Biên phòng - Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mới đây tái khẳng định lập trường, quan điểm thống nhất rằng, việc sử dụng vũ lực cũng như các động thái quân sự hóa trên Biển Đông sẽ làm gia tăng căng thẳng và có thể dẫn tới xung đột vũ lực. Cộng đồng quốc tế đều ủng hộ quan điểm, lập trường này và cùng nhấn mạnh ý chí với ASEAN về thượng tôn luật pháp quốc tế trong vấn đề Biển Đông.

Thượng tôn luật pháp quốc tế
Hội nghị trực tuyến Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng các nước ASEAN lần tBộ quy tắc ứng xử ở Biển Đônghứ 18 (ACDFM-18) do Brunei chủ trì diễn ra vào giữa tuần trước đã đưa ra Tuyên bố chung. Trong đó, nhấn mạnh cam kết của các nước ASEAN trong việc tiếp tục duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, đồng thời, tăng cường xây dựng lòng tin, thực thi đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất (COC) hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Tuyên bố cũng tái khẳng định quan điểm từng được nêu rõ trong Tuyên bố Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 vào tháng 6 năm ngoái và Thông cáo chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 vào tháng 9-2020. Hai Hội nghị này đều do Việt Nam chủ trì với tư cách là Chủ tịch ASEAN Năm 2020.
Đặc biệt là trước tình hình phức tạp trên Biển Đông thời gian gần đây, việc thượng tôn luật pháp quốc tế ngày càng được các quốc gia, tổ chức quốc tế trong và ngoài khu vực coi trọng, đồng thời cùng chung quan điểm bác bỏ mọi hành động sử dụng vũ lực. Thượng nghị sĩ Francis Tolentino - Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Philippines nhấn mạnh rằng, theo luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982, việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp đều bị cấm.
Người đứng đầu Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia (MSA), Phó Đô đốc Aan Kurnia nhìn nhận, Biển Đông đang xuất hiện những dấu hiệu cho thấy khả năng xảy ra xung đột và việc tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982, sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết bất đồng cần phải được đẩy mạnh hơn nữa. Bộ Quốc phòng Nhật Bản và Bộ Ngoại giao Mỹ mới đây cũng bày tỏ mối quan ngại trước những hành động không thiện chí trong vấn đề Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh việc phải tăng cường các biện pháp dẹp bỏ những hành động đe dọa, ngăn chặn những hiểm họa có thể gây nên xung đột vũ lực.
Giới chuyên gia quốc tế nghiên cứu về Biển Đông cùng chung đánh giá này và chỉ rõ, một trong những yếu tố cấp thiết phải xử lý là siết chặt pháp lý nhằm tránh tình trạng lạm dụng các “kẽ hở”. Trong đó, cần chú trọng ngăn chặn các hành động bất hợp pháp hoặc cản trở tiến trình đàm phán COC để không làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông. Điển hình như các động thái phớt lờ quyền hợp pháp và lịch sử của các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Đặc biệt là việc quân sự hóa các lực lượng trên biển. Mọi động thái của tất cả các nước liên quan hiện nay bắt buộc cần phải tuân thủ những nguyên tắc quan trọng trong UNCLOS 1982, Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế nói chung về việc sử dụng đại dương vì mục đích hòa bình và không sử dụng vũ lực. Bởi lẽ, những hành động này sẽ làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông và có thể dẫn tới xung đột vũ lực.
Cùng chung ý chí
Từ trước đến nay, Việt Nam luôn kiên định lập trường cùng quan điểm xuyên suốt rằng, mọi hoạt động của tất cả các bên trên Biển Đông cần phải đóng góp vào mục tiêu chung là duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Việt Nam cũng luôn kêu gọi các nước có trách nhiệm tuân thủ nghiêm và thiện chí với luật pháp quốc tế, không được có những hành động làm gia tăng căng thẳng, đồng thời tích cực đóng góp vào việc tạo dựng lòng tin, thúc đẩy trật tự dựa trên luật lệ quốc tế, đảm bảo an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông.
Giới quan sát khu vực khẳng định, cộng đồng quốc tế hiện nay đều ủng hộ quan điểm, lập trường và cùng chung ý chí với Việt Nam. Lập trường thượng tôn pháp luật cùng những đóng góp tích cực của Việt Nam thể hiện thiện chí của một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Cũng vào giữa tuần trước đã diễn ra Hội nghị thảo Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 3 về tăng cường hợp tác thực thi luật pháp trên biển do Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp cùng Bộ Ngoại giao và thương mại Australia và Ủy ban châu Âu tổ chức theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp. Đây là Hội thảo mới nhất trong loạt Hội thảo ARF do Việt Nam cùng Australia và Liên minh châu Âu (EU) tổ chức về hợp tác thực thi pháp luật trên biển và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tại Hội thảo lần này, các quan chức, các nhà nghiên cứu và giới chuyên gia cùng chung khẳng định rằng, những biểu hiện sử dụng vũ lực trên biển tại các khu vực tranh chấp sẽ là mối hiểm họa dẫn tới nguy cơ leo thang căng thẳng. Phân tích của các chuyên gia chỉ ra rằng, theo UNCLOS 1982, các quốc gia được phép sử dụng vũ lực khi thực thi công vụ trong trường hợp thực sự cấp thiết và bắt buộc phải phù hợp cũng như tuân thủ các hạn chế cần thiết, các nguyên tắc, quy trình chung. Đây cũng là biện pháp cuối cùng sau khi tất cả các biện pháp khác đã được thực hiện và phải tránh gây nguy hại tới tính mạng con người. Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định, việc sử dụng vũ lực chỉ được tiến hành trong vùng biển thuộc quyền tài phán của quốc gia, còn nếu tại vùng biển đang có tranh chấp thì việc này rất nhạy cảm, dễ dẫn đến nguy cơ leo thang căng thẳng.
Thảo luận về nhiều mô hình hợp tác giữa các lực lượng thực thi pháp luật trên biển tại Địa Trung Hải, ngoài khơi Somalia, các thách thức biển như tội phạm buôn bán người, buôn lậu ma túy, vũ khí, khủng bố,... giới chuyên gia khẳng định, hiện nay cần tích cực triển khai những biện pháp xây dựng lòng tin, hiểu biết lẫn nhau giữa các cơ quan thực thi pháp luật trên biển. Cụ thể tại Đông Nam Á, ASEAN đã xác định hợp tác và an ninh biển là một lĩnh vực ưu tiên trong Tài liệu quan điểm về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, vì vậy cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác nội khối và hợp tác với các đối tác bên ngoài để tăng cường hơn nữa hiệu lực thực thi pháp luật quốc tế.
Thanh Trúc