Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:35 GMT+7

Cộng đồng quốc tế bày tỏ sự ủng hộ đối với Palestine

Biên phòng - Một ngày sau cuộc đụng độ giữa Quân đội Israel với người biểu tình Palestine tại Dải Gaza làm ít nhất 60 người chết và gần 3.000 người khác bị thương, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã triệu tập một cuộc họp ngắn về tình hình Trung Đông, trong đó có vấn đề Palestine, khẳng định, Israel phải chịu trách nhiệm cho việc sử dụng vũ lực.

ty7w_11a
Một bé gái Palestine thiệt mạng trong xung đột ở dải Gaza, ngày 14-5. Ảnh: tdg.ch

Ngày 15-5, tại cuộc họp của HĐBA LHQ, theo yêu cầu của Kuwait, Điều phối viên đặc biệt của LHQ về tiến trình hòa bình Trung Đông Nickolay Mladenov khẳng định, Israel phải chịu trách nhiệm cho việc sử dụng vũ lực chống dân thường Palestine. Ông Nickolay Mladenov hối thúc HĐBA tăng cường các nỗ lực nhằm hỗ trợ giải pháp hòa bình đối với cuộc xung đột Israel - Palestine, kêu gọi tất cả các bên kiềm chế hành động đơn phương, mà nên hướng tới giải pháp hai Nhà nước.

Trong khi đó, Đại sứ Anh tại LHQ Karen Pierce nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở cuộc điều tra độc lập và minh bạch về việc Israel sử dụng đạn thật trong các tình huống như vậy, cũng như các vụ tấn công nhằm vào lực lượng Quân Israel. Đại sứ Anh đề nghị ông Nickolay Mladenov đẩy nhanh các đề xuất giúp giảm căng thẳng tại khu vực này, trong đó có sự hỗ trợ của quốc tế về cơ sở hạ tầng và các dịch vụ thiết yếu khác.

Trong khi đó, "lập trường của Thụy Điển và Liên minh châu Âu (EU) nói chung về quy chế của Jerusalem là rõ ràng và sẽ không thay đổi. Toàn bộ ba tôn giáo Do Thái, Hồi giáo và Thiên chúa giáo đều có những mối ràng buộc chặt chẽ với Jerusalem và điều này cần phải được duy trì", Đại sứ Thụy Điển tại LHQ Olof Skoog khẳng định. Đại sứ Thụy Điển cũng hối thúc Israel "tôn trọng quyền được biểu tình hòa bình, bảo vệ thường dân và hạn chế tối đa việc sử dụng vũ lực".

Đụng độ tại khu vực biên giới giữa Israel với Gaza xảy ra trong cuộc biểu tình của người Palestine ngày 14-5 phản đối Mỹ chuyển Đại sứ quán từ Tel Aviv đến Jerusalem và khai trương trụ sở mới cùng ngày. Ít nhất 61 người Palestine đã thiệt mạng, phần lớn do trúng đạn của binh sĩ Israel, và gần 3.000 người bị thương.

Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia phản đối mạnh mẽ nhất các hành động bạo lực của Israel. Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu, Đại sứ Israel Eitan Naveh tạm thời về nước do hành động bạo lực của binh lính Israel nhằm vào người biểu tình Palestine tại biên giới với Dải Gaza. Đáp lại, Bộ Ngoại giao Israel đã đề nghị Lãnh sự Thổ Nhĩ Kỳ tại Jerusalem rời khỏi Israel vô thời hạn. Sau đó, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cũng yêu cầu Tổng lãnh sự Israel tại thành phố Istanbul tạm thời về nước.

Trong cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Khalifa Al-Thani và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim ngày 15-5, hai nhà lãnh đạo cũng đã nhất trí kêu gọi triệu tập khẩn cấp một hội nghị thượng đỉnh Hồi giáo để thảo luận việc Mỹ chuyển Đại sứ quán từ Tel Aviv đến Jerusalem cũng như hậu quả của hành động trấn áp bạo lực của Israel. Hai Thủ tướng khẳng định, động thái trên của Mỹ sẽ hủy hoại các cơ hội đạt được bất cứ giải pháp hòa bình nào trong tương lai, đồng thời nhấn mạnh hai bên cần phối hợp để bảo vệ người Palestine khỏi các cuộc tấn công của Israel.

Không chỉ Thổ Nhĩ Kỳ, Bỉ ngày 16-5 cũng triệu tập Đại sứ Israel Simona Frankel tới vì diễn biến bạo lực tại Dải Gaza. Chính phủ Ireland cũng triệu tập Đại sứ Israel tại nước này Zeev Boker, đồng thời kêu gọi LHQ tiến hành một cuộc điều tra độc lập.

Bày tỏ "rất lo ngại từ Tel Aviv đến vòng xoáy bạo lực" tại Trung Đông sau khi Mỹ chuyển Đại sứ quán về Jerusalem và khai trương trụ sở mới, Giáo hoàng Francis nhấn mạnh "thương vong sẽ chỉ làm bạo lực gia tăng hơn", và khẳng định "sử dụng bạo lực không bao giờ dẫn tới hòa bình". Ông kêu gọi người Israel, người Palestine và cộng đồng quốc tế "nỗ lực gấp đôi" để nối lại đối thoại nhằm đem công lý vào hòa bình đến cho khu vực này.

Thu Uyên

Bình luận

ZALO