Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 25/10/2024 01:52 GMT+7

Con nuôi Biên phòng ở phố biển

Biên phòng - Tại ngôi nhà nằm ngay mặt đường Ngô Quyền, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, tiếng đàn Organ réo rắt vang lên điệu nhạc du dương từ đôi bàn tay của cô bé Mai Thị Hồng Hải, học sinh lớp 9, Trường Trung học cơ sở Hoàng Sa. Những bản nhạc nước ngoài có nhịp điệu hay như Pleut Sur La Route, All I have to do is dream được cô bé chơi khá mượt mà. Hồng Hải là một trong những người “con nuôi” của những người lính BĐBP thành phố Đà Nẵng. Cùng đồng hành với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, giờ đây, những người lính Biên phòng nơi đây đã có được những “quả ngọt” chính nhờ sự nỗ lực, vươn lên của những “con nuôi đồn Biên phòng”.

Cán bộ Đồn Biên phòng Sơn Trà luôn hỗ trợ, giúp đỡ con nuôi Trần Thị Thùy Dương học tập. Ảnh: Văn Chương

Nếu chỉ nghe tiếng đàn và quan sát bên ngoài, ai cũng nghĩ Hồng Hải đang được sống trong vòng tay tràn ngập hạnh phúc và yêu thương của cha mẹ. Nhưng chỉ những người trong cuộc mới hiểu được hoàn cảnh éo le của cô bé Hải. Từ lúc em còn nhỏ, mẹ của em là chị Mai Thị Hồng Phượng đã qua đời vì căn bệnh hiểm nghèo. Cô bé ngơ ngác, bơ vơ giữa xóm làng và người thân gần gũi nhất của em chỉ có ông bà ngoại. Bà Lê Thị Mùi, bà ngoại của em nói: “Cha cháu đi biệt tích, nên nó sinh ra đã theo họ mẹ. Cuộc sống thiếu vắng bóng cha từ nhỏ, rồi mẹ lại qua đời, chỉ mình cháu côi cút, nên ông bà ngoại dẫn cháu về nuôi”.

Nhà bà ngoại của cô bé nằm ngay trên trục đường dẫn xuống cảng Tiên Sa. Suốt ngày, âm thanh ầm ĩ từ những chiếc xe container xuôi ngược chở hàng dội vào căn nhà trống, trong nhà không có vật dụng gì đáng giá. Và những người lính Biên phòng đã lặng lẽ đến với những hoàn cảnh khó khăn như em Hải để thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng”. Trung úy Phan Hoàng Hiệp, Đội phó Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Sơn Trà là người nắm rất sát địa bàn, có thể kể rành mạch hoàn cảnh của từng gia đình, từng em nhỏ trên địa bàn đơn vị quản lý. Trung úy Hiệp tâm tình: “Hải thường tâm sự với các bố nuôi rằng, ước ao sau này trở thành giáo viên dạy môn thanh nhạc. Vậy là, các bố nuôi lại động viên cháu cố gắng nuôi dưỡng ước mơ, hy vọng và chúng tôi sẽ nâng đỡ để giấc mơ ấy sẽ trở thành hiện thực”.

Hồng Hải cho biết: “Chú Hiệp thường đến động viên cháu là phải học tập tốt, các chú sẽ chăm lo cho cháu đến khi vào đại học. Cháu cũng đã hứa với các chú là sẽ nỗ lực, quyết tâm để thực hiện ước mơ của mình”.

Tôi hiểu, dù cuộc đời Hồng Hải thiếu vắng bóng cha, nhưng những người lính Biên phòng đã trở thành điểm tựa, là niềm an ủi để em khoe với bạn bè rằng: “Mình có cha là BĐBP”.

Đại tá Nguyễn Thanh Thủy, Phó Chính ủy BĐBP thành phố Đà Nẵng tâm sự, trong những ngày cao điểm phòng, chống đại dịch Covid-19 ở thành phố Đà Nẵng, trong lịch công việc hàng tuần của các đồn Biên phòng thường đề cập tới nội dung: “chăm sóc, thăm hỏi, hỗ trợ gia đình con nuôi Biên phòng”. Đối với cán bộ, chiến sĩ BĐBP thành phố Đà Nẵng, hai từ “con nuôi” dường như đã trở thành thân thương và song hành với họ trong cuộc sống hàng ngày. Thời điểm khó khăn, tình cảm gắn bó quân dân càng mặn nồng.

Trung úy Phan Hoàng Hiệp đưa tôi đến thăm gia đình các em học sinh được đơn vị nhận chăm sóc vào thời điểm đại dịch Covid-19 trong Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng”. Cháu Trần Thị Thùy Dương vừa thấy chú Hiệp tới là vội vàng nói về việc học tập hàng ngày, nhiều nhất là các bài học tiếng Anh. Điểm kết thúc năm học của cô bé này, môn tiếng Anh thường đạt trên 9,0. Cuốn vở được ghi chép nắn nót, với những con chữ đẹp và thẳng hàng cũng phần nào nói lên đức tính cần cù, chăm học của em. Thành tích học tập của Thùy Dương được đánh giá là nổi bật, 8 năm liên tục là học sinh giỏi của Trường Trung học cơ sở Lý Tự Trọng.

Ngôi nhà mà 2 mẹ con Thùy Dương đang ở là một gian nhà trọ. Nhà trên có diện tích chỉ vừa đủ xếp chiếc bàn học, vài vật dụng và cũng là nơi 2 mẹ con đặt nệm làm giường ngủ. Hàng ngày, người mẹ phải tần tảo đi làm thuê để lo lắng cho gia đình. Chị là người quê gốc ở Nghệ An, vào thành phố Đà Nẵng mưu sinh, nên cuộc sống nhiều vất vả, lo toan. Giờ đây, điểm tựa của gia đình Thùy Dương có thêm những người lính Biên phòng.

“Khi hết lương thực thì gọi cho các chú Biên phòng” là câu nói được cháu Huỳnh Thị Vui, học sinh lớp 9, Trường Trung học cơ sở Lý Tự Trọng nhắc đến khi nói về những người “bố nuôi” Biên phòng. Vui là cô bé có dáng người khá cao, khuôn mặt gầy, ánh mắt buồn xa xăm. Cha của em bị tật nguyền và hàng ngày đi bán vé số trên chiếc xe lăn, mẹ thì tần tảo làm thuê kiếm sống. Đại dịch Covid-19 như cơn bão ập xuống gia đình em, những lúc khó khăn đó thì những người “bố nuôi” Biên phòng lại xuất hiện và luôn quan tâm, động viên, giúp đỡ gia đình Vui vượt qua những tháng ngày gian khó. Câu hỏi mỗi ngày của các chú khi đến thăm gia đình Vui là: “Ngày mai trong nhà con có còn gì để ăn không? Nếu có việc gì cần, con nuôi cứ nói ba, mẹ gọi ngay cho các chú”.

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO