Biên phòng - Hội nghị Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) đã diễn ra tại thành phố Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh vào cuối tuần trước và sẽ kéo dài đến ngày 12-11. Kỳ vọng lớn nhất hiện nay là COP26 sẽ đoàn kết thế giới với những cam kết mạnh mẽ để nâng tầm hiệu lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu.

COP26 ban đầu dự kiến diễn ra vào tháng 11 năm ngoái, song, tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 đã khiến Hội nghị phải lùi lại 1 năm. COP26 do Anh đăng cai với sự phối hợp của Italia tổ chức theo hình thức trực tiếp. Theo truyền thông quốc tế, việc tổ chức trực tiếp đã cho thấy nỗ lực rất lớn của nước chủ nhà trong việc đảm bảo an toàn dịch bệnh, cũng như hỗ trợ các phái đoàn của những nước không có điều kiện tiếp cận vaccine có được điều kiện và vị thế tốt tại hội nghị. Nỗ lực này nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để hội nghị có thể đạt được kết quả tích cực. Bởi lẽ, việc tổ chức theo hình thức trực tuyến tồn tại nhiều hạn chế như chênh lệch múi giờ, điều kiện về khoa học công nghệ của nhiều quốc gia kém nguồn lực...
Một trong những yếu tố tạo ra nhiều kỳ vọng ở COP26 là việc quy tụ số lượng lớn nhất các nhà lãnh đạo thế giới từ 197 quốc gia. Trong đó, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự COP26, thể hiện mạnh mẽ thông điệp về một Việt Nam trách nhiệm, chủ động, tích cực chung tay cùng cộng đồng quốc tế giải quyết các thách thức toàn cầu về biến đổi khí hậu. Là quốc gia chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, Việt Nam khẳng định quyết tâm và nỗ lực cao nhất để vượt mọi khó khăn để ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bước vào COP26, Thủ tướng Anh Boris Johnson kêu gọi thế giới cần hành động ngay lập tức trước khi quá muộn, đồng thời nhấn mạnh rằng, đây là “bước ngoặt của nhân loại”. Giới chuyên gia quốc tế bình luận, COP26 được kỳ vọng sẽ trở thành một hội nghị lịch sử nếu kết quả đạt được là thúc đẩy các quốc gia đưa ra cam kết mới để tiếp tục cắt giảm lượng phát thải, hướng tới mục tiêu trung hòa khí thải vào năm 2050 (mục tiêu phát thải ròng carbon bằng 0 vào năm 2050). Thành công của COP26 sẽ được minh chứng rõ nét ở việc số lượng quốc gia cam kết đạt mục tiêu này, cũng như số lượng chính phủ nộp Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Trong đó, xác định cam kết góp phần hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu dưới ngưỡng 2 độ C và hướng tới ngưỡng 1,5 độ C.
Ngoài ra, một tiêu chí khác phản ánh mức độ thành công của COP26 là việc các quốc gia phát triển thực hiện cam kết huy động 100 tỷ USD/năm để giúp các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu. Cùng với đó, COP26 cũng được kỳ vọng sẽ đạt được mục tiêu về tăng cường khả năng thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu, cũng như khả năng đối phó với những tác động tiêu cực về kinh tế và phi kinh tế do biến đổi khí hậu gây ra thông qua việc thích ứng hoặc giảm thiểu thiệt hại.
Theo giới quan sát chính trị quốc tế, COP25 diễn ra vào năm 2019 đã mang tới kết quả không như kỳ vọng khi chưa thể giải quyết nhiều vấn đề nổi cộm nhưng vẫn đạt được một thỏa thuận quan trọng về việc cắt giảm lượng khí thải carbon dioxide. Dù không phải là một hội nghị đạt được thành công lớn nhưng cũng được xem là một bước đệm quan trọng để COP26 có được “sức bật” tốt hơn.
COP26 diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng nguồn cung năng lượng với giá khí đốt cao kỷ lục, thách thức các nỗ lực chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Giới chuyên gia chỉ ra rằng, cuộc khủng hoảng năng lượng cho thấy thế giới cấp thiết phải sớm chuyển sang năng lượng tái tạo, bởi đây sẽ là giải pháp hữu hiệu vừa giảm khí thải, vừa tăng cường an ninh nguồn cung năng lượng. Vì vậy, COP26 hứa hẹn sẽ là “chìa khóa vàng” mở ra cánh cửa thời đại công nghiệp mới với sự thịnh vượng và cơ hội về một tương lai tốt đẹp hơn, bền vững hơn được xây dựng trên nền tảng công nghệ mới.
Thanh Trúc