Biên phòng - Hiện nay, công tác dân số và phát triển đang đứng trước những khó khăn về mục tiêu và phương châm hành động. Chúng tôi đi dọc các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Phú Thọ để chứng thực những khó khăn của đội ngũ những người làm công tác dân số tại cơ sở. Tuy nhiên, nhiều năm qua, những thành tựu của công tác dân số đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước, cũng là động lực cho họ vượt qua mọi khó khăn, để thực hiện tốt Nghị quyết số 21/NQ-TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới.
Trong bối cảnh các Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) đã, đang và sẽ sáp nhập vào trung tâm y tế của các huyện, thành, thị xã theo chỉ đạo của Bộ Y tế về đổi mới sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, tinh giản biên chế, thu gọn đầu mối để thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, thì công tác dân số vẫn được duy trì nghiêm túc tại thời điểm này. Các trung tâm DS-KHHGĐ, các viên chức dân số phụ trách xã, phường và cộng tác viên dân số thôn bản hiện nay vẫn tạo thành một hệ thống thống nhất, duy trì hoạt động, mặc dù có những biến động về tổ chức, kinh phí hoạt động hạn hẹp.
Tỉnh Lai Châu đang xây dựng đề án sáp nhập các trung tâm DS-KHHGĐ vào trung tâm y tế, trong bối cảnh mức sinh trong tỉnh giảm, tổng tỷ suất sinh cũng giảm, tỉ lệ tăng dân số vẫn là 2,13% và chưa đạt mức sinh thay thế. Năm 2017, Lai Châu có 1.838 trẻ sinh ra là con thứ 3 và có 238 cặp tảo hôn. Với địa hình rừng núi hiểm trở, nhiều xã biên giới xa xôi, giao thông cách trở, đi lại khó khăn, đa số dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số với nhiều dân tộc trên dưới 1 ngàn người như La Hủ, Shi La, Mảng, Cống... chính sách dân số lại có những đặc thù riêng, Lai Châu đang là một trong những tỉnh tốp trên về tăng dân số và chất lượng dân số thấp.
Trong khi các địa phương khác bắt đầu tiếp cận các chính sách y tế tiên tiến để nâng cao mức sống và chăm sóc y tế tốt nhất cho người dân thì Lai Châu vẫn phải đối mặt với những vấn đề không mới. Một số mô hình can thiệp mà Lai Châu đang thực hiện là giảm tỷ lệ tảo hôn và kết hôn cận huyết thống, can thiệp giảm tỷ lệ mắc bệnh tan máu bẩm sinh, tầm soát chẩn đoán trước sinh, kiểm soát mất cân bằng giới tính và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Ông Hoàng Hải Hưng, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Lai Châu cho biết, đối với một tỉnh miền núi khó khăn như Lai Châu, mục tiêu giảm mức sinh vẫn là quan trọng, bên cạnh đó là tình trạng sinh tại nhà cần được xóa bỏ. Một số mô hình can thiệp được đưa vào trong hương ước của thôn bản, dòng họ, để vận động người dân không sinh con thứ 3, không lựa chọn giới tính thai nhi, không kết hôn cận huyết, tảo hôn... Đối với Lai Châu, công tác dân số vẫn là một vấn đề nan giải đòi hỏi sự cần mẫn, kiên nhẫn tối đa của người làm công tác dân số.
Lào Cai là tỉnh triển khai sớm nhất sáp nhập trung tâm DS-KHHGĐ vào trung tâm y tế tuyến huyện và đi vào hoạt động mô hình mới từ tháng 1 năm 2017. Tương tự như Lai Châu, Lào Cai vẫn có mức sinh tăng, tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao, công tác dân số tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số mức sinh cao vẫn còn nhiều do tập tục lạc hậu còn đè nặng lên vai bà con.
Đội ngũ cán bộ, viên chức dân số và cộng tác viên dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số đồng đẳng với địa bàn dân cư mình phụ trách là vốn quý của ngành dân số. Tuy nhiên, hoạt động chỉ dựa trên sự nhiệt tình, tâm huyết của mình trong khi kinh phí bị cắt giảm và chậm nên không thể đảm bảo đội ngũ này có thể bỏ việc, biến nhiều nơi thành địa bàn trắng công tác dân số, khi chưa tìm được người thay thế.
