Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 11/09/2024 07:49 GMT+7

“Con thuyền” kinh tế Việt Nam bứt tốc vượt “bão Covid-19”

Biên phòng - Năm 2021, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và thực hiện Chiến lược kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, nhưng cũng là năm nước ta gặp rất nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân ta và cộng đồng doanh nghiệp, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực với nhiều gam màu sáng, tạo đà vững chắc cho sự phát triển trong năm 2022.

Tăng trưởng GDP của Việt Nam giai đoạn 2011-2021 và mục tiêu tăng trưởng năm 2022 (Nguồn: Tổng cục Thống kê).
Đồ họa: Lê Hữu

Nỗ lực vượt qua “cơn sóng dữ”

Nếu như năm 2020, trong bối cảnh nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới tăng trưởng âm do tác động của đại dịch Covid-19 thì Việt Nam vẫn đạt được mức tăng trưởng GDP 2,91%. Năm 2021 so với năm 2020 khó khăn hơn rất nhiều, đặc biệt, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư tác động cực kỳ bất lợi, ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế nên nhiều tháng nước ta phải tập trung chống dịch; việc thực hiện mục tiêu “kép” vừa phát triển kinh tế, vừa phòng, chống dịch bệnh phải thực hiện trong điều kiện “bình thường mới”. Đây là thách thức lớn chưa từng có, khiến sức chống chịu và nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân giảm sút.

Trước những khó khăn đó, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách kịp thời để chỉ đạo phát triển kinh tế, sản xuất kinh doanh, thực hiện mục tiêu “đẩy lùi bệnh dịch và phát triển kinh tế”, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Cộng đồng doanh nghiệp năng động và vững tin vào sự điều hành linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ, các địa phương và triển vọng kinh tế của đất nước. Một số ngành công nghiệp trọng điểm và sản phẩm công nghiệp chủ lực đều có mức tăng khá. Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là điểm sáng nổi bật của nền kinh tế... Tuy nhiên, vẫn có nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất cũng như lưu thông hàng hóa. Điều này khiến cho giá cả hàng hóa tăng cao, tạo áp lực lên lạm phát nền kinh tế vì giá nguyên vật liệu, hàng hóa và dịch vụ thế giới tăng cao...

Thực tế cho thấy, kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%, tiếp đến là chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế, nhất là khi giá xăng dầu thế giới tăng đã làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu... Nông nghiệp và thủy sản vốn là “bệ đỡ” trong những giai đoạn khó khăn của nền kinh tế cũng gặp không ít thách thức trong năm 2021. Giá vật tư nông nghiệp và thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tăng cao; dịch bệnh đối với chăn nuôi lợn và gia cầm diễn biến phức tạp; nhu cầu thị trường chưa phục hồi, giá sản phẩm đầu ra của nông nghiệp và thủy sản ở mức thấp khiến người chăn nuôi thua lỗ...

Vững vàng đà tăng trưởng

Ứng phó với không ít khó khăn, thách thức, Chính phủ đã ban hành kịp thời một loạt chính sách tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, người lao động trước những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, thể hiện qua những văn bản như Nghị quyết 68/NQ-CP; Nghị quyết 105/NQ-CP; Nghị định 92/2021/NĐ-CP; Nghị quyết 116/NQ-CP… Các chính sách được triển khai theo hướng khẩn trương, quyết liệt hơn, tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai trước đó, nâng cao hiệu quả tiếp cận và lan tỏa của các gói hỗ trợ.

Cùng với đó, trong quá trình thực hiện, Chính phủ đã chủ động lắng nghe, tiếp thu sửa đổi, bổ sung các chính sách này để các gói hỗ trợ có thể đi vào cuộc sống, được cộng đồng doanh nghiệp và người dân ghi nhận, đánh giá cao. Nhờ sự nhất quán trong lãnh đạo của Đảng, nhận thức, điều hành của Chính phủ, sự nỗ lực của toàn dân đã giúp tình hình dịch bệnh được kiểm soát, độ bao phủ vaccine cao hơn, sự ra đời của Nghị quyết 128/NQ-CP là những luồng ánh sáng khôi phục, phát triển kinh tế: Chuyển từ chiến lược “Zero Covid” sang trạng thái “bình thường mới”. Kinh tế vĩ mô dần ổn định sau cú “chao đảo” vì đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4.

Trong lúc dịch bệnh hoành hành, khủng hoảng logistics cả thế giới, container thiếu hụt trầm trọng nhưng xuất khẩu nông sản của Việt Nam vẫn tăng trưởng vượt kế hoạch đề ra (theo con số thống kê, xuất nhập khẩu đã đạt gần 700 tỷ USD). Bên cạnh đó, thu nội địa đã vượt dự toán với điểm sáng là thị trường chứng khoán tăng nhanh, số lượng nhà đầu tư, những phiên giao dịch hơn 1 tỷ USD không còn xa lạ đã góp phần đóng thuế tăng so với các năm trước đây. Nguồn thu từ hoạt động ngân hàng, bất động sản cũng tăng. Các ngành sản xuất công nghiệp hầu hết vẫn giữ vững. Nhiều địa phương đều ghi nhận tăng trưởng tốt về công nghiệp…

Triển vọng bứt tốc trong năm 2022

Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Năm 2022 phấn đấu là năm chiến thắng dịch bệnh, kinh tế phục hồi, phát triển để nhân dân có cuộc sống bình an và hạnh phúc. Việc hoàn thành bao phủ vaccine là một trong những điều kiện tiên quyết để phục hồi và phát triển kinh tế. Điều này đòi hỏi các cấp, các ngành phải tiếp tục đổi mới, chủ động thích ứng, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn.

Để thực hiện các kế hoạch trong năm 2022, Chính phủ đã xác định 6 vấn đề trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành. Riêng với vấn đề thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ tập trung khôi phục, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, huy động nguồn lực hợp tác công tư để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược. Chính phủ kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế. Đồng thời, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế một cách thực chất, hiệu quả hơn; trong đó, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.

Mục tiêu trong năm 2022 là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Đồng thời, tập trung tận dụng tốt cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với các giải pháp tổng thể kích thích nền kinh tế, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, không để suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn. Đặc biệt, gói kích thích kinh tế hơn 350.000 tỷ đồng vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất được kỳ vọng mở toang cánh cửa phục hồi kinh tế trong năm 2022 và năm 2023 cũng như hoàn thành các mục tiêu nhiệm kỳ 2021-2025. Đây chính là cơ sở, nền tảng quan trọng để năm 2022, kinh tế Việt Nam có thể phục hồi, bứt phá trong bối cảnh “bình thường mới”.

Cho dù phía trước sẽ còn nhiều chông gai, nhiều điểm nghẽn, nút thắt cần được giải quyết. Song với sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Đảng, sự điều hành sát sao của Chính phủ và sự tin tưởng, đồng hành của doanh nghiệp và người dân, có cơ sở để tin rằng, Việt Nam sẽ nắm bắt được những cơ hội phục hồi và tiếp tục giữ vững, củng cố vị thế “ngôi sao đang lên” trong nền kinh tế thế giới.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương

Bình luận

ZALO