Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:49 GMT+7

Công trình nghiên cứu công phu về tuyến Biên phòng cách đây 217 năm

Biên phòng - Công trình nghiên cứu “Tổ chức phòng thủ và hoạt động bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn giai đoạn 1802 - 1885”, do Tiến sĩ Lê Tiến Công, Phó Giám đốc Nhà trưng bày Hoàng Sa ở TP Đà Nẵng dày công nghiên cứu, đã được Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông tặng Giải thưởng Công trình nghiên cứu về Biển Đông xuất sắc năm 2015. Trong công trình của mình, Tiến sĩ Lê Tiến Công đã phác họa đầy đủ công trình phòng thủ tuyến biển cách đây 217 năm.

wrkd_24
Công trình nghiên cứu của Tiến sĩ Lê Tiến Công dày hơn 300 trang và có nhiều nội dung rất gần gũi với công tác Biên phòng hiện nay. Ảnh: Lê Văn Chương 

Trong phần mở đầu, Tiến sĩ Lê Tiến Công giới thiệu, triều đình nhà Nguyễn lúc bấy giờ đã tập trung thực thi các biện pháp phòng thủ vùng biển và chú trọng vào 2 cửa biển Thuận An và Đà Nẵng. Theo sắp xếp của nhà Nguyễn, mức độ ưu tiên trong bố phòng được định sẵn như sau: Kinh sư (phủ Thừa Thiên), Tả Trực (Quảng Nam, Quảng Ngãi), Hữu Trực (Quảng Trị, Quảng Bình), Tả ký (Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận) và Hữu kỳ (Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa).

Tấn Thuận An đặt một chức quan Thủ ngự và một chức Tấn thủ, có 3 đội lính lệ đi tuần phòng ngoài biển và hộ tống thuyền quan ra vào. Năm Minh Mạng thứ 15 (1834), vua cho dựng vọng lâu ở tấn sở, cấp cho thiên lý kinh để quan sát hoạt động của tàu thuyền trên biển như một đài ra đa; năm thứ 17 (1836) cho đúc cửu đỉnh. Ngoài các thành, đồn, triều đình còn cho xây Thảo long, tức ngăn sông bằng bờ cỏ; Mộc sách, tức ngăn sông bằng đóng cọc và Thiết long, tức ngăn sông có sử dụng xích sắt, cho đặt 600 khẩu súng lớn lên, lính tinh nhuệ đồn trú dọc theo bờ lên đến mấy ngàn người. 

Công trình Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An, BĐBP Thừa Thiên Huế hiện nay được Tiến sĩ Lê Tiến Công nhắc đến, đó là vị trí của Thành Trấn Hải, được xây dựng vào năm 1813. Năm 1830, vua Minh Mạng tiếp tục cho tu bổ, xây lại cửa pháo đài và gia cố thêm trước mặt thành. Thống chế trần sách Tả dinh và Đỗ Quý được chỉ định trông coi công việc, nhân đó, vua Minh Mạng sai vận chuyển súng, đạn, thuốc pháo đưa vào thành và thân chinh đến kiểm tra. Trong trấn luôn có 300 lính, nhưng có lúc chỉ hơn 100 lính. Quân lệnh được áp dụng đối với lính thủ ở thành, đó là nếu ngoài khơi có báo động, không có lệnh truyền báo mà đi chạy ở ngoài thành thì sẽ bị đánh 100 trượng.

Sau hơn 200 năm, hiện nay, vị trí của các đồn, trạm Biên phòng ở Thừa Thiên Huế đều rất gần với các vị trí xây dựng đồn phòng thủ của triều đình nhà Nguyễn như pháo đài Hòa Duân nằm gần Trấn Hải Thành, làm nhiệm vụ hỗ trợ qua lại và được vua Thiệu Trị cho khởi công xây dựng vào năm 1847. Ngoài ra, còn có pháo đài Cồn Sơn, Hạp Châu. Đá xây dựng 2 pháo đài này là đá hộc được vận chuyển bằng thuyền buồm từ Quảng Ngãi ra. Súng đặt trên 2 pháo đài này để bắn chéo qua cửa biển. 

Các đồn Biên phòng thời nhà Nguyễn bố trí tại Đà Nẵng được xây dựng kiên cố, triều đình nhà Nguyễn đặt 1 viên quan Thủ ngự, 1 viên quan Hiệp thủ và 17 người Thủ binh. Tấn Cu Đê đặt ngay cửa sông Cu Đê để phòng thủ cụm bờ biển Đà Nẵng sang chân đèo Hải Vân, bao quát một góc Sơn Trà, án ngữ luôn tuyến đường huyết mạch từ Đà Nẵng dẫn ra kinh thành Huế. Khu vực tấn Cu Đê hiện nay là Đồn Biên phòng Hải Vân và các trạm kiểm soát. Bên cạnh đó là Thành Điện Hải và An Hải, đây là 2 pháo đài được vua Gia Long cho khởi công xây dựng từ năm 1813 và giao cho quan Nguyễn Văn Thành trông coi, bố trí 500 quân phòng giữ, 30 sở pháo. Thành An Hải bố trí 22 sở pháo. Cả 2 thành này đều h?c theo kiểu Vauban, do kỹ sư người Pháp Oliver Puymannel thiết kế. 

Nội dung của bản thảo luận án Tiến sĩ Sử học đã được Tiến sĩ Lê Tiến Công bảo vệ thành công xuất sắc và đã được Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tặng giải Nhất cho những luận án Tiến sĩ Sử học bảo vệ trong năm 2015 và Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông tặng Giải thưởng Công trình nghiên cứu về Biển Đông xuất sắc năm 2015.

Tại tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi đặt các tấn Đại Chiêm ở cửa Đại. Trên đảo Cù Lao Chàm có một số cư dân làm biển sinh sống, được triều đình miễn thuế và giao cho nhiệm vụ trông coi hỏa đài. Nếu phát hiện thấy có biến ở trên biển thì người dân đảo đốt lửa để báo hiệu với đất liền.

Tờ châu bản hiện còn lưu giữ trên đảo Cù Lao Chàm ghi lại: “...dân hòn Cù Lao Chàm phải tuần phòng đêm ngày, chú ý đến các thương thuyền ngoại quốc đến đó”. Câu chuyện này cho thấy, hơn 200 năm trước, triều đình nhà Nguyễn đã thực hiện công tác biên phòng toàn dân, vận động nhân dân tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo. 

Tỉnh Quảng Ngãi cách xa kinh thành nhưng vẫn được triều đình đặt hàng loạt các tấn: Thái Cần, Mỹ Ý, Sa Kỳ, Đại Cổ Lũy, Sa Huỳnh và Lý Sơn. Tỉnh Quảng Ngãi ngoài việc phòng thủ thì còn trực tiếp quản lý quần đảo Hoàng Sa. Tấn Lý Sơn được bổ nhiệm các viên quan Thòng thủ úy, Thừa biện. 

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO