Biên phòng - Chỉ trong vòng 2 năm, chính trường Anh đã liên tiếp xảy ra những thay đổi lớn. Nếu như cuộc trưng cầu ý dân về việc ra khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, vào năm 2016 đã gây chấn động toàn thế giới, thì cuộc bầu cử sớm mới đây lại tiếp tục khiến nhiều người thất vọng. Không chính đảng nào giành được đa số phiếu, khiến Hạ viện Anh một lần nữa hình thành cục diện “quốc hội treo” như từng xảy ra vào năm 2010.

Tàu Brexit đã rời ga…
Nhiều tờ báo Anh cho rằng, quyết định tổ chức tổng tuyển cử sớm là nước cờ sai lầm của Thủ tướng Theresa May. Lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn, theo báo chí, đang rất tự tin sau thắng lợi vừa qua và theo đà này, chính phủ nhiệm kỳ sau sẽ thuộc về Công đảng. Trong bối cảnh đó, bất kỳ ai dù bà May hay một lãnh đạo khác của đảng Bảo thủ ngồi vào chiếc ghế thủ tướng Anh lúc này đều sẽ luôn trong tâm bão chính trị, nhất là khi Anh sắp chính thức bắt đầu đàm phán với EU về thủ tục Brexit.
Người bạn duy nhất lúc này của đảng Bảo thủ là DUP - một đảng nhỏ chỉ giữ 10 ghế trong Quốc hội. Tuy nhiên, không vì thế mà đảng này không đưa ra những điều kiện về quyền lợi kinh tế. Trong khi đó, đầu tàu kinh tế là thủ đô London hầu như nằm trong tay Công đảng đối lập. Thị trưởng London cũng đòi quy chế riêng cho thành phố này trong cuộc đàm phán Brexit. Có thể thấy rõ ràng nước Anh đang có nguy cơ tan rã thành nhiều mảnh ngay khi mới chỉ ở ngưỡng cửa bước ra khỏi ngôi nhà chung EU.
Trong bối cảnh tình hình chính trị nội bộ phân rã thành từng mảnh, nước Anh sẽ khó đàm phán rời EU theo kiểu trọn gói. Đảng DUP trong liên minh cầm quyền muốn duy trì đường biên giới “mềm” với Ireland - quốc gia thành viên EU, nên chắc chắn sẽ đòi có ngoại lệ. Mà nhìn quanh nước Anh, ai cũng muốn có ngoại lệ như vậy và có thế mạnh riêng để đòi hỏi, chẳng hạn như thái độ thân châu Âu của xứ Scotland hay quyền lợi kinh tế hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào châu Âu như thủ đô London. Do đó, có vẻ như nước Anh sẽ bước vào bàn đàm phán bằng một bản kế hoạch rời rạc, chắp vá và yếu thế.
Cuối tháng 6 này, các lãnh đạo EU sẽ họp thượng đỉnh mà không có nước Anh, để thảo luận các vấn đề như di cư, an ninh, việc làm và đặc biệt là kế hoạch đối phó với nước Anh. Đây là một hình ảnh rõ ràng nhất để người dân Anh thấy rằng họ không còn ở trong khối. Đã gần một năm kể từ khi nước Anh bỏ phiếu quyết định rời EU, nhưng có vẻ nhiều người dân nước này vẫn đang tranh cãi xem có Brexit hay không, chứ chưa nhận ra thực tế là nước Anh đã bắt đầu tách khỏi EU vì Thủ tướng May đã kích hoạt điều 50 của Hiệp ước Lisbon để bắt đầu quy trình đó.
… Nhưng chưa biết đích đến
Lúc này tại Anh, ngày càng nhiều tổ chức, đảng phái chính trị lên tiếng yêu cầu Thủ tướng May hợp tác với các đảng khác tại Hạ viện trong việc đưa ra nội dung, thứ tự ưu tiên các vấn đề sẽ được đưa ra đàm phán với EU. Các chính trị gia nổi tiếng trên chính trường Anh như William Hague, Yvette Cooper, Harriet Harman và Nicola Sturgeon đều công khai kêu gọi để các đảng tham gia vào đội ngũ đàm phán Brexit của Anh, với hy vọng cách tiếp cận đồng thuận giữa các đảng sẽ giúp Anh có một phiên bản Brexit “mềm mại” hơn so với phiên bản “cứng” mà Thủ tướng May đưa ra hồi đầu năm nay, theo đó Anh sẽ không là thành viên của thị trường chung cũng như liên minh thuế quan châu Âu.

Tờ The Financial Times cho biết nhiều nhân vật quan trọng tại khu tài chính London như Chủ tịch Tập đoàn HSBC Douglas Flint hay Giám đốc điều hành M&G Anne Richards đã kêu gọi “tập hợp mọi tài năng” của nước Anh tham gia nhóm đàm phán Brexit. Các nhân vật cấp cao trong nội các chính phủ cũng đang đàm phán với các nghị sĩ Công đảng để tìm kiếm sự hậu thuẫn cho một Brexit “mềm”.
Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s cho rằng các cuộc đàm phán về Brexit đang đứng trước nhiều ngã rẽ quan trọng, và việc lựa chọn hướng đi nào sẽ quyết định kết quả tiến trình này. Tờ The Economist phân tích, kết quả của cuộc bầu cử sẽ cản trở các cuộc đàm phán về Brexit. Tuy nhiên, việc đảng Bảo thủ để mất ghế tại Quốc hội có thể dẫn tới khả năng chính phủ sẽ cố gắng tiến hành Brexit một cách nhẹ nhàng hơn, có những nhượng bộ với EU mà trước đây bà May chưa từng tính đến.
Đảng Bảo thủ của Thủ tướng Theresa May chiếm nhiều ghế nhất (318/650 ghế) nhưng không đủ con số quá bán, buộc phải mời đảng Liên hiệp Dân chủ (DUP) tại Bắc Ireland có lập trường chính trị bảo thủ cực đoan để thành lập chính phủ liên minh, khiến dư luận không khỏi lo ngại về tính ổn định và tính lâu dài của chính phủ mới. Điều này chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các vấn đề như đàm phán Brexit, đồng thời đặt nước Anh trước một tương lai khó đoán định.
Mọi chuyện diễn ra trong bối cảnh kinh tế Anh đang chững lại do căng thẳng và áp lực đối với thu nhập khi đồng bảng Anh sụt giá. Việc khôi phục lòng tin của giới kinh doanh là điều mà nền kinh tế này đang rất cần. Kinh tế càng tụt dốc, uy tín của chính phủ càng giảm. Nếu chính phủ không thể hiện thực hóa các cam kết về việc tiến hành Brexit mà không làm tổn hại tới lợi ích của người dân, chính họ sẽ phải trả giá.
Tuy nhiên, bên cạnh những lo ngại, nhiều người cũng tỏ ra lạc quan với kết quả của cuộc bỏ phiếu ngày 8-6. Nhà kinh tế hàng đầu của Tổ chức Kinh tế vĩ mô Pantheon cho rằng kết quả bầu cử vừa qua đã hạn chế phần nào “bóng ma” của một tiến trình Brexit khó khăn vào năm 2019, và tăng khả năng Anh tiếp tục ở lại thị trường chung châu Âu. Trong khi đó, chiến lược gia Kit Juckes của Societe Generale cho rằng với bối cảnh hiện nay, khả năng Anh rời EU mà không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào là khó có thể diễn ra. Lời đe dọa của bà May rằng “thà không thỏa thuận còn hơn là thỏa thuận tồi” đã không còn giá trị.
Nguyễn Trung