Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:16 GMT+7

Cú huých quyết định

Biên phòng - Cách đây 56 năm, Tuyên bố chung đầu tiên về tình hữu nghị Pháp-Đức đã được ký tại Paris (Pháp). Kể từ đó đến nay, tinh thần của Hiệp ước Élysée 1963 đã được các Chính phủ Pháp và Đức qua nhiều thời kỳ nhắc lại nhiều lần. Năm 2019 này, Hiệp ước Aachen dài 16 trang đã được các nhà lãnh đạo Pháp, Đức ký kết nhằm thúc đẩy tinh thần đoàn kết của châu Âu, đặc biệt trong bối cảnh nước Anh chuẩn bị rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), làn sóng di cư và cuộc khủng hoảng ở khu vực sử dụng đồng ơ-rô đang gia tăng nhanh chóng. Pháp và Đức đang muốn thực hiện một cú huých quyết định với lời cảnh báo EU rằng: Đoàn kết hoặc là không tồn tại.

9mcf_20a
Thủ tướng Đức Angela Merkel (thứ hai từ phải sang) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (thứ hai từ trái sang) tại buổi lễ ký kết Hiệp ước Aachen. Ảnh: Reuters

Hiệp ước nói gì?

Điều cơ bản nhất mà Hiệp ước Aachen nhắm tới là củng cố mối quan hệ giữa hai đầu tàu châu Âu từ kinh tế, chính trị cho đến an ninh-quốc phòng, từ đó tìm cách củng cố "năng lực của châu Âu để hành động tự chủ". Các nhà lãnh đạo Pháp và Đức nhất trí củng cố lập trường chung và đưa ra tuyên bố chung về các vấn đề lớn của EU - chính thức hóa sự hợp tác của họ hiện nay. Cụ thể, hai nước cam kết:

Về chính trị quốc tế, Paris và Berlin sẽ luôn cố gắng trình bày một lập trường chung tại Liên hợp quốc và vận động cho Đức một chiếc ghế thành viên thường trực tại Hội đồng Bảo an.

Hội nhập kinh tế sâu rộng với "khu vực kinh tế" Pháp-Đức. Hai nước cam kết tạo mẫu số chung cho sinh hoạt kinh tế, mô hình xã hội và lối sống sao cho mỗi ngày mỗi gần nhau. Cụ thể lập vùng “kinh tế chung” ở biên giới, bước đầu tiến tới mô hình thuế khóa chung.

Phát triển năng lực quân sự của châu Âu, Pháp - Đức cùng nhau đầu tư để "lấp đầy khoảng trống về năng lực, từ đó củng cố" EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Thúc đẩy một "nền tảng văn hóa chung" và triển khai chung trong cả hai lực lượng vũ trang cũng như một Hội đồng quốc phòng và an ninh Pháp-Đức. Hai nước cam kết sẽ trợ lực nhau, kể cả quân sự, nếu một trong hai nước bị tấn công. Cho đến nay, Đức vẫn thận trọng trong lĩnh vực này, nhưng lần đầu tiên Béc-lin đồng ý “lập quỹ phòng thủ chung cho châu Âu” và dự kiến phối hợp công nghiệp quân sự, chế tạo vũ khí.

Đối với giới trẻ, thỏa thuận tập trung vào trao đổi văn hóa và tăng cường học tập ngôn ngữ của nhau, với mục tiêu thành lập một trường Đại học Pháp-Đức.

Ngoài ra, hai bên cũng có kế hoạch tăng cường các kết nối xuyên biên giới và "sử dụng thông thạo hai ngôn ngữ" ở cả hai bên biên giới Pháp và Đức.

Động cơ sâu xa

Cho dù cả hai nhà lãnh đạo đều gặp khó khăn nội bộ: Thủ tướng Đức Angela Merkel trả giá cho chính sách nhập cư rộng lượng, đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo thua liên tục trong các cuộc bầu cử địa phương, còn Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đụng độ với cuộc khủng hoảng xã hội “phong trào áo vàng”, nhưng Paris và Berlin vẫn muốn cải cách sâu rộng EU. Vì sao vậy?

