Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 09/09/2024 03:43 GMT+7

Công bố kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2019

Biên phòng - Ngày 19-5, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến công bố Chỉ số CCHC năm 2019 (PAR index 2019) của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2019 (SIPAS 2019). Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng ban Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ chủ trì Hội nghị. Tham dự buổi họp trực tuyến có các thành viên Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ đại diện lãnh đạo các bộ, ngành ở Trung ương tại các điểm cầu trực tuyến có đại diện lãnh đạo UBND và Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương….

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: VGP

Đây là năm thứ 8 liên tiếp Bộ Nội vụ thực hiện công bố chỉ số CCHC của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và là năm thứ 3 liên tiếp công bố chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên toàn quốc. Việc điều tra, công bố chỉ số CCHC nhằm đánh giá khách quan chất lượng phục vụ, cung ứng dịch vụ công của các cơ quan hành chính nhà nước thông qua ý kiến phản hồi của người dân, tổ chức. Qua đó, các cơ quan hành chính nhà nước nắm bắt được cảm nhận, yêu cầu, mong muốn của người dân, tổ chức để có những biện pháp cải thiện chất lượng phục vụ, cung ứng dịch vụ nhằm nâng cao sự hài lòng và lợi ích của người dân, tổ chức.

Bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính năm 2019 (PAR index 2019) các bộ. Ảnh: Bảo An

Theo kết quả xếp hạng, năm 2019, không có Bộ nào có kết quả chỉ số CCHC dưới 80%. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đạt chỉ số CCHC năm 2019 cao nhất với kết quả là 95,40%, Bộ Giao thông vận tải có kết quả thấp nhất với giá trị 80,53%. 16/17 đơn vị có chỉ số CCHC tăng hơn so với năm 2018, trong đó, Bộ Giao thông vận tải có giá trị điểm số tăng 5,4% so với năm 2018, là đơn vị có điểm số tăng cao nhất so với các Bộ, cơ quan ngang Bộ. Bộ Công Thương có giá trị chỉ số CCHC thấp hơn so với năm 2018 là 0,02%. Giá trị trung bình chỉ số CCHC của 17 bộ, cơ quan ngang bộ năm 2019 là 85,63%, tăng 2,95% so với năm 2018 (giá trị trung bình năm 2018 là 82,68%).

Đối với 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, Quảng Ninh tiếp tục giữ vững ngôi vị dẫn đầu bảng xếp hạng với kết quả Chỉ số CCHC đạt 90,09%, cao hơn 5,45% so với đơn vị đứng ở vị trí thứ hai là thành phố Hà Nội, đạt 84,64%. Đồng Tháp tiếp tục duy trì vị trí thứ 3, đạt 84,43%, tăng 0,72%. Vị trí thứ 4 và thứ 5 lần lượt thuộc về thành phố Hải Phòng (84,35%) và tỉnh Long An (84,33%). Đây cũng là những đơn vị có nhiều đổi mới, sáng tạo trong thực hiện CCHC những năm gần đây.

Bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính năm 2019 (PAR index 2019) của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Ảnh: Bảo An

Về Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước năm 2019 (Chỉ số SIPAS 2019), 3 tỉnh đứng đầu là Quảng Ninh, Hải Phòng, Cà Mau; 3 tỉnh có chỉ số hài lòng thấp nhất là Bình Thuận, Đắk Lắk, Cao Bằng.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Trương Hòa Bình ghi nhận và biểu dương Bộ Nội vụ, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương đã thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức. Tuy nhiên, vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém cần khắc phục ngay. Đó là một số bộ, ngành, địa phương chưa coi công tác CCHC là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, lãnh đạo chưa thể hiện vai trò trách nhiệm đúng mực trong thúc đẩy cải cách. Tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết vẫn tồn tại nhiều năm chưa giải quyết dứt điểm; một số nơi chưa thực hiện nghiêm quy định của Chính phủ về tổ chức bộ máy…

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị, căn cứ kết quả 2 chỉ số này năm 2019, người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp từ Trung ương đến địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế, tiếp tục phát huy những mặt đạt được trong công tác CCHC, đổi mới tư duy nhận thức và coi công tác này là khâu có ý nghĩa quan trọng nhằm thúc đẩy chuyển biến trong hoạt động quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, các địa phương, đơn vị cần tiếp tục khơi thông nguồn lực, tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi; đẩy mạnh việc rà soát, sắp xếp tinh gọn bộ máy và kiện toàn chức năng, nhiệm vụ các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện tốt việc thí điểm hợp nhất các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện; phấn đấu hoàn thành mục tiêu tinh giản biên chế 10% giai đoạn 2015-2021 theo Nghị quyết 39-NQ/TW.

Bảo An

Bình luận

ZALO