Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:24 GMT+7

Cùng chung tay xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị

Biên phòng - Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng có mối quan hệ đoàn kết hữu nghị, hợp tác truyền thống. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ trong quan hệ hai nước, Việt Nam và Campuchia đã đạt được thành quả quan trọng về việc giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền giữa hai nước.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP An Giang và lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn Campuchia tuần tra, bảo vệ cột mốc 275 tại cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, tỉnh An Giang (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19). Ảnh: Đăng Bảy

Xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững

Việt Nam và Campuchia có chung đường biên giới trên đất liền dài khoảng 1.255km, kéo dài từ cặp tỉnh Kon Tum - Ratanakiri đến cặp tỉnh Kiên Giang - Kampot, đi qua 10 tỉnh của Việt Nam và 9 tỉnh của Campuchia. Điểm khởi đầu đường biên giới trên đất liền là vị trí giao điểm biên giới ba nước Việt Nam - Campuchia - Lào (phía Việt Nam là tỉnh Kon Tum, phía Lào là tỉnh Attapeu, phía Campuchia là tỉnh Ratanakiri). Điểm kết thúc là vị trí cột mốc chính có số hiệu 314 thuộc địa bàn xã Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, Việt Nam và xã Rus Xây Sroc Khang Lếch, huyện Kom Pong Trach, tỉnh Kampot, Campuchia.

“Với kinh nghiệm quý báu đã tích lũy trong hơn 20 năm qua, cùng tinh thần hợp tác trách nhiệm và quyết tâm cao của tất cả các bộ, ngành, địa phương liên quan, công tác PGCM biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia sẽ có những tiến triển tích cực trong thời gian tới; tiến tới xác lập đường biên giới hoàn chỉnh, chính quy giữa hai nước. Qua đó, góp phần củng cố vững chắc hòa bình, ổn định và phát triển khu vực biên giới của cả hai nước. Những tiến triển trong công tác PGCM biên giới trên đất liền sẽ đóng góp thiết thực, ý nghĩa vào việc kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và thành công của Năm hữu nghị Việt Nam - Campuchia 2022” - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh khẳng định.

Qua quá trình triển khai phân giới cắm mốc (PGCM) trên thực địa, tính đến nay, hai nước Việt Nam - Campuchia đã hoàn thành phân giới khoảng 1.045km đường biên giới, xây dựng được 2.047 cột mốc tại 1.553 vị trí (chưa kể cột mốc không số cắm tại ngã ba biên giới Việt Nam - Campuchia - Lào). Theo đó, trong quá trình PGCM thời gian qua, Việt Nam và Campuchia đã có khoảng 84% chiều dài đường biên giới rất rõ ràng trên thực địa, được đánh dấu bởi hệ thống cột mốc khang trang, chính quy, hiện đại và bền vững; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo chủ quyền, an ninh biên giới; tạo tiền đề để giải quyết 16% chưa hoàn thành PGCM còn tồn đọng.

Tại Hội nghị tổng kết 20 năm công tác PGCM biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia (1999-2019), diễn ra tại tỉnh Kiên Giang, ngày 4-3-2022, ông Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban biên giới quốc gia cho biết: Trong suốt tiến trình đàm phán PGCM từ năm 1999 tới nay, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam - Campuchia ngày càng được củng cố và phát triển trên cơ sở nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.

“Có thể nói, việc hai bên hoàn thành và pháp lý hóa thành quả PGCM 84% trên đất liền giữa Việt Nam - Campuchia có ý nghĩa hết sức quan trọng trên 3 khía cạnh. Một là, chúng ta đã hình thành một đường biên giới hết sức rõ ràng với phía Campuchia và 84% tổng chiều dài biên giới Việt Nam - Campuchia đó đã được cụ thể bằng hệ thống cột mốc rất chính quy, hiện đại và bền vững. Thứ hai là, với đường biên giới rõ ràng như vậy tạo thuận lợi rất nhiều cho công tác quản lý biên giới, bảo đảm trật tự trị an khu vực biên giới giữa hai nước. Thứ ba là, với đường biên giới chính quy, hiện đại như vậy thì cư dân của hai bên biên giới có điều kiện tăng cường trao đổi giao lưu, thông thương hàng hóa. Qua đó, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững” - Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh.

Sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo hai quốc gia

Kon Tum có đường biên giới giáp với Vương quốc Campuchia và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, với tổng chiều dài 293km (trong đó, đoạn biên giới giáp với Campuchia dài khoảng 139km). Đây cũng là nơi đặt cột mốc không số - địa danh mà con gà gáy ba nước cùng nghe. Ông Y Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum nói: “Kon Tum có 7 xã biên giới giáp với Campuchia, dân cư sinh sống thưa thớt, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn. Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, tỉnh Kon Tum đã tích cực triển khai các nhiệm vụ đàm phán PGCM biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia. Đến nay, công tác PGCM của tỉnh được triển khai đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng công trình”.

Ông Huỳnh Anh Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết: “Bình Phước xác định và đặt nền móng cho mối quan hệ hữu nghị thân thiết với 6 tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia. Thời gian qua, hai bên thường xuyên phối hợp nhịp nhàng trong hợp tác phát triển kinh tế cũng như xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị; kịp thời giải quyết những vướng mắc, tạo thuận lợi cho lưu thông qua biên giới; đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần rất lớn cho công tác PGCM của tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh Bình Phước luôn làm tốt công tác tuyên truyền nên nhân dân sống dọc theo biên giới luôn đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ rất nhiều cho lực lượng cắm mốc”.

Cũng tại hội nghị này, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ghi nhận và đánh giá cao những thành quả đạt được trong công tác đàm phán PGCM cũng như công tác quản lý, bảo vệ biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia từ năm 1999 đến nay.

Phó Thủ tướng khẳng định, những thành quả này có ý nghĩa to lớn, thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo cấp cao hai nước cùng sự quyết tâm, thiện chí và nỗ lực của cả Việt Nam và Campuchia trong việc cùng nhau giải quyết vấn đề biên giới chung. Đó cũng là kết quả của sự kiên trì, linh hoạt và cả những nỗ lực không biết mệt mỏi của tất cả các lực lượng trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào quá trình này; của sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các bộ, ngành, địa phương liên quan trong suốt quá trình đàm phán PGCM và ký kết các văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả đạt được từ năm 1999 đến nay...

Đăng Bảy

Bình luận

ZALO