Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:38 GMT+7

COP26 mở “cánh cửa” tương lai mới của toàn cầu

Biên phòng - Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra trong 2 tuần tại thành phố Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh đã kết thúc vào cuối tuần trước. Được ví như “cơ hội vàng cuối cùng” của nhân loại để cứu trái đất trước những thách thức, COP26 đã đáp ứng được nhiều kỳ vọng.

Lễ bế mạc Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Anh vào ngày 13-11. Ảnh: Reuters

COP26 kết thúc với việc đạt được Hiệp ước khí hậu Glasgow được 197 quốc gia thông qua. Thỏa thuận này được Liên hợp quốc đánh giá là bước tiến quan trọng. Thỏa thuận nhận được sự hoan nghênh rất lớn của cộng đồng quốc tế vì giữ hy vọng của nhân loại trong việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C, như mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris.

COP26 kêu gọi giảm dần điện than không sử dụng công nghệ thu giữ carbon và trợ cấp nhiên liệu hóa thạch không hiệu quả; phải hỗ trợ hướng tới quá trình chuyển đổi nhiên liệu công bằng; phải huy động tài trợ khí hậu để hiện thực hoá mục tiêu của Hiệp định Paris, gồm tăng đáng kể mức hỗ trợ cho các nước đang phát triển, vượt mức 100 tỷ USD/năm; thúc đẩy phát triển nhanh mục tiêu 100 tỷ USD đã cam kết; thúc giục các nước phát triển đến năm 2025 tăng ít nhất gấp đôi tài trợ thích ứng với biến đổi khí hậu cho các nước đang phát triển so với năm 2019...

Bình luận về COP26, giới chuyên gia quốc tế chỉ ra rằng, COP26 diễn ra trong thời điểm “bản lề” khi thế giới lúc cần chuyển từ đàm phán sang hành động cụ thể gắn với mục tiêu định hình mức phát thải. Vì vậy, khác với các hội nghị trước đây, COP26 có ý nghĩa vô cùng quan trọng, thể hiện cụ thể mức độ đáng tin cậy của tiến trình quốc tế và Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC).

Thỏa mãn nhiều kỳ vọng, ngay từ những ngày đầu đến phút hội nghị cuối cùng, COP26 tạo nhiều bất ngờ với những kết quả tích cực thể hiện qua hàng loạt cam kết khá toàn diện. Nổi bật nhất là cam kết của 450 tổ chức tài chính, quản lý tổng tài sản trị giá 130 nghìn tỷ USD, tương đương 40% tài sản tư nhân toàn cầu, nhấn mạnh việc sử dụng vốn đầu tư hỗ trợ công nghệ sạch như năng lượng tái tạo và ngừng tài trợ cho các ngành công nghiệp sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

COP26 là lần đầu tiên chủ đề về nhiên liệu hóa thạch được quốc tế đặt lên hàng đầu, cho thấy ý chí chung có sự chuyển mình vượt bậc. Tuy nhiên, việc xóa bỏ sử dụng than đá gây tranh cãi gay gắt nhưng vẫn đi tới quyết định chung cuối cùng là giảm dần việc sử dụng than đá. Dù quan điểm xóa bỏ sử dụng than đá gặp phải phản ứng dữ dội của nhiều quốc gia. Song, tất cả các quốc gia đều thể hiện sự nhượng bộ cần thiết trong vấn đề này.

Theo Chủ tịch COP26 Alok Sharma, hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C là mục tiêu mong manh, đòi hỏi các nước phải giữ lời hứa và khẩn trương chuyển cam kết thành hành động. Hiệp ước đạt được tại COP26 tuy không hoàn hảo nhưng cho thấy ý chung của toàn cầu. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ, kết quả của COP26 là một bước tiến quan trọng nhưng vẫn chưa đủ mạnh. Hơn lúc nào hết, thế giới phải chuyển sang tình trạng khẩn cấp trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Nhiều nhà hoạt động về khí hậu cũng như một bộ phận giới chuyên gia quốc tế cho rằng, kết quả của COP26 chưa đủ mạnh để cứu thế giới. Song, ở góc độ khách quan, chống biến đổi khí hậu là một quá trình dài, không thể “ngày một, ngày hai”, nhất là khi áp dụng các biện pháp gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới lợi ích phát triển của nhiều quốc gia. Việc giảm phát triển vốn bị coi là điều viển vông trước đây và rất khó để các quốc gia chấp nhận. COP26 đã làm được điều này khi thế giới cùng chung ý chí, cùng cam kết tìm giải pháp chung, chấp nhận phần nào thiệt hại phát triển để đổi lấy tương lai bền vững.

Việc các bên thống nhất tiếp tục các nỗ lực đối thoại sau hội nghị là một tiến triển đáng ghi nhận. Hơn các hội nghị trước đây, COP26 khép lại đã thực sự là dấu mốc lớn khi khẳng định rõ nét tham vọng chung của thế giới trước những thách thức trong tương lai gần.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO