Biên phòng - “Con nuôi đồn Biên phòng” - hình ảnh đã quá đỗi gần gũi, thân thương trong lòng mỗi người lính Biên phòng (BP) và nhân dân trên khu vực biên giới. Do đặc thù địa bàn, cũng như điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng đơn vị và gia đình, các đồn BP lựa chọn cách đồng hành sao cho hợp lý, vừa chăm lo tốt cuộc sống cho các cháu, nhưng vẫn phải bảo đảm ngày hai buổi đến trường trên cung đường gần nhất, thuận lợi nhất.
Ở Đồn BP cửa khẩu quốc tế (CKQT) Lệ Thanh, BĐBP Gia Lai, hai cậu con nuôi là hai cách đồng hành khác nhau, đứa thì “ăn chung mâm, ngủ chung phòng” với bộ đội, còn đứa kia ở với gia đình, nhưng vẫn luôn ấm áp trong vòng tay người lính.
Tình yêu bắt đầu từ… quá khứ
Có một điều rất lạ vẫn đang hiện diện ở Đồn BPCKQT Lệ Thanh, đó là lính BP gọi “con nuôi” của đồn bằng Mẹ - mẹ Rơ Mah H’Blup ở làng Mooc Đen 1, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ (Gia Lai). Năm nay, người phụ nữ Jrai này đã sắp bước sang tuổi 70, nhưng vẫn đồng hành với Đồn BPCKQT Lệ Thanh bằng tất cả tình yêu thương mà bà đã dành gần như trọn cuộc đời cho người lính.
Dẫu chưa từng kết nghĩa, chưa một lần được chiến sĩ BP đón đưa trong mỗi buổi đến trường, bởi khi Đồn BPCKQT Lệ Thanh thành lập (năm 1975), thì “cô sơn nữ” Rơ Mah H’Blúp đã ngoài đôi mươi, nhưng cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam như định mệnh gắn cuộc đời bà với người lính BP.
Khoảng 2-3 năm trước khi cuộc chiến diễn ra là khoảng thời gian biên giới liên tục chứng kiến hành động gây hấn, xuyên tạc, lấn chiếm của “tập đoàn” diệt chủng Khmer Đỏ. Ngày đó, cùng với người hậu phương ở tuyến sau, Rơ Mah H’Blúp thường xuyên có mặt trên các điểm nóng, vừa mang tiếng hát cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu cho bộ đội, vừa trực tiếp vót chông, đặt bẫy chặn bước quân thù đang nhăm nhe lấn chiếm biên giới.
Tình yêu quê hương, đất nước chẳng biết tự lúc nào đã “kết duyên” bà với lính BP, để từ đó, bà xem Đồn BPCKQT Lệ Thanh như ngôi nhà thân thương nhất của mình. Rồi, khi chiến tranh kết thúc, vẫn tình yêu ấy, trên cương vị là cán bộ xã, bà lại sải bước cùng chiến sĩ BP trên các mặt trận chống “giặc đói”, diệt “giặc dốt”, đẩy lùi “giặc mê tín dị đoan” ra khỏi đất làng.
“Cha nuôi của mình là cán bộ An ninh vũ trang (tiền thân của BĐBP ngày nay), vì vậy, mình luôn xem mình là đứa con nuôi của Đồn BPCKQT Lệ Thanh, bởi đó là ngôi nhà thân thương nhất…” - bà Rơ Mah H’Blúp chia sẻ với chúng tôi như thế.
Trong căn nhà nhỏ ở làng Moóc Đen 1, đứa con nuôi của đồn BP năm xưa đang sống một cuộc sống đơn thân, bình lặng nhưng không bao giờ quạnh vắng. Bởi, đồng hành bên bà có tình làng nghĩa xóm, có những người con, người cháu từ đồn BP làm niềm vui khi tuổi đã xế chiều.
