Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:11 GMT+7

Cửa khẩu Lạng Sơn: Giải pháp nào khắc phục tình trạng hàng nông sản ùn ứ dịp cuối năm?

Biên phòng - Thời điểm cuối năm, tại hầu hết các điểm tập kết hàng nông sản chờ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc ở các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn đều trong tình trạng ùn ứ, tồn đọng hàng nghìn tấn hàng. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống của nhân dân tại địa phương.

Các xe container chở hàng hóa tập kết tại bãi xe ở cửa khẩu Tân Thanh chờ làm thủ tục để xuất khẩu qua biên giới. Ảnh: CTV

Trung Quốc vốn là thị trường nhập khẩu hàng rau, quả lớn nhất của Việt Nam, cũng là thị trường nhập khẩu hàng rau, quả lớn thứ 3 trên thế giới. Trong tháng 7- 2021, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang thị trường này đạt gần 5,5 tỉ USD, trong đó, nhóm rau quả chiếm tới 26,9%. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hiện nay, việc xuất khẩu một số loại nông sản, trái cây sang thị trường này bị gián đoạn đáng kể, giảm đến 60-70% so với cùng kỳ. Xe tồn ở bãi lên đến vài trăm xe, chủ yếu là thanh long và các loại hoa, quả khác khi lượng xe chở nông sản đổ lên biên giới ngày một tăng vào những ngày cuối năm. Cùng với đó, sự kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ của lực lượng chức năng để phòng, chống dịch Covid-19 đã gây ra tình trạng ùn ứ hàng nghìn xe hàng tại các cửa khẩu.

Ông Lưu Vũ Phong, 42 tuổi, lái xe chở nông sản tâm sự: “Nhiều năm qua, tôi lái xe đường dài chuyên chở hoa quả từ Tây Nam Bộ lên Lạng Sơn để xuất bán sang Trung Quốc, nhưng chưa thấy việc làm ăn khó khăn, vất vả như bây giờ. Thời gian chở hàng từ các tỉnh Tây Nam Bộ lên khu vực cửa khẩu Tân Thanh hết 3 ngày, sau đó, xe tôi tiếp tục nằm chờ ở khu phi thuế quan 7 ngày, rồi lại chờ đến lượt thông quan ở bãi Bảo Nguyên 6 ngày. Trong khi đó, mức khoán lái xe là 4,5 triệu/chuyến, mà phải tự chi trả chi phí đi lại, cầu đường, xăng dầu, ăn uống, lại thêm tiền xét nghiệm Covid-19, thì gần như tiền công chẳng còn là bao”.

Trong 2 tháng qua, bãi đỗ xe chờ xuất tại cửa khẩu Tân Thanh thường xuyên có gần 1.000 xe lưu bãi. Theo Trung tâm quản lý cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn, nguyên nhân ùn tắc do phía bạn đã tạm dừng nhập khẩu một số mặt hàng nông sản, nhưng hàng từ nhiều địa phương vẫn đổ về cửa khẩu Lạng Sơn. Ông Bế Thái Hưng, Phó Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn chia sẻ: “Kể từ khi đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, phía Trung Quốc quản lý chặt hơn khâu giao nhận hàng. Họ tuyệt đối không cho tài xế và chủ hàng của Việt Nam đưa xe hàng vào sâu lãnh thổ Trung Quốc, ta phải giao xe hàng để tài xế phía Trung Quốc đưa đến khu vực kiểm hóa Pò Chài (thuộc Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc), trong khi lượng lái xe chuyên trách phía Trung Quốc bị thiếu hụt, nên đây cũng là nguyên nhân khiến việc ùn tắc kéo dài. Sau khi giao xe, các tài xế được tập trung thực hiện công tác phòng, chống dịch và ngày nào cũng phải test nhanh, lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Việc này cũng phát sinh một số khó khăn và chi phí cho doanh nghiệp, dẫn đến việc xuất hàng chậm hơn”.

Một nguyên nhân khác dẫn đến sự chậm trễ xuất hàng qua biên giới là năng lực bến bãi thông quan ở Trung Quốc còn hạn chế. Do dịch bệnh Covid-19, thiếu vắng nhân lực, nên việc sang tải hàng hóa giữa ô tô Việt Nam và Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, kéo dài. Đã vậy, do không quen xe, một số tài xế nước bạn khi được lái xe Việt Nam giao xe đã va quệt, hoặc không điều khiển thành thục phương tiện, dẫn đến ách tắc trầm trọng ngay trên đất Trung Quốc. Kể cả khi đã xuất được hàng, lái xe được phép trở về Việt Nam thì buộc phải có phương tiện đi về. Nếu không, sẽ bị cách ly 14 ngày theo quy định của nước sở tại. Nguyên nhân nữa là phía Trung Quốc tạm thời đóng cửa, không thông quan tại một số cửa khẩu phụ ở Lạng Sơn như: Cốc Nam, Na Hình, huyện Văn Lãng, Nà Nưa, Bình Nghi, huyện Tràng Định, Bảo Lâm, huyện Cao Lộc, nên hàng “chạy” về cửa khẩu Tân Thanh. Thời điểm này đang vào chính vụ một số hoa quả chủ lực ở miền Nam, từng đoàn xe vẫn đổ dồn về cửa khẩu Tân Thanh, dẫn tới quá tải.

Mới đây, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có văn bản thông báo phản ánh của cơ quan chức năng phía Trung Quốc về việc lái xe thanh long xuất khẩu của Việt Nam và một số lái xe nhãn tươi của nước thứ 3 quá cảnh qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị có kết quả dương tính với Covid-19. Việc lưu thông sẽ ngày càng khó khăn hơn khi tại 3 cửa khẩu ở Lạng Sơn là cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, cửa khẩu Tân Thanh và Chi Ma hiện vẫn tồn hơn 3.000 xe hàng. Không chỉ kiểm soát dịch bệnh, thị trường Trung Quốc cũng đang đặt ra yêu cầu ngày càng cao về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, bao bì đóng gói... Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến nghị các địa phương bên cạnh đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường, thì cần có thông báo chính xác lượng hàng hóa để có thể chủ động bố trí hạ tầng, kiểm dịch, nhằm hạn chế thấp nhất việc tăng chi phí và thời gian chờ thông quan.

Thiết nghĩ, các hiệp hội, doanh nghiệp hiện đang xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn cần thường xuyên cập nhật tình hình xuất, nhập khẩu tại các cửa khẩu, cũng như nghiên cứu về các quy định trong công tác phòng, chống dịch và kiểm soát dịch bệnh, từ đó, chủ động hơn để có thể điều tiết kế hoạch xuất khẩu hàng hóa, tránh tình trạng ùn ứ cả hàng hóa lẫn phương tiện, không để thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cửa Bộ Công thương tăng cường chỉ đạo cũng như bám sát thị trường, thông báo cho bà con nông dân, doanh nghiệp, thương lái biết để có các giải pháp phù hợp nhằm thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản mũi nhọn sang các thị trường khác như Châu Âu, Châu Mỹ, từ đó, hạn chế tình trạng tắc nghẽn tại các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn như hiện nay.

Kim Nhượng

Bình luận

ZALO