Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 25/09/2023 11:38 GMT+7

Chuyện vụ án:

Công phá đường dây buôn "thần chết"

Biên phòng - Năm 1997, BĐBP Quảng Ngãi đã phá thành công Chuyên án mang bí số 203S, ghi đậm dấu ấn của lực lượng trinh sát BĐBP. Chỉ sau 2 tháng triển khai, lực lượng phá án đã bắt giữ 20 đối tượng, thu 144kg thuốc nổ, 79 kíp, 4 lựu đạn, 2 đầu đạn, 4 quả cối 60 ly cùng nhiều tang vật khác có liên quan. Chuyên án kết thúc đã góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa bàn, hạn chế được tệ nạn dùng thuốc nổ đánh bắt hải sản, góp phần giữ bình yên trên vùng biển Quảng Ngãi.

g59k_17
Minh họa: Minh Khuê

Năm 1997, theo tài liệu, chứng cứ thu thập được, trinh sát BĐBP Quảng Ngãi xác định ở địa bàn xã Phổ Thạch, huyện Đức Phổ có một số đối tượng gồm Phạm Mười, Nguyễn Văn, Xuân Thủy, Xuân Phương và Trần Sĩ tàng trữ súng quân dụng AK, CKC, AR15. Cùng đó, các đối tượng Vũ Sự, SN 1941; Trần Xê, SN 1972; Ngọc Thạch, SN 1968; Lê Hòa, SN 1952; Võ Tùng, SN 1956, sinh sống ở các thôn Thạch Bi, Tân Diên và Hưng Long cùng hàng chục đối tượng khác đang có hoạt động liên quan đến việc mua bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng thuốc nổ.

Trước thực trạng trên, Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Ngãi đã chỉ đạo Phòng Trinh sát BĐBP tỉnh tổng hợp tình hình, củng cố chứng cứ về những đối tượng liên quan, báo cáo Cục Trinh sát BĐBP xin xác lập chuyên án đấu tranh để làm rõ hoạt động mua bán, tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ trái phép xảy ra trên địa bàn của Đồn BP 304 (nay là Đồn BP Sa Huỳnh) quản lý. Ngày 5-4-1997, Cục Trinh sát đã chỉ đạo BĐBP Quảng Ngãi lập chuyên án đấu tranh và yêu cầu phải xác định nguồn gốc số vũ khí, chất nổ mà các đối tượng đang sử dụng; làm rõ phương thức, thủ đoạn của các đối tượng và nhanh chóng thu hồi số vũ khí, vật liệu, chất nổ để ổn định tình hình an ninh, trật tự tại địa bàn. Chuyên án 203S được xác lập vào ngày 7-4-1997.

Ngay sau khi Chuyên án được thành lập, các trinh sát liền tỏa xuống địa bàn bám sát di biến động của các đối tượng. Vào thời gian này, tại bến cảng Sa Huỳnh, hàng trăm lượt tàu cá của ngư dân địa phương và nơi khác đến neo đậu, qua lại làm ăn. Sau một tuần triển khai, lực lượng trinh sát đã điều tra, xác minh nắm tình hình ở 3 tuyến: khơi, lộng, bờ. Ngày 14-4-1997, các trinh sát phụ trách tuyến bờ nhận được tin báo, đối tượng Huỳnh Tấn Anh, SN 1967, ở thôn Vĩnh Tuy, xã Phổ Thạch, trong khi ngồi ăn nhậu ở một nhà hàng với Nguyễn Ngọc Sơn, công nhân tại một xí nghiệp khai thác đá, đã bàn nhau thời gian tới sẽ đưa một lượng lớn thuốc nổ đi tiêu thụ. Nguồn tin trên lập tức được báo về Ban Chuyên án.

Sau khi xác minh độ chính xác của nguồn tin, lãnh đạo Ban Chuyên án đã triệu tập ngay một cuộc họp gồm các trinh sát phụ trách ba tuyến: Bờ-lộng-khơi để triển khai kế hoạch nghiệp vụ. Trong cuộc họp, Trưởng ban chuyên án khẳng định: Nhiều chứng cứ mà trinh sát thu được đến nay có thể xác định các đối tượng ở địa bàn thường móc nối với đối tượng trong xí nghiệp khai thác đá, tuồn một số lượng lớn thuốc nổ ra ngoài tiêu thụ, vì thế phải có kế hoạch để vây bắt. Đúng như dự kiến của Ban Chuyên án, tối 17-4-1997, tại nhà hàng Hải Yến ở cảng Sa Huỳnh, trinh sát phát hiện Huỳnh Tấn Anh sau khi ăn nhậu xong, đã lấy xe máy phóng rất nhanh về hướng quán cà phê Thu Sương cách đó hơn 1km.

Tại đây, Huỳnh Tấn Anh và Nguyễn Ngọc Sơn gặp nhau. Bên ly rượu Tây, tên Sơn ngập ngừng: Việc này rất nguy hiểm, kho thuốc nổ này được canh phòng nghiêm ngặt lắm, đụng vào đi tù như chơi, trước mắt phải lo tiền đã. Đối tượng Anh gạt phắt: "Tiền thiếu gì, miễn là ông lấy được hàng". Vừa nói Tấn Anh vừa rút túi móc ra một cọc loại tiền 50.000 đồng dúi vào tay Sơn, rồi cả hai tiếp tục cụng ly.

Ban Chuyên án tiếp tục chỉ đạo trinh sát bám sát đối tượng Anh và các đối tượng mới liên quan đến đường dây, đồng thời phải nắm chắc địa điểm, thời gian các đối tượng giao nhận hàng để tổ chức lực lượng mật phục, bắt quả tang. Ngày 20-4-1997, trinh sát thông báo: Đêm 22-4, lúc thủy triều lên, Tấn Anh và Nguyên Hồng ở xã Bình Châu, sẽ dùng 2 xuồng loại nhỏ đi từ bãi sú Lạch Ngang đưa thuốc nổ ra tàu của đối tượng Lâm Công Hội, đang neo đậu ở khu vực cửa Sa Huỳnh.

Như vậy, sau hai ngày, lực lượng đánh án đã xác định được địa điểm, thời gian giao nhận hàng và phát hiện thêm được một số đối tượng mới, có liên quan trực tiếp tới đường dây mua bán, vận chuyển thuốc nổ. Ngày 25-4, Ban Chuyên án tổ chức họp triển khai lực lượng phá án. Do các đối tượng trong đường dây có liên quan tới địa bàn Đồn BP Bình Đông và Đồn BP Đức Minh, nên Ban Chuyên án quyết định bổ sung thêm lực lượng trinh sát của hai đơn vị này tham gia đánh án.

Nhiệm vụ được giao cụ thể, chi tiết cho 3 tổ đánh án gồm: Tổ trên bờ do Phó Đồn trưởng về Trinh sát Đồn BP Sa Huỳnh phụ trách, có nhiệm vụ chốt chặn 3 điểm là chợ Thạch Bi, ngã ba liên xã và bến cá Phổ Thạch. Nếu nhận được ký ám hiệu đối tượng vận chuyển thuốc nổ qua các hướng đó, thì tiến hành kiểm tra đột xuất bắt giữ ngay đối tượng đưa về Đồn BP Sa Huỳnh để khai thác nhanh phục vụ cho việc phá án.

Tổ dưới biển, gồm 8 đồng chí, do Trưởng phòng Trinh sát phụ trách có nhiệm vụ ngụy trang, trà trộn với tàu của ngư dân mật phục quanh khu vực con tàu đang neo đậu ngoài cửa Sa Huỳnh chờ hàng. Khi nhận được ám tín hiệu đối tượng đưa thuốc nổ ra tàu, thì nhanh chóng triển khai thành 3 mũi: Dùng xuồng máy áp sát mục tiêu, tiến hành kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ kịp thời; hỗ trợ vòng ngoài, đón bắt tốp sau, chú ý bọn tội phạm tổ chức thăm dò; đón lõng ở khu vực biển giáp ranh giữa 3 đồn BP, đề phòng các đối tượng không đi theo đường mà trinh sát báo về.

Tiếp đó, lúc 23 giờ, ngày 26-4, nước thủy triều lên mạnh, tổ mật phục trên bờ phát hiện 4 đối tượng dùng xe máy phân khối lớn đi từ khu vực chợ Thạch Bi đến ngã ba liên xã. Toàn tổ nhanh chóng hội ý và nhận định, có thể bọn chúng tổ chức lực lượng để thăm dò tình hình tuần tra, kiểm soát của lực lượng Biên phòng. Đến 24 giờ, từ bãi sú Lạch Ngang, xuất hiện 2 chiếc xuồng con chạy về hướng Sa Huỳnh, chỗ con tàu đang neo đậu "chờ hàng".

Khi 2 chiếc xuồng vừa ra khỏi bãi sú được chừng 50m, tổ trên biển nhận được ám tín hiệu hai chiếc xuồng đó chính là xuồng mà đối tượng dùng vào việc vận chuyển thuốc nổ. Các mũi trên biển được lệnh nhanh chóng triển khai lực lượng theo kế hoạch của Ban Chuyên án. Lúc này, con tàu đang neo đậu chờ hàng cách bờ khoảng 20m, hai chiếc xuồng con đột nhiên tách ra hai hướng chạy ngược chiều nhau, khoảng 10 phút rồi tắt máy, rồi một chiếc cập mạn tàu và vài bóng đen xuất hiện bốc dỡ hàng. Lực lượng trinh sát bất ngờ ập đến, các đối tượng không kịp phản ứng phải tra tay vào còng số 8 của các chiến sĩ Biên phòng.

Tại cơ quan Biên phòng, với tang vật là 144kg thuốc nổ, Huỳnh Tấn Anh và Nguyên Hồng đã phải cúi đầu khai nhận: Từ năm 1996 đến khi bị bắt, y đã ba lần móc nối với tên Nguyễn Ngọc Sơn, công nhân xí nghiệp khai thác đá, lấy thuốc nổ đem đi bán cho các chủ tàu thuyền đánh cá. Chủ tàu hàng Lâm Công Hội cũng khai nhận, đây là lần đầu tiên y mua lượng thuốc nổ lớn để đánh bắt hải sản trên biển và có ý định bán cho các chủ tàu cá khác để kiếm lời.

Qua đấu tranh khai thác, tên Huỳnh Tấn Anh còn khai thêm một số đối tượng khác cùng tham gia vào đường dây vận chuyển, mua bán thuốc nổ và tàng trữ vũ khí trái phép. Theo lời khai của đối tượng, lực lượng đánh án đã khẩn trương tổ chức kế hoạch truy băt các đối tượng còn lại.

Hoàng Mai

Bình luận

ZALO