Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:19 GMT+7

Công tác Đảng, công tác chính trị trong phòng, chống dịch Covid-19

Biên phòng - Kể từ khi phát hiện ca bệnh Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam vào ngày 23-1-2020, đến nay, nước ta đã trải qua 4 đợt bùng phát dịch Covid-19, gây ảnh hưởng nặng nề đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân. Trong bối cảnh đó, Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị các cấp đã và đang từng ngày, từng giờ “chống dịch như chống giặc” với hàng loạt quyết sách được ban hành để đẩy lùi sự lây lan của dịch bệnh. Trong “cuộc chiến” đó, Quân đội nói chung, BĐBP nói riêng luôn giữ vững trận địa tư tưởng, chủ động, linh hoạt, nhạy bén, sáng tạo, xứng đáng là lực lượng xung kích nơi tuyến đầu chống dịch.

Bài 3: Chủ động, linh hoạt, nhạy bén, sáng tạo

Ngay từ những ngày đầu khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát tại Trung Quốc, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị trong toàn lực lượng chủ động nắm chắc tình hình và dự báo các tình huống từ sớm, từ xa; đồng thời, quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ không chủ quan, lơ là, nhưng cũng không hoang mang trước tình hình dịch bệnh. Cũng từ thời điểm đó, những người lính Biên phòng bước vào một “cuộc chiến” giữa thời bình - chống “giặc” Covid-19 ngay từ “cửa ngõ” biên giới.

Cán bộ Đồn Biên phòng Huổi Luông tuyên truyền, vận động nhân dân địa phương đăng ký thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và xuất, nhập cảnh trái phép” ở khu vực biên giới. Ảnh: Tuân Phạm

Củng cố vững chắc “lũy thép” biên cương

Đại dịch Covid-19 như một “cơn bão toàn cầu”, “càn quét” tới 222 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong bối cảnh này, nhiệm vụ phòng, chống đại dịch Covid-19 của bất kỳ quốc gia nào đều phải kết hợp chặt chẽ giữa việc kiểm soát dịch bệnh từ bên trong và phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm từ bên ngoài. Việt Nam cũng không phải ngoại lệ và đó là lý do từ đầu năm 2020 đến nay, cán bộ, chiến sĩ BĐBP căng mình trên biên giới để thực hiện nhiệm vụ.

Từ những tổ, chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19 đầu tiên được triển khai trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, tính đến ngày 29-7-2021, đã có 1.972 tổ, chốt được duy trì trên biên giới với sự tham gia của 7.996 cán bộ, chiến sĩ BĐBP và 5.535 người thuộc các lực lượng khác.

Tuy nhiên, với hơn 5.000km đường biên giới trên đất liền tiếp giáp với 3 nước Trung Quốc, Lào, Campuchia, việc khép chặt “phòng tuyến” biên giới quả là điều không hề dễ dàng. Trước thực tế này, lực lượng BĐBP đã rất linh hoạt, nhạy bén, sáng tạo khi bố trí 1.577 tổ, chốt cố định và 395 tổ tuần tra lưu động để kiểm soát chặt chẽ các đường mòn, lối mở qua biên giới.

Nhờ sự chủ động, quyết liệt đó mà năm 2020, BĐBP đã phát hiện, bắt 5.216 vụ với 38.746 người xuất, nhập cảnh trái phép; 6 tháng đầu năm 2021, BĐBP phát hiện, bắt 3.211 vụ với 14.558 người xuất, nhập cảnh trái phép... Chính sự ra đời và hoạt động có hiệu quả của các tổ, chốt trên biên giới đã giúp BĐBP thực hiện mục tiêu “kép”: Vừa ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh từ bên ngoài vào nước ta, vừa kiềm chế hoạt động của các loại tội phạm qua biên giới.

Trong điều kiện địa hình biên giới hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, diễn biến bất thường, điều kiện sinh hoạt, công tác vô cùng khó khăn, gian khổ, các cán bộ, chiến sĩ tại các tổ, chốt vẫn luôn vững tâm, kiên cường trong mọi hoàn cảnh. Đặc biệt, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã gác lại niềm riêng, trong đó, có những người không thể về chịu tang khi có người thân qua đời, nhiều người phải hoãn cưới hoặc vợ sinh con, người thân ốm đau... mà không thể về chăm sóc. Có lẽ, không ít người cảm thấy chạnh lòng thay cho những người lính, nhưng lên trên hết, ai cũng hiểu và trân trọng sự hy sinh cao cả của họ đối với đất nước.

Nói như Thiếu tá Phạm Tuân, Chính trị viên Đồn Biên phòng Huổi Luông, BĐBP Lai Châu: “Để có thể tập hợp được sức mạnh đoàn kết, trên dưới một lòng, đội ngũ cán bộ chủ trì, người chỉ huy đơn vị luôn phải đề cao trách nhiệm nêu gương, làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Đồng thời, thường xuyên quan tâm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kịp thời động viên, khen thưởng, chia sẻ khó khăn với cán bộ, chiến sĩ trong cuộc sống cũng như trong quá trình thực hiện nhiệm vụ...”.