Tương lai bắt đầu từ hôm nay
Đồn BPCKQT Lệ Thanh hiện tại có hai cậu con nuôi là Nguyễn Quốc Tĩnh (14 tuổi) ở làng Moóc Trê và Lê Đại Vỹ (12 tuổi) ở làng Moóc Đen 2, xã Ia Dom. Nếu như người anh Nguyễn Quốc Tĩnh mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa, được đồn nuôi dạy tại đội công tác địa bàn từ năm 2020, thì cậu em Lê Đại Vỹ (bố mất, mẹ bỏ đi từ năm 1 tuổi) hiện đang ở với bà nội. Hai cậu con nuôi, hai cách đồng hành khác nhau, nhưng có một điểm chung là luôn nhận được sự quan tâm chăm lo sâu sắc từ những người lính BP.
Chúng tôi muốn nhấn mạnh đến hai từ “sâu sắc” là bởi những trăn trở, nghĩ suy của cấp ủy, Ban chỉ huy Đồn BPCKQT Lệ Thanh để lựa chọn cách làm phù hợp nhất, vừa chăm lo tốt chuyện ăn học cho các cháu hiện tại, nhưng vẫn có chút “của để dành” cho tương lai.
Thượng tá Nguyễn Đức Hùng, Chính trị viên Đồn BPCKQT Lệ Thanh chia sẻ: “Sau khi thảo luận công khai dân chủ trong Đảng bộ và đơn vị, chúng tôi quyết định hàng tháng từ nguồn tăng gia sản xuất và đóng góp của cán bộ, chiến sĩ sẽ góp thêm vào quỹ tiết kiệm cho mỗi cháu 1 triệu đồng. Chương trình này đã được triển khai hơn 1 năm qua và chúng tôi đang liên hệ với ngân hàng làm cách nào đó lập cho các cháu quyển sổ tiết kiệm để giảm bớt gánh nặng cho gia đình khi các cháu vào đại học hoặc đi đào tạo nghề. Bằng tất cả khả năng của mình, chúng tôi cố gắng chăm lo tốt nhất cuộc sống hiện tại và cả một phần tương lai cho các cháu…”.
Vâng, tương lai bắt đầu từ hôm nay, phải có sự trăn trở và quyết tâm cao độ thì người lính mới hoàn thành được tâm nguyện của mình. Với một đại gia đình “đông con” như Đồn BPCKQT Lệ Thanh, tình yêu đó cần được nhân lên gấp bội. Bởi, bên cạnh Chương trình “Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn BP”, hơn 5 năm qua, đồn vẫn duy trì đều đặn “Bếp ăn tình thương” phục vụ bữa cơm trưa cho số học sinh nghèo trên địa bàn xã Ia Dom. Trong vòng tay yêu thương của người lính, các cháu còn được tiếp cận với những kỹ năng sống, thấu hiểu giá trị của sự đùm bọc, sẻ chia để lan tỏa tình yêu thương trong cộng đồng.
“Chúng tôi đang nghiên cứu phương án bồi dưỡng thêm kiến thức để cải thiện, nâng cao học lực cho tất cả các cháu. Điều này cần có phối hợp chặt chẽ từ nhà trường, vì các cháu đến từ nhiều bậc học khác nhau. Chỉ riêng 15 cháu trong “Bếp ăn tình thương” đã có đủ từ cấp tiểu học, trung học cơ sở đến trung học phổ thông, rất khó để một vài giáo viên cùng lúc có thể đảm nhiệm được” - Thượng tá Nguyễn Đức Hùng bộc bạch.
Chúng tôi hiểu nỗi lòng của người cán bộ sĩ quan đã có thâm niên hơn 30 năm “lăn lộn” trên địa bàn biên giới. Đã từng “nếm” mùi bụi phấn, trải nghiệm những tháng ngày đứng lớp dạy xóa mù trên buôn làng biên giới năm xưa, hơn ai hết, anh thấu hiểu giá trị của kiến thức, của sự tiếp sức học đường. Chính sự trăn trở và quyết tâm đó đã giúp cho những người con nuôi của đồn BP càng thêm vững bước tới trường, chắp cánh những ước mơ trong tương lai.
Thái Kim Nga