Biên phòng - Sau hơn hai năm triển khai thực hiện, đề tài khoa học cấp Nhà nước: "Bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trong tình hình mới", do Trung tướng Võ Trọng Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh BĐBP làm Chủ nhiệm đề tài, đang khẩn trương hoàn thiện để nghiệm thu ở cơ sở và cấp Nhà nước trong năm nay. Trong điều kiện thế giới, khu vực đang có những diễn biến phức tạp, kết quả nghiên cứu ban đầu của đề tài đã tập trung giải quyết được nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách đặt ra trong bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trong tình hình mới.
|
Trung tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm đề tài khoa học cấp Nhà nước, phát biểu tại hội thảo. |
Nhấn mạnh về tính cấp thiết đề tài, Trung tướng Võ Trọng Việt cho biết: Bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia là một vấn đề hệ trọng, xuyên suốt trong mọi thời kỳ, nhất là trong tình hình hiện nay khi mà các thế lực phản động đang hằng ngày, hằng giờ âm mưu, thủ đoạn để xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia Việt Nam. Thực trạng tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền ở Biển Đông, nhất là 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ngày càng gia tăng căng thẳng trong thời gian gần đây và trong những năm tới, đòi hỏi chúng ta không thể xem nhẹ, lơi lỏng vấn đề bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia.
Hiện nay, nước ta đang tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện và hội nhập quốc tế, việc giữ vững chủ quyền lãnh thổ ổn định, hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển, sẽ tạo môi trường thuận lợi và là động lực cho quá trình phát triển đất nước. Vì vậy, việc nghiên cứu đề tài: "Bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trong tình hình mới" vừa có ý nghĩa cấp thiết trước mắt, vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài.
Theo Thiếu tướng Hoàng Xuân Chiến, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng BĐBP, Phó Chủ nhiệm đề tài, với phương pháp làm việc khoa học và sự nỗ lực của các nhà khoa học trong lực lượng, đề tài đã tiến hành điều tra, khảo sát tại 36 tỉnh, thành biên phòng; thực hiện 91 chuyên đề khoa học có liên quan đến nội dung nghiên cứu của đề tài. Ban Chủ nhiệm đề tài đã lấy ý kiến tham gia nhận xét, góp ý của 36 nhà khoa học uy tín hàng đầu trong và ngoài quân đội. Bộ Tư lệnh BĐBP đã tổ chức 4 cuộc tọa đàm, 4 hội thảo khoa học và công bố 14 bài báo khoa học để bổ sung hoàn thiện, nâng cao chất lượng của đề tài.
Tại cuộc hội thảo mới đây, các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá đề tài là một công trình khoa học nghiên cứu công phu, nghiêm túc, độc lập, sáng tạo. Trên nền tảng lý luận và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia, đề tài góp phần làm rõ thành tựu, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm bảo vệ chủ quyền quốc gia của Việt Nam từ trước đến nay, nhất là qua 30 năm đổi mới.
Đặc biệt, đề tài phân tích, dự báo những nhân tố tác động đến nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia của Việt Nam và xác định 4 tình huống chiến lược có thể xảy ra ở khu vực biên giới, hải đảo trong thời gian tới. Qua đó, đề xuất 5 nhóm giải pháp chiến lược bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trong tình hình mới.
Trung tướng, GS.TS Nguyễn Ngọc Thanh, nguyên Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng ghi nhận: "Trong bối cảnh chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia của Việt Nam thường xuyên bị đe dọa bởi âm mưu chiếm đoạt, xâm phạm của các thế lực bành trướng, bá quyền, công trình khoa học của BĐBP có ý nghĩa cấp bách cả về lý luận và thực tiễn trước mắt và lâu dài". Đồng tình với những đánh giá về thực trạng, ưu điểm và hạn chế trong bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia Việt Nam trong 30 năm qua, Trung tướng Nguyễn Ngọc Thanh chỉ ra: Nhận thức và trách nhiệm về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia của một số ngành, lực lượng và cấp ủy, chính quyền địa phương chưa đầy đủ, thống nhất.
Năng lực tham mưu, tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển của các cơ quan chức năng và địa phương còn một số hạn chế, bất cập. Do vậy, những luận giải khoa học mới và hệ thống giải pháp chiến lược được đề xuất trong đề tài có giá trị thực tiễn cao, góp phần cho công tác chỉ đạo nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị trong bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia".