Lời đúc kết ngắn gọn của Thiếu tá Phạm Tuân đã cho thấy vai trò quan trọng của công tác Đảng, công tác chính trị trong Quân đội nói chung, BĐBP nói riêng, nhất là trước những tình huống đòi hỏi sự thử thách về ý chí, nghị lực và bản lĩnh của những người lính “Bộ đội Cụ Hồ".

Xây dựng thế trận toàn dân ngăn ngừa dịch bệnh

Với những người lính Biên phòng, phương châm “đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” dường như đã ăn sâu vào nếp nghĩ, cách làm và trở thành phương châm hành động của biết bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ trong suốt hơn 62 năm qua. Hơn ai hết, những người lính mang quân hàm xanh luôn hiểu phải gần dân, “dựa vào dân”, “lấy dân làm gốc” để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Trong “cuộc chiến” với đại dịch Covid-19 cũng vậy, cấp ủy, chỉ huy các đồn Biên phòng luôn giữ mối liên hệ chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương để huy động sức mạnh toàn dân tham gia “chống dịch như chống giặc” với nhiều cách làm sáng tạo, trong đó, đáng chú ý là phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và xuất, nhập cảnh trái phép” ở khu vực biên giới. Đây là chủ trương mang tính cấp thiết của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP được triển khai thực hiện trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở các nước láng giềng; tình trạng tổ chức, đưa dẫn và tiếp tay cho hành vi xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới ngày càng gia tăng, gây sức ép rất lớn đối với công tác kiểm soát biên giới và phòng ngừa dịch bệnh từ bên ngoài.

Ghi nhận những thành tích xuất sắc của BĐBP trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, ngày 1-7-2021, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã ký Quyết định số 1048/QĐ-TTg tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 5 tập thể và 5 cá nhân thuộc BĐBP. Trước đó, ngày 9-6-2021, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cũng đã ký Quyết định số 1715/QĐ-BQP tặng Bằng khen cho 1 tập thể và 32 cá nhân thuộc BĐBP vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Bắt đầu triển khai từ tháng 5-2021, đến cuối tháng 7-2021, đã có 1.003 xã với 7.570 thôn, bản biên giới tổ chức phát động phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và xuất, nhập cảnh trái phép” ở khu vực biên giới.

Trong quá trình thực hiện, các đơn vị BĐBP đã kết hợp tuyên truyền trên loa phát thanh của địa phương và đồn Biên phòng với thời lượng 8.827 giờ, tuyên truyền lưu động với 7.374 giờ; phát 282.340 tờ rơi; trao tặng 536.936 chiếc khẩu trang y tế cho người dân; lắp đặt 1.245 hòm thư tố giác hành vi xuất, nhập cảnh trái phép...

Với sự phối hợp chặt chẽ của cấp ủy, chỉ huy các đơn vị BĐBP và cấp ủy, chính quyền địa phương, đến ngày 29-7-2021, đã có 834.962 gia đình và 5.216 chủ tàu thuyền ký cam kết tham gia thực hiện phong trào.

Tại tỉnh Đồng Tháp, địa phương có biên giới tiếp giáp với Campuchia, ngay sau khi có chủ trương của Đảng ủy và Bộ Tư lệnh BĐBP, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các đồn Biên phòng chủ động tham mưu, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tại 8 xã, 35 ấp biên giới phát động phong trào sâu rộng trong nhân dân. Trong 2 tháng qua, người dân đã cung cấp 25 tin tố giác giúp các đơn vị BĐBP Đồng Tháp ngăn chặn 9 vụ/13 đối tượng trong tổng số 39 vụ/74 đối tượng xuất, nhập cảnh trái phép.

Theo Trung tá Nguyễn Vũ Hợp, Chủ nhiệm Chính trị BĐBP Đồng Tháp, thành công của việc thực hiện phong trào trước hết là nhờ chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Tháp, sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh với các ngành, đoàn thể ở địa phương. Ở cơ sở, vai trò của cấp ủy, tổ chức Đảng và đảng viên đồn Biên phòng cũng được thể hiện rõ nét, nhất là đội ngũ cán bộ chủ trì, các đảng viên tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn, ấp và đảng viên phụ trách hộ gia đình ở khu vực biên giới.

Ông Hoàng A Dọ, Chủ tịch UBND xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu cho biết, đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương luôn trân trọng và biết ơn những việc làm của cán bộ, chiến sĩ BĐBP. Người dân đều hiểu, chỉ có thể sát cánh với BĐBP nơi tuyến đầu thì bà con mới có cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc. Chính vì vậy, khi triển khai các phong trào nói chung, phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và xuất, nhập cảnh trái phép” ở khu vực biên giới nói riêng, bà con đều hăng hái tham gia.

“Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong” - Chủ tịch UBND xã Huổi Luông nhắc lại lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh như một lời khẳng định về thế trận toàn dân rộng khắp trong “cuộc chiến” chống “giặc” Covid-19 vẫn chưa có hồi kết thúc...

Bài 4: Tiếp lửa nơi tuyến đầu

Nhóm Phóng viên

Bình luận

ZALO