Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:02 GMT+7

Công khai, minh bạch để kiểm soát quyền lực

Biên phòng - Mới đây, Bộ Chính trị đã tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022. Các ý kiến tại hội nghị đều thống nhất cao với nhận định công tác này đã được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, toàn diện và bài bản, đi vào chiều sâu, có bước đột phá với quyết tâm chính trị cao, đạt nhiều kết quả rất quan trọng. Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: TTXVN

Nhiều kinh nghiệm quý báu

Đánh giá về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho biết, kết quả đạt được trong thời gian qua đã khẳng định được những mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trực thuộc Bộ Chính trị do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban Chỉ đạo là hoàn toàn đúng đắn, kịp thời, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

“Sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm và làm đi đôi với nói của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, trước hết là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là chỗ dựa vững chắc, là sự đảm bảo về mặt chính trị, tạo nên động lực to lớn, do đó, là nhân tố hàng đầu quyết định sự thành công trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực” - đồng chí Phan Đình Trạc khẳng định.

Hội nghị ghi nhận nhiều tham luận, trong đó, cơ bản nhất trí với quan điểm nhờ làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại, đặc biệt là góp phần lấy lại và củng cố niềm tin của nhân dân.

Kết quả này cũng bác bỏ luận điệu sai trái cho rằng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là “đấu đá nội bộ”, “phe cánh”. Chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lại được thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, bài bản và hiệu quả như thời gian gần đây.

Các ý kiến tại hội nghị cũng cho rằng, để đẩy lùi nạn tham nhũng, tiêu cực, các cơ quan trong toàn hệ thống chính trị phải xây dựng cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể tham nhũng; cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để không dám tham nhũng; cơ chế bảo đảm để không cần tham nhũng. Tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực thời đại, chế độ, quốc gia nào cũng có, không thể xóa ngay tận gốc trong thời gian ngắn.

Vì vậy, phòng, chống tham nhũng không thể nóng vội, thỏa mãn; không né tránh, cầm chừng, phải kiên trì, không ngừng nghỉ. Phải tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những khoảng trống, kẽ hở để không thể tham nhũng, tiêu cực.

Xu thế không thể đảo ngược

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, hội nghị không chỉ tổng kết 10 năm phòng, chống tham nhũng, mà quan trọng là rút ra bài học gì và cải tiến thêm gì trong thời gian sắp tới để tiếp tục đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng “không ngừng, không nghỉ”, làm trong sạch bộ máy Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, làm trong sạch đội ngũ. “Đây là yếu tố quyết định tất cả mọi công việc khác” - Tổng Bí thư nói.

Nhìn lại công tác phòng, chống tham nhũng trong 10 năm qua, Tổng Bí thư khẳng định, đấu tranh phòng, chống tham nhũng “đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược”. Tham nhũng từng bước đã được kiềm chế, ngăn chặn, các nội dung, phạm vi hoạt động phòng, chống tham nhũng từng bước được mở rộng.

Trong thời gian tới, Tổng Bí thư yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng; ngăn chặn có hiệu quả tệ “tham nhũng vặt”; từng bước mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước.

Việc thu hồi tài sản tham nhũng cũng phải được chú trọng, áp dụng các biện pháp đồng bộ để thu hồi triệt để ngay từ giai đoạn thanh tra đến khi thi hành án; khuyến khích người phạm tội tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.

“Phải xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thật sự có bản lĩnh, thật sự liêm chính, trong sạch; không chịu bất cứ sức ép không trong sáng nào của tổ chức, cá nhân; bất cứ sự cám dỗ, mua chuộc nào của những kẻ phạm tội” - Tổng Bí thư nói, đồng thời, yêu cầu có chính sách đãi ngộ hợp lý, tạo động lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nỗ lực phấn đấu, toàn tâm, toàn ý với công việc.

“Mọi cán bộ, đảng viên phải ghi nhớ sâu sắc lời căn dặn của Bác Hồ rằng: Đảng ta là đảng cầm quyền; Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Đảng phải luôn luôn dựa vào dân, lắng nghe dân, gắn bó máu thịt với nhân dân; việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm và làm cho bằng được; ngược lại, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh. Việc gì nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì phải cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm các sai phạm” - Tổng Bí thư gợi mở.

Trong 10 năm qua, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó, có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng hoặc liên quan đến tham nhũng. Trung ương, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó, có 33 Ủy viên Trung ương Đảng và nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

Qua công tác thanh tra, kiểm toán, đã kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể sai phạm; kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 975.000 tỷ đồng, gần 76.000 ha đất... Công tác thu hồi tài sản tham nhũng có chuyển biến tích cực; cơ quan thi hành án dân sự các cấp đã thu hồi 61.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 34,7%. Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, đã thu hồi được gần 50.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 41,3%.

Cẩm Linh

Bình luận

ZALO