Có không ít yếu tố đe dọa sự tồn vong của EU. Trong phe đồng minh, đó là những cú đá ngược của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào khối NATO cũng như quyết định “ly dị” của Anh làm châu Âu như “cua gãy một càng”. Bên ngoài biên giới, Trung Quốc và Nga tiếp tục bị coi là mối đe dọa. Trong nội bộ, phong trào dân tộc chủ nghĩa cực đoan nắm quyền ở Hungary, ở Italy và đang đe dọa các đảng truyền thống ở Pháp và Đức.

cjy6_20b
Thủ tướng ĐứcAngela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macton trò chuyện với người dân sau buổi lễ ký hiệp ước. Ảnh: Getty

Trong bối cảnh đó, Pháp và Đức muốn thổi luồng sinh khí mới cho vị thế của họ ở trung tâm EU. Hiệp ước được xem là bức tường thành chống phong trào dân túy đe dọa châu Âu cũng như để bảo vệ EU trước những bất trắc đến từ bên ngoài. Nói cách khác, khi Anh rời khỏi EU và một làn sóng dân túy đang trỗi dậy thách thức các giá trị tự do cốt lõi của khối, hiệp ước mới cam kết toàn tâm toàn ý bảo vệ liên minh.

Hiệp ước Aachen mang ý nghĩa biểu tượng rất lớn. Ngày 22-1 là sinh nhật 56 năm của Hiệp ước Élysée. Về địa điểm, khi chọn Aachen, thành phố biên giới Đức, kinh đô của vương quốc Charlemagne, vị vua đầu tiên muốn thống nhất châu Âu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel muốn bày tỏ tham vọng biến trục Pháp-Đức thành một “điểm hội tụ” khuyến khích các thành viên châu Âu khác cùng tham gia vào một dự án chung như kinh tế, thuế quan, quốc phòng và chính trị quốc tế. Hiệp ước Pháp-Đức 2019 với 7 chương và 28 điều khoản quy định những lĩnh vực mà hai nước muốn tăng cường là “bệ phóng để (châu Âu) hiện hữu và đi tới”, như tuyên bố của Tổng thống Pháp E.Macron.

Vượt khó?

Trên thực tế, không ít ý kiến bày tỏ sự bi quan về Hiệp ước Aachen, cho rằng hiệp ước chỉ đơn thuần mang tính biểu tượng. Trong nhiều vấn đề, hai nước Đức-Pháp thường không nhất trí với nhau. Tuy nhiên, thời điểm này có thể là cơ hội để hai bên xích lại gần nhau.

Theo giới phân tích, EU sẽ chẳng hưởng được lợi gì từ cuộc mặc cả giữa Mỹ và Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại hiện nay, do những mặc cả đều được thực hiện ngoài khuôn khổ cơ chế đa phương. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khá thành công khi áp đặt các quy định mới cho Trung Quốc và khi hai bên giàn xếp được, vấn đề còn lại là của EU (ví dụ như trong vấn đề sở hữu trí tuệ).

Hiện, EU chẳng khác gì hình ảnh một chú lùn bị kẹp giữa hai người khổng lồ. Một bên là Trung Quốc, đã mua gần hết các “báu vật” kinh tế từ nhiều nước nhỏ trong khối. Bên kia là Mỹ công khai tấn công tài chính ngành công nghiệp mũi nhọn Airbus. Trong hoàn cảnh này, Pháp và Đức buộc phải cùng nhau hợp tác chặt chẽ sau Hiệp ước A-chen để tìm kiếm một lối thoát khỏi chiếc bẫy chiến lược này.

Bên cạnh đó, các quốc gia Trung và Đông Âu hiện đã từ chối chấp nhận sự lãnh đạo của Đức và Pháp trong vấn đề di cư. "Đã đến lúc phản đối trục Pháp- Đức bằng cách ủng hộ một trục Italy - Ba Lan", Bộ trưởng Nội vụ Italy Matteo Salvini, thành viên đảng Cánh hữu, tuyên bố trong chuyến thăm Ba Lan, nhằm thách thức sự thống trị của Pháp và Đức trong EU trong một liên minh hoài nghi châu Âu trước thềm cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 5 tới.Với Hiệp ước Pháp-Đức mới, chiến dịch tranh cử Nghị viện châu Âu đã thật sự bắt đầu.

Hồng Ngọc

Bình luận

ZALO