Nhìn từ góc độ nâng cao năng lực, hiệu quả bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trong tình hình mới, Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học (Bộ Công an) đánh giá cao những phân tích và các nhóm giải pháp quan trọng để khắc phục những bất cập hiện nay như: Hệ thống pháp luật về quản lý biên giới, vùng biển chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, còn chồng chéo. Sự phân công trách nhiệm, chủ trì, phối hợp giữa các cấp, các ngành, các lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia chưa chặt chẽ, chồng chéo, chưa tạo ra được sức mạnh tổng hợp trong bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia...
Dẫn chứng những nguy cơ đang tác động đến chủ quyền quốc gia, Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng, các kiến nghị, đề xuất của BĐBP với Đảng, Nhà nước rất sát, phù hợp với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia của Việt Nam trong tình hình mới. Trong đó, nhóm giải pháp về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý, điều hành của Nhà nước, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc trong bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trong tình hình mới, đã làm rõ quan điểm:
Trước hết, phải đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước trong bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia. Qua đó, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn dân; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia.
Trên cơ sở các giải pháp về hoàn thiện cơ chế, hệ thống pháp luật trong đề tài, Thiếu tướng Lê Văn Cương kiến nghị xây dựng chiến lược tổng thể bảo vệ chủ quyền, biên giới, biển đảo quốc gia. Đồng tình với ý kiến này, Trung tướng, TS Nguyễn Đức Hải, Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng phát biểu: Đề tài đã làm rõ hai nội dung cơ bản về chủ quyền quốc gia là: Quyền tối cao của quốc gia trong phạm vi lãnh thổ và quyền độc lập trong quan hệ quốc tế. Do đó, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia rất rộng, bao trùm lên tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội.
Để tạo sự đồng thuận trong xã hội, Trung tướng Nguyễn Đức Hải ghi nhận những giải pháp thiết thực về công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trách nhiệm, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trong tình hình mới. Đồng thời, tuyên truyền vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, chống chiến lược "Diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ của địch. Cùng với đó, tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, củng cố cơ sở chính trị, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, vùng biển, đảo.
Góp ý vào vấn đề này, Thiếu tướng, TS Nguyễn Quang Đạm, Tư lệnh Cảnh sát Biển chỉ ra: Hiện nay, trang bị đảm bảo vật chất cho các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới, nhất là phương tiện trang bị cho hoạt động quản lý, bảo vệ vùng biển, đảo còn nhiều khó khăn, hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Đề tài đã đặt ra những yêu cầu, kiến nghị hợp lý trong công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Đó là, tăng cường sức mạnh tiềm lực quốc phòng; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia. Đồng thời, xây dựng lực lượng BĐBP cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, bảo đảm là lực lượng nòng cốt, chuyên trách thực hiện nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia trong tình hình mới.
Theo Hội đồng lý luận Trung ương: Kết quả có ý nghĩa thiết thực trước mắt và lâu dài của công trình khoa học "Bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trong tình hình mới", sẽ giúp cho công tác hoạch định chính sách, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành và địa phương trong thời gian tới. Sau khi chỉnh sửa, bổ sung theo góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, đề tài cần sớm được đưa ra nghiệm thu cấp Nhà nước trong năm 2015. |
Thay mặt Hội đồng lý luận Trung ương, PGS.TS Bùi Xuân Bôn biểu dương những nỗ lực, cố gắng của Ban Chủ nhiệm đề tài để sớm hoàn thiện công trình khoa học cấp Nhà nước có giá trị về lý luận và thực tiễn. Đồng chí cho rằng, đề tài đã phân tích, luận giải, làm rõ cơ sở lý luận và lịch sử bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia Việt Nam. Kết quả đề tài góp phần cung cấp luận cứ khoa học để đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia và cơ sở lý luận cho công tác nghiên cứu, giảng dạy chuyên ngành.
Về mặt thực tiễn, trên cơ sở phân tích, luận giải đánh giá đúng thực trạng và dự báo những nhân tố tác động đến nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia của Việt Nam trong tình hình mới, đề tài đã đề xuất được quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu, yêu cầu, nội dung và giải pháp, phương thức chiến lược bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trong tình hình mới.