Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 31/05/2023 07:02 GMT+7

“Con nuôi” của đồn Biên phòng

Biên phòng - Sống xa nhà, việc chăm sóc con cái đều “trông cả vào vợ”, nhưng những người lính biên phòng ở 2 đồn Ka Lăng, Thu Lũm (BĐBP Lai Châu), hàng ngày vẫn “nhập vai” cha, chú, anh, kể từ khi đón các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn về đơn vị chăm sóc, nuôi ăn học...

 
443ka%20lang%201.jpg
 Bữa cơm của Chu Gió Pa, Lỳ Gió Nhù tại đồn BP Ka Lăng
 Đồn là nhà

Ngày nghỉ, em Sừng Xú Xá (được đồn BP Thu Lũm nhận chăm sóc, nuôi ăn học từ năm 2009) mời chúng tôi về thăm gia đình ở bản Ló Na, cách đồn BP Thu Lũm chưa đầy chục cây số. Anh Sừng Gạ Chừ, bố của Sừng Xú Xá, vóc dáng nhỏ bé, ít nói, nhưng khi nhìn thấy “khách biên phòng” bỗng trở nên hoạt bát. Anh bảo: “Mình có 4 đứa con, vì được Nhà nước ưu tiên nên đứa nào cũng đi học mặc dù còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, thằng Xá được các chú biên phòng nuôi thì “ra dáng” hơn cả. Ai cũng bảo nó chững chạc như người lính ở đồn BP rồi”. Nhìn cách Xá lau ấm chén, bàn ghế để đón khách, “đối đáp” đâu ra đấy, tôi hiểu phần nào về niềm tự hào “người lớn” mà anh Sừng Gạ Chừ nói về con trai của mình.

Đối với Mạ Mò Hà (bản Còng Khà), việc được đồn BP Thu Lũm nhận làm con nuôi thực sự đã mở ra cho em một tương lai mới, bởi tưởng như cánh cửa cuộc đời đã khép lại đối với em khi bố mất sớm, mẹ luôn ốm đau, 2 em còn thơ dại. Bố của Mò Hà là ông Mạ Pó Hừ, nguyên là lính Biên phòng. Hoàn thành nghĩa vụ, ông Mạ Pó Hừ phục viên và làm xã đội phó xã Thu Lũm. Cơn bạo bệnh đã khiến ông ra đi để lại cho bà Lỳ Té Nu 3 đứa con thơ dại và căn nhà dột nát. Thương con, bà Lỳ Té Nu chỉ biết chăm chỉ làm việc, hàng ngày thời gian trên nương nhiều hơn thời gian ở nhà nhưng vẫn phải “chạy ăn từng bữa”. Bởi vậy mà con đường đến trường của Mạ Mò Hà có nguy cơ phải dang dở. Biết được hoàn cảnh của Mạ Mò Hà, hàng tháng đồn BP Thu Lũm đều hỗ trợ lương thực, chia sẻ gánh nặng với bà Lỳ Té Nu. Ngay khi phong trào “Hũ gạo tình thương” được triển khai, Ban chỉ huy đồn đã quyết định đưa Mạ Mò Hà về đơn vị để nuôi ăn học.

Nếu như đồn BP Thu Lũm được “biên chế” thêm 2 “chiến sĩ nhí” thì ở đồn BP Ka Lăng lại được “tăng cường” thêm 2 cô gái nhỏ. Đó là Chu Gió Pa (nhà ở bản Ló Mé) và Lỳ Gió Nhù (nhà ở bản Nhù Te), cùng học lớp 8 trường THCS Ka Lăng. Sinh ra và lớn lên ở hai nơi khác nhau, nhưng các em đều chung một hoàn cảnh gia đình khó khăn và mong muốn được đến trường. Nỗi niềm lo lắng phải bỏ dở con đường đến với cái chữ chỉ chấm dứt khi đồn BP Ka Lăng quyết định nhận nuôi các em đến hết lớp 12. Từ đó, các em đã thực sự trở thành thành viên của đơn vị. Bữa cơm chỉ thiếu vắng các em vào hôm các em phải học tiết 5, về muộn. Vừa cho hạt dẻ vào túi bóng buộc cẩn thận, Chu Gió Pa bảo tôi: “Hạt dẻ này chúng cháu nhặt trên thao trường phía sau đồn. Phơi khô rồi, túi này để cho bác Ảnh, túi buộc dây màu xanh là cho bác Nguyên, túi này cho chú Cường mang về Điện Biên làm quà cho các em...”.

Những giấc mơ bé bỏng

Đã 2 năm, kể từ ngày “dọn đến ở đồn BP”, Xá và Hà nhiều khi vẫn ngỡ mình đang sống một cuộc sống trong mơ. Các em không phải “đứt bữa”, không phải đi nương mà chỉ chuyên tâm việc học hành. Thiếu tá La Văn Dương, Chính trị viên đồn BP Thu Lũm cho biết: “Tuy nhà các cháu cách trường không xa, chúng tôi cũng có thể chu cấp lương thực, tiền cho gia đình hàng tháng nhưng đơn vị vẫn quyết định đón về đồn BP, vì ngoài việc chăm sóc, quản lý các cháu, chúng tôi còn muốn tạo dựng cho các cháu lối sống tự lập. Điều đó rất cần cho cuộc sống của các cháu sau này”.

Giờ, cuộc sống của Xá và Hà đã đi vào nếp. Buổi sáng, sau tiếng kẻng báo thức, 2 thành viên đặc biệt của đồn biên phòng cũng ra sân xếp hàng thực hiện bài võ thể dục “32 động tác”. Quản lý đơn vị vẫn chấm đủ tiêu chuẩn sinh hoạt 41 nghìn đồng/ngày như tất cả cán bộ, chiến sĩ khác. Chỉ khác là, giờ học tập, huấn luyện của cán bộ, chiến sĩ thì các em lại cắp sách đến trường hoặc tự ôn bài. Thỉnh thoảng, gặp bài toán khó, các em lại nhờ các anh, các chú hướng dẫn. Vậy nên, đôi khi có thể bắt gặp cảnh 3, 4 người lính tay cầm sách, người đăm chiêu, người căng thẳng. Đại úy Lỳ Lù Xe, cán bộ đồn BP Thu Lũm cười, bảo: “Bây giờ, học sinh học khác thời chúng tôi. Mình giải được kết quả đúng, nhưng phương pháp lại không như các cháu học. Thế nên có khi phải “a lô” cho cô giáo”.

Trò chuyện với các “con nuôi” của đồn BP Ka Lăng, thấy cháu nào cũng mang trong mình một ước mơ nho nhỏ, rất đáng được vun đắp. Hai chàng trai Sừng Xú Xá và Mạ Mò Hà khẳng định sẽ học tập thật tốt để lớn lên vào bộ đội biên phòng. Còn Chu Gió Pa có kế hoạch sẽ thi vào trường nghệ thuật để góp phần lưu giữ, bảo tồn những bài hát, điệu múa của người Hà Nhì...

Trở về thị xã Lai Châu, dừng chân tại ngã ba Nậm Mằn, ngoái lại thấy Ka Lăng, Thu Lũm đã chìm trong mây trắng. Có thể, mọi thứ bị che khuất bởi mây, bởi núi, nhưng với Xá, Hà, Pa, Nhù, tình cảm với các chú, các anh biên phòng sẽ không bao giờ khuất lấp, cho dù đến lúc nào đó, các em sẽ rời nơi đây, thực hiện giấc mơ của mình.

Và, các em có quyền tự hào nói: “Em đã lớn lên ở đồn BP và nơi đó đã cho em ước mơ này”.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO