Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 02/06/2023 02:49 GMT+7

“Con thuyền” kinh tế Việt Nam vươn ra “biển lớn”

Biên phòng - Trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới diễn biến phức tạp, các nền kinh tế lớn tăng trưởng không đồng đều, dưới sự “chèo lái” của Chính phủ và các bộ, ngành, “con thuyền” kinh tế Việt Nam đã vượt qua nhiều “giông bão”, bứt phá và vững vàng về đích. Năm 2019, lần đầu tiên kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt trên 516 tỷ USD, tăng 7,6% so với năm 2018.

ua4n_5a
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam có sự tăng trưởng không ngừng trong những năm vừa qua. Đồ họa: Bình Minh

Theo số liệu từ Bộ Công thương, năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu bình quân khoảng 43 tỷ USD/tháng, quy mô xuất nhập khẩu tăng trưởng ở mức cao, vượt mốc 500 tỷ USD. Việt Nam là nền kinh tế có quy mô xuất khẩu đứng thứ 22 thế giới với 264 tỷ USD. Năm 2019, Việt Nam có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 92,86% tổng kim ngạch xuất khẩu. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu cả năm đạt khoảng 253,5 tỷ USD, tăng 7%. Như vậy, năm 2019, thặng dư thương mại của Việt Nam đạt khoảng 9,94 tỷ USD, đây là mức cao nhất từ trước đến nay.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự phối kết hợp chặt chẽ, tích cực giữa các bộ, ngành và địa phương, thời gian qua, Việt Nam đã liên tiếp đạt được các mốc kỷ lục xuất nhập khẩu hàng hóa. Nếu như năm 2001, tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam chỉ đạt hơn 30 tỷ USD thì đến năm 2007, sau khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đạt 100 tỷ USD. Đến năm 2011, tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 200 tỷ USD, con số này vào năm 2015 là 300 tỷ USD; vào giữa tháng 12-2017 là 400 tỷ USD và đến cuối tháng 12-2019, vượt mốc 500 tỷ USD.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, kết quả đó phản ánh sự nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, trong đó có Bộ Công thương trong việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh tạo động lực cho doanh nghiệp yên tâm phát triển sản xuất và xuất khẩu cũng như thu hút mở rộng đầu tư cho phát triển xuất khẩu. Thành tựu thương mại của Việt Nam thực sự là một kỳ tích của thế giới trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu giảm thấp do tác động của xung đột thương mại, cạnh tranh chiến lược giữa các nền kinh tế lớn, đặc biệt là căng thẳng thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc; xu hướng bảo hộ mậu dịch và việc các nước đang ngày càng gia tăng các biện pháp hạn chế thương mại.

Ở khía cạnh khác, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết: “Kết quả nổi bật về xuất khẩu có đóng góp quan trọng của công tác đàm phán mở cửa thị trường. Cụ thể, với 16 hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, trong đó, 12 hiệp định đang có hiệu lực, gần đây nhất là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đã mở ra nhiều thị trường mới, hỗ trợ tích cực cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Chính vì vậy, dù thị trường thế giới liên tục biến động và đầy khó khăn, song thương mại của Việt Nam năm 2019 đã bứt phá để có được những con số ấn tượng trong xuất khẩu và duy trì xuất siêu ở mức cao”.

Tại hội nghị tổng kết ngành công thương 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Những con số này 10 năm trước đây chúng ta không hình dung được. Bởi trước đây, chúng ta nhập siêu liên tục”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, thành tích xuất khẩu trên 500 tỷ USD, thặng dư cao là một trong những điểm sáng của năm 2019. Đồng thời cho biết, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam hiện đã lớn hơn toàn bộ các quốc gia châu Phi cộng lại. Trong nội khối ASEAN, Việt Nam có vị trí thứ 3 về xuất nhập khẩu, sau Singapore và Thái Lan. Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, kết quả trên có nhiều ý nghĩa trong bối cảnh thương mại toàn cầu năm nay ở mức thấp nhất trong 10 năm (chỉ tăng 1,2%), xung đột thương mại xảy ra giữa các nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, công nghiệp và dịch vụ hiện chiếm tới 80% GDP và 70% thu ngân sách của nước ta, kết quả tăng trưởng kinh tế trên 7%, có sự đóng góp trực tiếp và to lớn của toàn ngành công thương với kết quả xuất nhập khẩu năm nay cán mốc kỷ lục. Thủ tướng cũng đánh giá, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam chủ động tham gia thời gian qua cho thấy sự đúng đắn bởi việc xúc tiến thương mại và đầu tư hiệu quả hơn trong năm qua.

Mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ đặt ra cho ngành công thương trong năm 2020 gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo phải tăng 12%; xuất khẩu chạm mốc 300 tỷ USD ngay trong năm 2020; tăng trưởng thương mại nội địa, bán lẻ hàng hóa đạt tăng trưởng 12%. Đáng chú ý, một trong những nhiệm vụ quan trọng để thực hiện các mục tiêu này, theo Thủ tướng, là khai thác tốt các thị trường mà Việt Nam tham gia ký kết các hiệp định thương mại tự do. Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công thương triển khai đồng bộ các hiệp định thương mại tự do, chú trọng các thị trường tiềm năng. Không chỉ chú ý tới thị trường Mỹ, mà còn phải quan tâm đến các thị trường quan trọng khác, nhất là thị trường trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và thị trường Liên minh châu Âu (EU).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, các cơ quan liên quan, các địa phương trên cả nước phối hợp chặt chẽ hoàn thành nhiệm vụ đã đề ra, cán đích năm thứ 5 Việt Nam xuất siêu. Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam phối hợp, hợp tác, chia sẻ cùng có lợi, cùng kinh doanh với các doanh nghiệp FDI; tiếp tục công tác phòng vệ, bảo vệ hàng Việt Nam, hạn chế những sản phẩm tiêu cực, không cần thiết để bảo vệ các mặt hàng chủ lực; tránh kiện tụng trong hoạt động xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ đề nghị chú trọng đấu tranh chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa, đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại, xử lý nghiêm các vi phạm về sở hữu trí tuệ, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, minh bạch; giảm chi phí xuất nhập khẩu cho các mặt hàng; đẩy mạnh công nghiệp phụ trợ phát triển xuất nhập khẩu ở các địa phương...

Bình Minh

Bình luận

ZALO