Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 04/06/2023 02:04 GMT+7

Cửa Đại thành “cửa tiểu”

Biên phòng - Quảng Nam và Quảng Ngãi đều có cửa biển mang tên cửa Đại. Và 2 cửa biển này nay đã bị tan hoang vì biển sạt lở và do cả sự can thiệp thô bạo của bàn tay con người. Có nơi, chỉ một đêm đã không thể nhận ra cửa biển, nước biển dâng cao cuốn trôi mọi thứ, thậm chí cả rừng phi lao cũng trôi theo sóng biển.

jr6w_4a
Việc khai thác cát đã gây sạt lở nặng ở các khu dân cư ven biển của tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Văn Chương

Ở  tỉnh Quảng Ngãi, cửa biển Cổ Lũy còn có tên là cửa Đại. 4 năm sau khi cửa biển này biến thành những rìa cát ngang dọc, gò cát mấp mô, tỉnh Quảng Ngãi vẫn không thể nào khắc phục hết được hậu quả và trả lại nguyên trạng ban đầu ở cửa biển này. Tỉnh Quảng Ngãi có 5 cửa biển lớn, cửa biển nào cũng bị bồi lấp do biển thay đổi dòng chảy và nhiều tác động khác. Nhưng cửa Đại thì bị bồi lấp nặng nhất và nguyên nhân gây ra không chỉ do thiên nhiên, mà còn do chính bàn tay con người.

Từ đầu năm 2013, tỉnh Quảng Ngãi đã đồng ý cho Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Ngọc Việt và Công ty CP Trường Phát Lộc tiến hành nạo vét để thông luồng lạch cửa Đại. Đến tháng 8-2013, hai công ty trên đã nạo vét hơn 2,7 triệu m3 cát. Việc nạo hút đã không dựa trên kết quả khảo sát, nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng nên dẫn tới bờ biển bắt đầu bị sóng tấn công. Người dân địa phương có nhiều ý kiến phản đối, nhưng chính quyền chậm xử lý, nên cuối cùng cửa Đại và vùng bờ ở khu vực xã Nghĩa An bị biến dạng.

Ban đầu là hàng loạt hồ tôm bị trôi. Tiếp đến là rừng phi lao bị sóng ập vào cuốn trôi ra biển. Sóng tiếp tục đe dọa khu dân cư đông đúc ở phía trong. Người dân địa phương không bao giờ quên được chỉ sau một đêm, cửa biển này đã biến dạng một cách mau lẹ. Đó là biển ùn lên một ngọn đồi cát ngay cửa biển, hàng loạt rãnh cát ngầm, bờ cát nổi xuất hiện ở cửa ra vào. Cả đoàn tàu đánh cá 2.500 chiếc sau một đêm đã bị nhốt trong âu thuyền và tàu về bến cũng không dám vào gần vì sợ va vào bờ cát và bị sóng đánh chìm như các tàu cá trước đó.

Câu chuyện về khai thác, tận thu cát ở cửa biển gây sạt lở nặng đúng ra phải là bài học cho các địa phương. Nhưng sự việc trên lại tiếp tục tái diễn ở tỉnh Quảng Nam là địa phương lân cận. Nạn nhân là cửa Đại nằm ở TP Hội An của tỉnh Quảng Nam, nằm giáp với TP Đà Nẵng.

Trong những năm qua, cứ mỗi năm sóng biển lại “gặm” vào bờ, gây sạt lở ở khu vực biển cửa Đại tỉnh Quảng Nam. Nguyên nhân ban đầu được nhắc đến là do biến đổi dòng chảy của biển. So với khu vực cửa Đại ở Quảng Ngãi thì cửa Đại tại tỉnh Quảng Nam tiềm ẩn nguy cơ gây thiệt hại lớn, vì đây là địa bàn có rất nhiều nhà hàng, khách sạn do tư nhân đầu tư với số tiền lớn. Resort Golden Sand Hội An là một ví dụ. Đơn vị này quá lo lắng nên đã huy động nhiều người cùng với tiền bạc ra sức chèn chống để bảo vệ gần 700m bờ biển.

Tỉnh Quảng Nam đã tổ chức nhiều hội thảo tìm một phương án chống sạt lở bờ biển cửa Đại. Giải pháp túi địa kỹ thuật, bơm cát tạo ra túi 300 tấn, chiều dài 20m, cao 5m và đặt liền nhau cách bờ biển khoản 50-100m được đề xuất. Địa phương còn triển khai thực hiện dự án xây dựng 1,6km kè với số tiền khoảng 60 tỉ đồng để chống sạt lở...

Hiện nay, 2 đơn vị đang thi công nạo vét khơi thông luồng lạch, hút cát lên bờ chống sạt lở, đó là Ban Quản lý dự án đường thủy nội địa (Cục Đường thủy nội địa, Bộ Giao thông Vận tải) làm chủ đầu tư và dự án do UBND TP Hội An làm chủ đầu tư. Cả hai dự án này đều nạo hút cát khai thông luồng lạch và bơm cát lên bờ chống sạt lở ở cửa Đại.

Trong khi tỉnh Quảng Nam và Trung ương đang lo cho cửa Đại thì mới đây, một thông tin như quả bom phát nổ, đó là, có doanh nghiệp đã lén lút tổ chức moi hút 1 triệu mét khối cát ở khu vực biển cửa Đại để mang về Đà Nẵng san lấp mặt bằng. Ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Đoạn quản lý đường thủy nội địa Quảng Nam cho biết, tàu HP 4055, HP 4288 và ĐNa 0578 đã hút cát sai vị trí cấp phép và chở cát đi Đà Nẵng...

Các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Nam đã vào cuộc và kết luận, có 5 tàu trộm 4.394m3 cát từ cửa Đại đưa ra Đà Nẵng đổ vào công trình lấn biển Khu đô thị quốc tế Đa Phước. Bị báo chí liên tục truy nguồn gốc cát thi công, Công ty TNHH The Sunrise Bay đang là chủ đầu tư dự án Khu đô thị Đa Phước đã lý giải nguồn cát san lấp mặt bằng được mua từ mỏ cát ở huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Nhưng lãnh đạo huyện miền núi Tây Giang thì đã “đáp trả” rằng, Tây Giang không xuất bán cát cho đơn vị này (!?).

Hiện nay, vụ việc đang được các cơ quan chức năng ở tỉnh Quảng Nam tiếp tục điều tra, làm rõ.

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO