Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:58 GMT+7

Công nhận “Hộ chiếu vaccine”

Biên phòng - Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận “Hộ chiếu vaccine”. Sự kiện này được dư luận đánh giá đặc biệt cần thiết trong bối cảnh nhiều quốc gia áp dụng “Hộ chiếu vaccine” để mở cửa, đưa hoạt động kinh tế-xã hội trở lại trạng thái bình thường mới.

Hiện, Bộ Ngoại giao chủ trì phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan đang khẩn trương làm việc với các cơ quan chức năng của các quốc gia ASEAN, EU, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia khác trên thế giới để công nhận lẫn nhau về “Hộ chiếu vaccine”. Đồng thời, xây dựng tiêu chí, cơ chế công nhận và cho phép sử dụng trực tiếp ở Việt Nam đối với giấy chứng nhận tiêm chủng, hộ chiếu vaccine của nước ngoài, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nhập cảnh, cách ly phù hợp với thực tế trong nước, các quy định của pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế.

Theo các chuyên gia, “Hộ chiếu vaccine” (giấy chứng nhận cho một người đã tiêm đủ số mũi vaccine theo khuyến cáo của nhà sản xuất hoặc cơ quan quản lý nhà nước) là giải pháp sống chung với đại dịch. 2 năm qua, dịch Covid-19 kéo dài gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế toàn cầu và đến hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Nhiều nước trên thế giới đã xác định việc sống chung với đại dịch và một biện pháp đang được triển khai rộng rãi là sử dụng “Hộ chiếu vaccine” để nhanh chóng phục hồi các hoạt động du lịch và giao thương quốc tế.

Thực tế, nhiều quốc gia châu Âu đã thành công sau khi mở cửa cho khách quốc tế có “Hộ chiếu vaccine” kèm kết quả xét nghiệm âm tính. Các nước như Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc cũng đã tiến hành thử nghiệm mô hình này.

Từ đầu năm đến nay, do chưa mở cửa du lịch quốc tế nên lượng khách quốc tế đến nước ta mới có gần 90 nghìn lượt người, giảm 98% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chủ yếu là chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án ở Việt Nam.

Nhiều chuyên gia du lịch cho rằng, nếu Việt Nam sớm đề ra các giải pháp kỹ thuật và sẵn sàng ban hành cơ chế, chính sách hợp lý sẽ tạo ra thế mạnh cho du lịch Việt Nam khi thu hút và đáp ứng nhu cầu của rất nhiều người trên thế giới đã có được “Hộ chiếu vaccine”.

Bên cạnh đó, chính sách “Hộ chiếu vaccine” cũng góp phần kịp thời khôi phục các hoạt động vận chuyển hàng không, mặt đất và dịch vụ bổ trợ khác..., góp phần hoàn thành các mục tiêu “kép” vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Dù nhiều nước trên thế giới đã triển khai “Hộ chiếu vaccine” nhưng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho đến nay vẫn chưa ủng hộ ý tưởng cấp “Hộ chiếu vaccine” để thúc đẩy hoạt động đi lại. Bởi vẫn còn nhiều ẩn số liên quan đến hiệu quả của tiêm chủng trong việc ngăn ngừa Covid-19, trong khi nguồn cung cấp vaccine vẫn còn hạn chế.

Các chuyên gia y tế cũng cho rằng, “Hộ chiếu vaccine” chỉ có hiệu quả khi trong nước đạt được miễn dịch cộng đồng, nghĩa là 70% dân số trở lên được tiêm chủng. Hiện, tỉ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19 của Việt Nam vẫn chưa đạt miễn dịch cộng đồng nên nếu triển khai ồ ạt “Hộ chiếu vaccine” với người từ nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam mà không quản lý chặt thì có thể làm lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng, nguy cơ không kiểm soát được.

Nhiều chuyên gia đề xuất, Việt Nam có thể áp dụng mô hình “du lịch ít tiếp xúc”. Nghĩa là những người có “Hộ chiếu vaccine” có thể nhập cảnh, được xét nghiệm Covid-19, cách ly tập trung trong số ngày hợp lý, đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh. Trước mắt, ưu tiên du lịch nội địa bằng cách miễn hoặc giảm các biện pháp cách ly, xét nghiệm... cho người đã có “Hộ chiếu vaccine”, nhất là người từ các vùng “an toàn”.

Các đơn vị lữ hành, du lịch cũng cho rằng để đưa hoạt động du lịch trở lại cần phải có lộ trình, giải pháp và những bước đi thận trọng. Mấu chốt nhất là phải đảm bảo an toàn cho du khách và phải xây dựng được các điểm đến an toàn.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO