Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 28/03/2023 05:57 GMT+7

Cộng tác viên từ mặt trận

Biên phòng - 40 năm trước, tin từ địa bàn Đồn Biên phòng Sì Lờ Lầu, tỉnh Lai Châu gửi về báo Biên phòng và được viết bởi một cộng tác viên có bút danh Lao Doan. Cộng tác viên đó không phải là người đồng bào dân tộc Dao, mà là Chuẩn úy Nguyễn Quang Phổ, người sau này được phong vượt cấp và được bổ nhiệm làm Đồn trưởng Đồn 1, Công an nhân dân vũ trang tỉnh Lai Châu.

wrl5_23a
Ông Nguyễn Quang Phổ và vợ. Ảnh: Lê Văn Chương

Năm 1979, thỉnh thoảng những cánh thư được viết tay gửi về tòa soạn Báo Công an vũ trang, nội dung tổng hợp tin tức trên địa bàn tuyến biên giới của Đồn Sì Lờ Lầu. Bên cạnh đó là những câu chuyện viết theo dạng phản ánh, nhưng câu chữ vẫn chứa đựng nhiều cảm xúc.

Bài phản ánh này thường viết về người dân biên giới đã che chở cho những người lính Biên phòng trong những ngày nổ ra chiến tranh biên giới phía Bắc. Bút danh ký dưới những bài viết là Lao Doan. Đó là một cái tên của đồng bào. Nhưng người cầm bút lại là một chiến sĩ Biên phòng người dân tộc Kinh.

Tôi gặp lại cộng tác viên Lao Doan tại thôn Hữu Cước, xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội vào một ngày đầu tháng 2-2019, thời điểm báo chí cả nước đang đăng tải các bài viết kỷ niệm 40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc. Người cộng tác viên mang bút danh Lao Doan là Đại úy, cựu chiến binh Nguyễn Quang Phổ. Ông Phổ cũng đang tràn ngập niềm cảm xúc khi nhớ lại những thời khắc cầm súng bảo vệ biên giới, rồi thắp đèn dầu ngồi viết tin tức, viết bài, bỏ vào phong bì, ngày nào có người đi bộ xuống thị trấn Phong Thổ, tỉnh Lai Châu thì nhờ mang gửi theo đường bưu điện. 

Tin tức từ Đồn 1 Sì Lờ Lầu gửi đến tòa soạn Báo Công an vũ trang thường hơi muộn. Bởi đi bộ từ đồn xuống thị trấn đã mất 2 ngày. Nếu đi vào mùa mưa lũ thì phải mất 4-5 ngày. Chưa kể lý do không phải ngày nào cũng có người đi xuống thị trấn. Nhưng vì đường sá cách trở và các nhà báo ít vào tiếp cận được, khiến cho tin tức được gửi đi từ Đồn Sì Lờ Lầu trở thành những bản tin rất có giá trị. Cứ như thế, tin tức từ cộng tác viên Lao Doan đều đặn gửi về Báo Công an vũ trang đã góp phần làm phong phú cho tin tức trên mặt báo.

Câu chuyện “Sống giữa lòng dân” được ông Phổ viết rất cảm xúc, vì ông chính là người trong cuộc, người thật, việc thật. Đó là khi chiến tranh biên giới nổ ra vào mờ sáng ngày 17-2-1979, ông Phổ cùng đơn vị trụ lại chiến đấu, sau đó đi bộ suốt một ngày đêm, rút xuống vùng an toàn. Vừa đến nơi, ông lại nhận được lệnh của cấp trên, đi ngược trở lại, thọc thẳng vào vùng chiến trận để nắm, bám dân, bắt giữ những đối tượng phản bội nằm vùng nổi dậy; phối hợp với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương để lãnh đạo nhân dân. 

Con đường luồn rừng trở lại bản được ông Phổ thực hiện thành công. Ông Phổ gặp được toàn bộ cán bộ địa phương và tổ chức ngay một cuộc họp. Để bảo toàn lực lượng, toàn bộ cán bộ nằm trong lòng địch chuyển ra khỏi bản và ở ngoài rừng, trong các chòi canh trên nương rẫy của đồng bào. Đồng bào địa phương biết chiến tranh đã tới, nhưng cán bộ không rời đi, đồng bào luôn che giấu, tiếp tế lương thực, cho gạo nấu ăn, thỉnh thoảng mang lên vài con gà để anh em bồi bổ sức khỏe. 

Ông Phổ vốn là trinh sát Biên phòng nói tiếng Quan hỏa (tiếng Hán Quan thoại Tây Nam) rất trôi chảy, vì vậy, việc tiếp xúc, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào, thuyết phục bà con tố giác kẻ xấu đang lôi kéo, lung lạc người dân được ông Phổ nắm bắt đầy đủ. “Pố te xe kha” (không được tin nó), ông Phổ luôn nói tiếng Quan hỏa để nhắc nhở đồng bào. Còn người dân gặp ông Phổ thì luôn chào hỏi ngắn gọn bằng câu “pà cô!”, có nghĩa là chào một người lớn của thôn, bản. 

Sau ngày 17-2-1979, phóng viên Vũ Mạnh Tường (sau này là Tổng biên tập Báo Biên phòng) đã lên Đồn 1 Sì Lờ Lầu tác nghiệp. Ông Tường hỏi ông Phổ giải nghĩa từ “Sì Lờ Lầu”, ông Phổ cho biết, có nghĩa là dốc 12 tầng. Đi từ chân núi lên đến vị trí Đồn Công an nhân dân vũ trang số 1 thì phải qua 12 tầng dốc, nên từ “Sì Lờ Lầu” chẳng qua là đi qua 12 bậc.

Sau chuyến công tác trở về, phóng viên Vũ Mạnh Tường đã viết bài ký sự “Trên đỉnh dốc 12 tầng” dài 8 kỳ trên Báo Quân đội nhân dân, nội dung biểu dương tinh thần chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ Đồn Công an nhân dân vũ trang Sì Lờ Lầu anh hùng.

Cũng trong lần gặp gỡ và phỏng vấn đó, phóng viên Vũ Mạnh Tường và ông Nguyễn Quang Phổ đã tâm sự thâu đêm bên bếp lửa hồng. Ông Tường đã truyền thêm cho ông Phổ những kinh nghiệm viết báo và ông Phổ trở thành cộng tác viên đắc lực thường xuyên chuyển tin bài cho Báo Công an vũ trang trong những ngày tháng chiến tranh biên giới phía Bắc nóng bỏng.

Người nhận nhuận bút chậm nhất ở Báo Biên phòng cũng là ông Phổ, gần 1 năm, thậm chí gần 2 năm mới về thăm gia đình, ông tạt qua báo nhận nhuận bút và mang về khoe với người vợ vò võ chờ chồng ở thôn Hữu Cước, xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng. Ông Phổ về hưu năm 1992, sau 27 năm trong quân ngũ. Cho đến bây giờ, ông Phổ vẫn kể rành mạch những nhân vật trong các bài viết người tốt, việc tốt mà ông gửi cho Báo Biên phòng cách đây 40 năm.

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO