Biên phòng - 60 năm qua kể từ ngày thành lập, cán bộ, chiến sĩ ngành Bảo vệ an ninh (BVAN) BĐBP luôn tràn đầy niềm tự hào khi góp phần cùng toàn lực lượng bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Trong suốt những năm tháng cả lực lượng dồn sức đấu tranh chống âm mưu phá hoại của các thế lực phản động, thù địch chống phá cách mạng nước ta, bảo vệ các cơ quan đầu não, bảo vệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, an ninh chính trị nội bộ luôn giữ vững; kịp thời phát hiện, xử lý làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ địch và phần tử xấu móc nối để chống phá từ bên trong.
Để có được thành quả đó, với nguyên tắc “tích cực, chủ động phòng ngừa, không để xảy ra sơ hở cho kẻ địch lợi dụng, phá hoại”, mặc dù điều kiện công tác, chiến đấu gian khổ, ác liệt, các đơn vị hoạt động phân tán, công tác lãnh đạo, chỉ huy, quản lý nội bộ khó khăn, song, ngành của lực lượng thời kỳ đó chú trọng đẩy mạnh công tác giáo dục cảnh giác, bảo mật phòng gian, xây dựng cơ quan đơn vị an toàn thành một phong trào rộng khắp toàn lực lượng.
Khẩn trương tiến hành công tác BVAN chính trị nội bộ về mặt tổ chức, đấu tranh với những âm mưu, thủ đoạn hoạt động phá hoại của địch đối với nội bộ và điều tra làm rõ những vụ án, vụ việc xảy ra trong nội bộ.
Dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Chỉ huy CANDVT Trung ương, ngành BVAN đã vào cuộc quyết liệt, tiến hành rà soát nội bộ các đơn vị làm nhiệm vụ trọng yếu, số cán bộ, chiến sĩ được điều chuyển từ các đơn vị khác về và số tân binh mới nhập ngũ. Qua đó, giúp Đảng ủy, Bộ Tư lệnh phát hiện, ngăn chặn kịp thời các biểu hiện xấu, người có lai lịch chính trị phức tạp, giúp đơn vị bảo vệ tuyệt đối an toàn những mục tiêu đảm nhiệm.
Đặc biệt là bảo vệ an toàn tuyệt đối lãnh tụ Hồ Chí Minh, các cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước, các cơ sở kinh tế, văn hóa quan trọng, sứ quán nước ngoài, căn cứ địa Trung ương Cục miền Nam và cấp ủy địa phương trong những năm cả nước có chiến tranh.
Đất nước thống nhất, chấp hành chỉ thị của Đảng và Chính phủ, Công an nhân dân vũ trang được triển khai làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới, bờ biển, hải đảo, bảo vệ các đồng chí lãnh đạo, các cơ quan đầu não ở Trung ương, địa phương trên cả nước, đây là vinh dự của lực lượng, song nhiệm vụ của ngành BVAN chính trị nội bộ nặng nề hơn bởi quân số tăng gấp 3 lần.
Để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cơ quan BVAN lúc bấy giờ đã tham mưu cho Bộ Tư lệnh đề ra một số tiêu chuẩn cụ thể tuyển lựa người vào lực lượng đảm bảo chặt chẽ đúng quy trình cũng như tiêu chuẩn chính trị khi tuyển quân tại chỗ và bổ sung hàng ngàn cán bộ ở các quân binh chủng chuyển sang. Cùng với đó, công tác rà soát, thẩm tra lý lịch cán bộ, đảng viên, chiến sĩ vẫn được ngành BVAN các đơn vị tiến hành thường xuyên, nhất là đối với số cán bộ ở vùng địch chiếm đóng, vùng giáp ranh giữa ta và địch cũng như số cán bộ trước đây bị địch bắt trong chiến tranh (theo tinh thần Chỉ thị 236/CT-TW của Ban Bí thư và Quyết định số 01/QĐ của Bộ Chính trị) chưa có điều kiện thẩm tra.
Qua thẩm tra, với sự giúp đỡ của Cơ quan BVAN Quân đội, ngành BVAN phát hiện ra đối tượng đã đầu hàng địch và được CIA huấn luyện cài cắm vào nội bộ ta để thực hiện kế hoạch “hậu chiến” của chúng. Với phát hiện này, Cục An ninh, Bộ Công an phối hợp với Cục BVAN Quân đội bắt tiếp 7 tên trong “Kế hoạch Hải Yến” và 10 tên trong “Kế hoạch P86” của địch.
Cùng với việc rà soát, thẩm tra lý lịch chính trị của cán bộ theo chỉ đạo của trên, ngành BVAN cũng thường xuyên chú trọng đi sâu nghiên cứu phát hiện những nội dung, hình thức, thủ đoạn chiến tranh tâm lý mới của địch trên từng địa bàn, lĩnh vực để đề xuất với cấp ủy, chỉ huy các cấp biện pháp giáo dục nâng cao cảnh giác cách mạng và trách nhiệm chính trị cho cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên, bảo vệ vững chắc sự nhất trí về đường lối, chủ trương của Đảng, bảo vệ chặt chẽ tổ chức Đảng, tổ chức của lực lượng, bảo vệ sự trong sáng về tư tưởng và phẩm chất cách mạng của mọi cá nhân trong đơn vị.
Đồng thời, soạn thảo, bổ sung một số tài liệu hướng dẫn công tác BVAN đối với từng loại hình đơn vị cho phù hợp với tình hình thực tế trong chiến tranh biên giới phía Bắc và Tây Nam như: Công tác BVAN ở tỉnh và đồn Biên phòng; công tác BVAN đối với Đội công tác Biên phòng; công tác BVAN đối với trinh sát Biên phòng và lực lượng trinh sát hoạt động trên các tuyến biên giới; công tác BVAN đối với sĩ quan, hạ sĩ quan làm công tác kiểm soát Biên phòng...
Có thể nói, trong thời kỳ này, ngành BVAN đã bám sát nhiệm vụ chính trị của lực lượng và từng đơn vị, của các tuyến Biên phòng nên phát huy được hiệu quả lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, vai trò trách nhiệm tổ chức điều hành của người chỉ huy đối với công tác BVAN. Qua đó, góp phần quan trọng đánh bại chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch, xây dựng lực lượng BĐBP ngày càng trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức.
Đặc biệt, trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới, ngày 27-10-1987, Đảng ủy BĐBP đã ra Nghị quyết số 152/NQ-ĐU về kiện toàn tổ chức cơ quan bảo vệ và cơ chế hoạt động của công tác BVAN trong BĐBP. Quán triệt Nghị quyết số 120/NQ của Đảng ủy Quân sự Trung ương và Nghị quyết 152/NQ của Đảng ủy BĐBP, ngành BVAN đã hình thành được hệ thống cơ quan bảo vệ chuyên trách và bán chuyên trách từ cơ quan Bộ Tư lệnh xuống đến các tổ, đội công tác ở cơ sở.
Đây là dấu mốc quan trọng tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cấp ủy, chỉ huy các đơn vị và mọi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ đối với công tác BVAN chính trị nội bộ nhằm làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá nội bộ của các thế lực thù định đối với cách mạng nước ta nói chung và lực lượng vũ trang nói riêng.
Bước vào giai đoạn hội nhập, Phòng BVAN tham mưu cho Đảng ủy Bộ Tư lệnh, trực tiếp là Đảng ủy, Cục Chính trị, lãnh đạo chỉ đạo công tác BVAN chính trị nội bộ ở các đơn vị cơ sở các địa bàn xung yếu, chiến lược để đề ra các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với chiến lược “diễn biến hòa bình” và “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, bảo vệ nội bộ trong sạch vững mạnh; điều tra, đấu tranh phòng, chống vi phạm kỷ luật, pháp luật trong lực lượng; bảo đảm an ninh, an toàn cho các đối tượng, mục tiêu... theo đúng nguyên tắc, quy chế, quy định.
Từ năm 2016 cho đến nay, Phòng BVAN đã tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP và Cục Chính trị ban hành 79 văn bản hướng dẫn công tác BVAN chính trị nội bộ trong BĐBP. Đồng thời trực tiếp thẩm định đảm bảo tiêu chuẩn chính trị cho các đối tượng trong tuyển quân, tuyển sinh, kết nạp Đảng, tuyển người vào cơ quan trọng yếu cơ mật, đi học tập công tác nước ngoài....
Công tác BVAN trong đối ngoại quốc phòng được đẩy mạnh, đảm bảo an toàn cho hàng ngàn lượt khách quốc tế đến thăm và làm việc với BĐBP, hàng trăm tàu quân sự nước ngoài cập cảng biển Việt Nam.
Bên cạnh đó, phòng BVAN cũng thường xuyên làm tốt công tác tham mưu cho các cấp thực hiện nghiêm túc chế độ bảo mật phòng gian, quản lý chặt chẽ công văn tài liệu, con dấu theo quy định của Bộ Quốc phòng và các đợt diễn tập tác chiến chiến lược được bảo vệ bí mật, an toàn; đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng đến thăm và làm việc với Bộ Tư lệnh và các đơn vị cơ sở; đảm bảo an ninh, an toàn cho các sự kiện đối ngoại quan trọng của quân đội và BĐBP như chương trình “Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam- Trung Quốc”, giao lưu “Biên cương thắm tình hữu nghị”, “Giao lưu hữu nghị biên giới Việt Nam-Lào, Việt Nam-Campuchia”...
Nhìn lại chặng đường 60 năm qua, có thể khẳng định, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP, công tác BVAN chính trị nội bộ của BĐBP đã giành được nhiều thắng lợi quan trọng.
Đứng trước yêu cầu của nhiệm vụ bảo vệ an ninh quân đội, an ninh quốc gia, công tác BVAN trong BĐBP chủ động đổi mới cơ chế, chính sách, phương thức, tác phong công tác, lề lối làm việc khoa học, hiệu quả, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh, toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng công tác bảo vệ an ninh trong tình hình mới, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP khẳng định: Những năm qua, công tác bảo vệ an ninh trong BĐBP đã quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Thường xuyên làm tốt công tác giáo dục cán bộ, chiến sĩ nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức phòng gian, bảo vệ bí mật, bảo vệ tổ chức và bản thân. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn và làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, các loại đối tượng. Đảm bảo cho cán bộ, chiến sĩ vững vàng, tin cậy về chính trị; cơ quan, đơn vị vững mạnh về tổ chức, an toàn tuyệt đối trong mọi hoạt động; góp phần cùng toàn lực lượng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
Đại tá Trần Văn Thoa,Trưởng phòng Bảo vệ an ninh, Cục Chính trị BĐBP