Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 23/09/2023 01:19 GMT+7

Con nuôi của Đồn BP Tam Chung

Biên phòng - Sau khi làm việc với Đồn BP Tam Chung, BĐBP Thanh Hóa, tôi được Thiếu úy Hơ Văn Chá đưa đi thực tế ở bản Poọng, xã Tam Chung, huyện Mường Lát, Thanh Hóa. Thoáng thấy chúng tôi đến bản, một cậu bé người Thái, trạc 8 tuổi đã chào to: "Con chào bác". Tôi còn chưa hết ngạc nhiên thì Thiếu úy Chá hào hứng khoe: "Cháu là con nuôi của Đồn BP Tam Chung đấy...". 

n4q0_13a-1.JPG
Hai cậu bé hào hứng khi được vào chơi ở Đồn BP Tam Chung.

Hỏi ra tôi mới biết, em là Vi Văn Thắng, một trong hai em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn được Đồn BP Tam Chung nhận đỡ đầu hồi tháng 9-2014.  Cùng với Thắng còn có em Hoàng Văn Tuất, bạn học cùng lớp của Thắng. Sau khi làm quen bắt chuyện với Tuất và Thắng, ngỏ ý muốn đưa hai em ra Đồn BP Tam Chung chơi với các anh em trong đơn vị, hai cậu bé háo hức lắm, đồng ý ngay.

Mong muốn nâng bước các em đến trường

Đồng chí Trịnh Xuân Thành, Đồn phó Đồn BP Tam Chung cho chúng tôi biết: "Bản Poọng là một trong những bản khó khăn nhất của xã Tam Chung. Anh em trong đơn vị ai cũng mong muốn được đỡ đầu nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, để các em được vững bước đến trường. Dù điều kiện đơn vị còn hạn chế, nhưng cán bộ, chiến sĩ vẫn thường xuyên trao đổi với giáo viên điểm trường Tiểu học bản Poọng để giúp đỡ các em đến lớp".

Hoàng Văn Tuất và Vi Văn Thắng cùng là học sinh lớp 3, điểm trường Tiểu học bản Poọng, xã Tam Chung, có hoàn cảnh rất khó khăn. Năm Thắng 3 tuổi, bố em mất vì căn bệnh HIV, mẹ bỏ về quê ở Sơn La. Hiện, em sống cùng bác ruột và ông nội. Lúc bố Thắng mới mất, gia đình vốn nghèo, trở nên kiệt quệ. Mẹ Thắng về quê ở Sơn La, một năm mới về thăm Thắng một lần. Hoàn cảnh gia đình bên đấy khó khăn nên cũng không giúp được em.

Cũng như trường hợp của Thắng, bố của Tuất mất vì nhiễm HIV. Mẹ Tuất đi làm ăn xa lâu lâu mới về, hiện, em sống cùng chị gái và bà nội, mọi sinh hoạt đều phải nhờ vào các cô bác. Lớn lên thiếu vắng tình yêu của cha mẹ, nhắc đến đấng sinh thành, những đôi mắt thơ ngây của các em man mác buồn.

Từ khi được Đồn BP Tam Chung nhận đỡ đầu, hai em yên tâm đến trường. Hằng tháng, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị trích tiền lương của mình để hỗ trợ mỗi cháu một tháng 500.000 đồng. Số tiền này được các cháu sử dụng vào việc mua sách vở, quần áo đầu năm học. Tiền còn dư sẽ được tiết kiệm để sau này mua xe đạp cho các em khi vào học Trung học phổ thông.

Trao đổi với chúng tôi về nhận đỡ đầu hai cháu học sinh, Thiếu tá Vi Văn Hằng, Chính trị viên phó Đồn BP Tam Chung cho biết: "Đồn dự định sẽ đỡ đầu cho đến khi các cháu học xong đại học". Còn theo cô giáo Lương Thị Quỳ, giáo viên chủ nhiệm lớp Thắng và Tuất: "Hai em ngoan, học khá so với các bạn trong lớp. Thắng là lớp trưởng, Tuất là lớp phó học tập".

