Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 22/03/2023 12:09 GMT+7

Cùng chung tay “không để ai bị bỏ lại phía sau”

Biên phòng - Đó là thông điệp ý nghĩa của nhiều hoạt động về nhân quyền được tổ chức trong thời gian qua tại Việt Nam. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày ra đời Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế (10/12/1948-10/12/2018), Việt Nam đang nỗ lực xây dựng, thực hiện là một chế độ của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Vì vậy, từ khi lập quốc theo thể chế dân chủ XHCN đến nay, Việt Nam đã kiên trì theo đuổi mục tiêu không ngừng bảo đảm quyền con người cho mọi người dân.

fz9mn4akvd-9744_f_jqw3130z0_1
 H’Hen Niê và các nghệ sĩ Việt Nam tham gia chương trình tập huấn “Quyền con người và bình đẳng giới liên quan đến các nhóm dễ bị tổn thương bởi HIV”.

Giữa tháng 11-2018 vừa qua, tại thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra sự kiện “Quyền con người và bình đẳng giới liên quan đến các nhóm dễ bị tổn thương bởi HIV” với cam kết “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Sự kiện có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ trẻ đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật của làng giải trí Việt Nam. Đặc biệt, tham gia chương trình tập huấn “Quyền con người và bình đẳng giới liên quan đến các nhóm dễ bị tổn thương bởi HIV” còn có sự góp mặt của Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam 2017 H'Hen Niê và Á hậu Hoàng Thùy. Sự kiện lần này thể hiện cam kết “không để ai bị bỏ lại phía sau”, thúc đẩy bình đẳng giới, chấm dứt phân biệt đối xử và bạo lực giới.

Hoa hậu H’Hen Niê chia sẻ: "Là người thường xuyên tham gia các hoạt động cộng đồng, đặc biệt các hoạt động hướng đến người nhiễm HIV/AIDS, H’Hen biết một thực trạng đáng buồn tại Việt Nam rằng cả nước có khoảng 200.000 người nhiễm HIV được phát hiện. Đặc biệt, hai nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới và chuyển giới nữ nhiễm HIV tăng lên nhanh chóng”. Ngoài ra, ít nhất 50.000 người nhiễm HIV sống trong cộng đồng chưa biết tình trạng của mình để được tư vấn và điều trị. Những "con số biết nói ấy" khiến cô suy nghĩ nhiều. Bên cạnh đó, tình trạng phân biệt đối xử, kỳ thị kép vẫn tiếp diễn. Điều này khiến những người nhiễm HIV hay có nguy cơ cao vẫn ngại ngần trong việc đi khám và điều trị.

Các nghệ sĩ đã cùng đại diện Liên Hợp Quốc trao đổi về những bước tiến đáng kể cũng như vấn đề nổi cộm về giới, những người bị nhiễm HIV tại Việt Nam. Không chỉ lắng nghe, họ còn chia sẻ và đóng góp cho cộng đồng về bình đẳng giới, quyền con người và thực trạng của những người nhiễm HIV tại Việt Nam. Đây cũng chính là một trong nhiều hoạt động nổi bật đề cao về quyền con người được tổ chức trong thời gian gần đây.

Đất nước càng phát triển, các thành tựu kinh tế- xã hội càng lớn thì Việt Nam càng có điều kiện quan tâm thực hiện các quyền con người cho mọi người dân Việt Nam. Có những con số vốn lạnh lùng, khô khan. Nhưng cũng có những con số luôn có hồn vì nó đã “biết nói” và thể hiện trọng lượng, giá trị cao cả của mình trước công luận, trước cộng đồng quốc tế. Thành tựu về quyền con người ở Việt Nam trong 70 năm qua thể hiện trên mọi lĩnh vực, nhất là những bước tiến vượt bậc về phát triển kinh tế trong hơn 30 năm đổi mới (1986-2018). Từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, quy mô nền kinh tế năm 1985 mới có 14 tỉ USD, thì đến năm 2018 ước đạt 244 tỉ USD, tăng gấp hơn 17,4 lần. Nền kinh tế Việt Nam hiện đứng thứ 44 thế giới theo GDP danh nghĩa và thứ 34 khi tính theo sức mua tương đương quốc tế. Với việc giảm mạnh tỷ lệ nghèo từ trên 60% (năm 1986) xuống còn khoảng 7% (cuối năm 2017), Việt Nam đã chuyển từ nhóm thu nhập thấp sang thu nhập trung bình. Thu nhập bình quân đầu người năm 1985 mới đạt 230 USD đến nay đã tăng lên gần 2.540 USD (tính theo sức mua tương đương là gần 7.640 USD).

Với nhiều đóng góp và cống hiến cho hoạt động nhân quyền trong thời gian qua, vị thế, hình ảnh, tiếng nói của Việt Nam ngày càng được tăng cường, nâng cao và có uy tín trên trường quốc tế. Vì vậy, Việt Nam đã được tín nhiệm bầu vào các cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc như Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2008-2009, Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016, Hội đồng Kinh tế-Xã hội nhiệm kỳ 2016-2018, Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2015-2019... Tháng 5-2018 vừa qua, Việt Nam đã được 53 nước châu Á-Thái Bình Dương nhất trí đề cử là ứng cử viên duy nhất của khu vực này làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Ngày 6-12, tại thành phố Hòa Bình đã diễn ra Hội nghị chuyên đề Kỷ niệm 70 Ngày Nhân quyền thế giới do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Chỉ đạo về nhân quyền của Chính phủ tổ chức. Đáng chú ý, tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo một số cơ quan báo chí trong nước đã trình bày các tham luận nhằm trao đổi kinh nghiệm và đề xuất các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền về lĩnh vực quyền con người trên các phương tiện truyền thông. Phó tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân, Đại tá Phùng Kim Lân tham dự và đọc tham luận tại Hội nghị. Trong tham luận của mình, Phó giáo sư, Tiến sĩ Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đã nhấn mạnh giá trị thời đại của Tuyên ngôn Nhân quyền quốc tế, qua đó giúp nhận diện những thời cơ và thách thức đối với Việt Nam trong lĩnh vực bảo đảm quyền con người.

Quang Long

Bình luận

ZALO