Chúng tôi gặp và trò chuyện với anh Vương Xuân Phương, sinh năm 1989, viên chức dân số có thâm niên làm việc 8 năm tại địa bàn xã Tả Phìn, Sa Pa, Lào Cai. Anh nói: “Có lúc tôi phải bỏ tiền túi ra chiêu đãi bà con ăn phở khi thấy họ đi bộ 7km từ nhà ra trạm y tế để đặt vòng tránh thai. Bà con đi đặt vòng nhiều thì tiền lương của tôi cứ đều đặn bỏ ra 20 ngàn cho mỗi người. Đó là chút ít động viên mà thôi, nhưng nếu không động viên, vận động thì không gia đình nào quan tâm đâu”.
Ngoài việc phải đi khắp các thôn bản thực hiện nhiều mô hình truyền thông dân số, Phương phải nghĩ ra vài “mẹo” để người dân chịu tới nghe các buổi truyền thông nâng cao, chịu tới khám bệnh định kỳ, đi đẻ ở trạm y tế. Với đồng lương eo hẹp nhưng anh tự nguyện chia sẻ với bà con. Có khi thấy cặp vợ chồng người Dao ở một bản xa về sinh con tại trạm y tế, chẳng có gì mang theo, anh cùng các y tá trong trạm mua sữa, mua tã cho em bé sơ sinh, làm mọi dịch vụ y tế, có những dịch vụ không được miễn phí thì anh bỏ tiền túi ra nộp cho bà con. Hầu hết các địa phương vùng sâu, vùng xa, những người làm công tác dân số đều chia sẻ, đồng cam cộng khổ với người dân, coi công tác dân số là xương sống, là bộ mặt của các cụm dân cư, có ổn định dân số mới có thể phát triển kinh tế, xã hội.
Phú Thọ đối mặt với những khó khăn mới phát sinh trong nhóm các địa phương đang có mức sống cao ở thành thị. Điển hình nhất là hiện tượng các đảng viên sinh con thứ 3. Đây có thể là thời kỳ tái bùng nổ mức sinh vì đa số các công chức, viên chức, đảng viên trong các cơ quan Nhà nước có tâm lý rơi rớt từ phong tục tập quán của ông bà ta xưa thích đông con, nhiều cháu đã trải qua một thời kỳ dài bị hạn chế sinh đẻ. Cho đến thời điểm này, một bộ phận dân chúng cho rằng chính sách dân số được nới lỏng mức sinh nên tỉ lệ sinh con thứ 3 tăng đột biến. Trong khi đó, Phú Thọ có những khu phố, các cụm dân cư, xã, phường do truyền thông tốt có tới vài chục năm không có người sinh con thứ 3. Những người làm công tác dân số muốn giữ sự ổn định này. Đó là công sức của họ, cùng nỗ lực của cả ngành dân số nhiều cấp.
Đối với ngành dân số, khó khăn này chưa qua, khó khăn khác đã ập tới. Cùng với sự phát triển của xã hội, những vấn đề phát sinh mới đòi hỏi năng lực trình độ cao của cán bộ truyền thông. Vấn đề mang thai ngoài ý muốn (nhất là độ tuổi vị thành niên) ở nông thôn, miền núi hiện nay đang báo động. Vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản, tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật sơ sinh và trước sinh được coi là một trong những vấn đề được quan tâm nhất trên thế giới hiện nay.
Tuy đồng bào các dân tộc thiểu số như Mông, Dao... đã tiếp thu và biết quan tâm đến các biện pháp tránh thai, chăm sóc sức khỏe sinh sản nhưng hiệu quả truyền thông còn nhiều hạn chế ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Chưa kể, mỗi dân tộc lại có một sự kiêng kị liên quan đến chuyện sinh đẻ, tâm lý cần đẻ con trai không thể bị triệt tiêu, vì thế việc lựa chọn giới tính thai nhi vẫn còn diễn ra.
Như vậy, công tác dân số còn phải đồng hành với những khó khăn cũ và mới trong chiến lược phát triển toàn diện của miền núi.
Thụy Văn