Từng "sợ" các chú Biên phòng

Đây là chia sẻ của Thiếu tá Hằng khi nói về "hai cậu con nhỏ" của Đồn BP Tam Chung. Thời gian đầu khi vào bản Poọng để nhận nuôi hai cháu, anh em  trong đơn vị gặp không ít khó khăn. Phần vì các cháu còn nhỏ, lại chưa quen với việc vắng người thân quen. Điều may mắn là ở trong đồn cũng có nhiều đồng chí là người Thái, người Mường, vào nói chuyện với gia đình và làm quen với các cháu. 

Thiếu tá Hằng tâm sự: "Khi chúng tôi đến nhà, bác và ông nội Thắng ở trong chòi trên rẫy. Tôi cùng đồng chí Chính trị viên vào nhà hai, ba lần cũng không gặp được ai để đặt vấn đề. Có những hôm ban ngày không gặp được, 10 giờ đêm, chúng tôi vẫn vào trong bản để gặp gia đình. Ban đầu, ý mọi người không đồng ý vì cũng muốn các cháu ở nhà phụ gia đình chứ không có ý cho đi học".

581x327_13b-1.jpg
Cán bộ, chiến sỹ Đồn BP Tam Chung chụp ảnh lưu niệm với Thắng và Tuất.
 
Cũng theo anh Hằng, gặp gia đình, anh em trong đồn không hứa trước gì, nhưng bằng cái tình của người lính Biên phòng, cùng ăn, cùng ở với dân nên người nhà hai cháu bắt đầu hiểu ra và cũng đồng ý gửi gắm các cháu cho đồn. Khi đón được hai cháu ra ở với đồn BP nhưng chắc chưa quen, sợ nên các cháu cứ đòi về. Khi vào trong bản, cứ thấy chúng tôi là các cháu chạy trốn. Đồn BP phải nhờ đến cô giáo chủ nhiệm, trưởng bản vào làm công tác tư tưởng cho gia đình và cho các cháu ra với các anh em trong đơn vị để làm quen.

Những lần đầu ra với đơn vị, Thắng và Tuất cứ ngồi một chỗ, ít giao tiếp với các anh em trong đồn. Thế nhưng, sau vài lần "ra vào" đồn BP, tiếp xúc với môi trường quân đội, hai cháu có vẻ thích thú lắm, không còn sợ như trước nữa. Khi cho các cháu ăn cùng, ngủ cùng với các chú BĐBP, tập những thói quen của người lính, dần dần hai cậu cũng quen và không sợ nữa.

"Tết vừa rồi, hai cháu đón Tết với anh em trong đơn vị, mỗi dịp lễ, hay ngày truyền thống của lực lượng BĐBP, các cháu đều đến chung vui" - Thiếu tá Hằng chia sẻ - "Hiện nay, người nhà Thắng và Tuất mong muốn sau giờ học, hai em ở nhà cùng với gia đình, nên mỗi chủ nhật đồn lại cử các chiến sĩ vào trong bản thăm và dạy học cho các cháu. Mưa dầm thấu lâu, "hai cậu bạn nhỏ" cũng quen dần với các chú trong Đồn BP Tam Chung. Anh em trong đơn vị vẫn đùa khi Thắng và Tuất vào chơi "chào các bố trẻ đi con". Hai cậu bé vẫn chưa hết bẽn lẽn, nhưng đã dần quen với tình cảm của những người lính Biên phòng. Trước khi về, hai cậu bé chào to "cháu chào các bố". Nhận ra mình nói nhầm, hai cậu quay ra ôm mặt cười".

Nói về dự định tương lai sau này của mình, Thắng và Tuất chia sẻ với chúng tôi mong trở thành BĐBP như các chú ở Đồn BP Tam Chung. Nhìn các em vui đùa với các cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, đôi mắt ánh lên những hy vọng. Chúng tôi thầm nghĩ, rồi đây, từ mái nhà của Đồn BP Tam Chung, với tình yêu của những người lính, những cánh chim nhỏ như Thắng và Tuất sẽ dần trưởng thành, góp sức xây dựng bản làng giàu mạnh hơn, no ấm hơn.
Nguyễn Nga

Bình luận

ZALO