khăn so với các vùng, miền khác của địa phương này.

Trong khi đó, các thế lực thù địch luôn tìm cách lợi dụng những khó khăn của người dân cũng như tồn tại, hạn chế trong cách điều hành, triển khai các dự án phát triển kinh tế-xã hội của chính quyền địa phương, để kích động, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cũng như gây bất ổn về an ninh, trật tự trên địa bàn.

Được giao quản lý, bảo vệ đường biên giới dài và phụ trách địa bàn rộng, BĐBP Nghệ An luôn xác định củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc là yếu tố cốt lõi để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao. Trên cơ sở đó, Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An đã phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy, chính quyền địa phương ở khu vực biên giới ra sức củng cố hệ thống chính trị cơ sở, chăm lo cuộc sống nhân dân.

Trước đây, một số bản làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cụm dân cư có đồng bào theo tín ngưỡng, tôn giáo của tỉnh Nghệ An vẫn còn tình trạng “trắng” đảng viên. Điều đó khiến cho công tác tuyên truyền, đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các kế hoạch, chương trình công tác của địa phương đến người dân gặp phải không ít khó khăn. Nhưng từ khi thực hiện chủ trương đưa cán bộ Biên phòng tăng cường về làm bí thư, phó bí thư các xã biên giới; chuyển đảng viên đồn Biên phòng về sinh hoạt Đảng tạm thời tại các chi bộ thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào theo tín ngưỡng, tôn giáo thì hệ thống chính trị cơ sở đã có chuyển biến tích cực.

Trên cương vị bí thư, phó bí thư đảng ủy xã biên giới, cán bộ Biên phòng tăng cường đã kịp thời tham mưu để cấp ủy, chính quyền địa phương nâng cao chất lượng công tác của đội ngũ cán bộ, viên chức, cũng như các tổ chức đoàn thể tại địa phương. Cán bộ, đảng viên BĐBP luôn bám sát địa bàn, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương sẵn sàng giải đáp, đưa ra các biện pháp bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân.

Cùng với đó, BĐBP Nghệ An cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân ở khu vực biên giới. Công tác tuyên truyền được thực hiện với nhiều nội dung khác nhau và đa dạng về hình thức, phù hợp với đặc điểm ở khu dân cư. Tại các xã biên giới đất liền, các đồn Biên phòng phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền pháp luật cho nhân dân bằng tiếng phổ thông và cả ngôn ngữ của người dân bản địa. Ở khu vực có đông đảo đồng bào giáo dân sinh sống, các đồn Biên phòng phối hợp với ban hành giáo của các giáo xứ để tuyên truyền pháp luật cho nhân dân.

Qua những buổi tuyên truyền, cán bộ BĐBP giải thích để đồng bào các dân tộc, đồng bào theo tín ngưỡng, tôn giáo hiểu rõ những chính sách của Đảng về vấn đề dân tộc, tôn giáo. Đồng thời, chỉ rõ những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch muốn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhờ những biện pháp khác nhau, BĐBP đã trở thành cầu nối gắn kết, tăng cường tình đoàn kết nhân dân ở khu vực biên giới.

An dân bằng hành động thiết thực

Không chỉ ra sức củng cố hệ thống chính trị cơ sở, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, BĐBP Nghệ An cùng chính quyền địa phương đã triển khai nhiều chương trình, dự án tạo sinh kế bền vững cho nhân dân ở khu vực biên giới.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mỹ Lý thực hiện nhiệm vụ ở “Ngôi nhà thiện nguyện” hướng dẫn các em học sinh lựa chọn sách, vở phù hợp với lứa tuổi. Ảnh: Viết Lam

Trong đó, BĐBP chú trọng xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ cây, con giống để nhân dân phát triển sản xuất, chăn nuôi. Điển hình, trong những năm qua, Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Nghệ An tặng lợn giống cho hàng trăm hộ nghèo. Cùng với việc tặng con giống, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chỉ đạo các đồn Biên phòng cử cán bộ bám sát địa bàn, hướng dẫn nhân dân chăm sóc vật nuôi. Từ mô hình này, đã có nhiều hộ dân chăn nuôi hiệu quả, thay đổi tư duy về lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Căn cứ vào tình hình địa bàn, các đồn Biên phòng cũng huy động nguồn xã hội hóa, triển khai các biện pháp hỗ trợ nhân dân một cách phù hợp nhất. “Ngôi nhà thiện nguyện” do các đồn Biên phòng của BĐBP Nghệ An xây dựng ở những địa bàn biên giới khó khăn thực sự đang giúp ích rất nhiều cho người dân nghèo. Các mặt hàng như quần áo, lương thực, thực phẩm do các nhà hảo tâm thông qua BĐBP gửi tặng nhân dân biên giới đều được sắp xếp gọn gàng tại “Ngôi nhà thiện nguyện”. Người dân trên địa bàn khi đến đây được lựa chọn miễn phí các mặt hàng phù hợp phục vụ cuộc sống gia đình.

Ông Moong Văn Nam, ở xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn chia sẻ: “Cuộc sống của nhân dân trên địa bàn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Từ khi “Ngôi nhà thiện nguyện” của Đồn Biên phòng Mỹ Lý đi vào hoạt động, cung cấp những mặt hàng thiết yếu cho nhân dân hoàn toàn miễn phí thì chúng tôi rất vui”.

Cùng với việc hỗ trợ sinh kế cho nhân dân, BĐBP Nghệ An cũng chú trọng để giúp đỡ học sinh nghèo trên địa bàn vượt qua khó khăn vươn lên học tập tốt. Hiện nay, BĐBP Nghệ An đã và đang nhận đỡ đầu 96 em học sinh theo Chương trình “Nâng bước em tới trường” và 17 em học sinh theo mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”, trong đó, có nhiều em là con em đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào theo tín ngưỡng, tôn giáo.

Thượng tá Nguyễn Văn Đại, Chính trị viên Đồn Biên phòng Diễn Thành cho biết: “Trong số 5 em học sinh được đơn vị nhận đỡ đầu theo Chương trình “Nâng bước em tới trường”, có 2 em là con của các gia đình đồng bào giáo dân. Được BĐBP đỡ đầu, các em đang nỗ lực vượt qua khó khăn để học tập tốt. Bằng những việc làm cụ thể, mối quan hệ đoàn kết giữa BĐBP với nhân dân địa bàn nói chung và giáo dân nói riêng luôn được giữ vững. Nhân dân chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.

Anh Sơn

Bình luận

ZALO