Biên phòng - Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm phát triển bền vững là mục tiêu hướng đến của ngành nông nghiệp. Đã có nhiều chính sách ưu đãi được ban hành để thực hiện điều này, nhưng các mô hình ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa theo đúng kỳ vọng.

Xác định khoa học công nghệ là then chốt trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành, địa phương luôn khuyến khích, tạo điều kiện để nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ tạo các sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng cao ở ba trục sản phẩm, gồm: Nhóm sản phẩm chủ lực cấp quốc gia; Nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; Nhóm sản phẩm địa phương (OCOP).
Ứng dụng công nghệ cao từ khâu sản xuất tới chế biến
Hiện tại, nhiều nhóm sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, cấp tỉnh ứng dụng CNC được áp dụng từ khâu sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến như: Tôm, cá tra... Rất nhiều vùng nuôi trồng, nhiều nhà máy chế biến sản phẩm CNC đã được hoàn thành trong vài năm gần đây. Đến nay, Việt Nam đã có hàng chục doanh nghiệp lớn ứng dụng CNC, tiên tiến ngang tầm khu vực và thế giới, như: Công ty TH (sữa), Dabaco (chăn nuôi), Nafoods (trồng, chế biến trái cây), Masan (giết mổ, chế biến), Vingroup, Ba Huân... Ở nhóm sản phẩm OCOP kết hợp truyền thống với ứng dụng khoa học công nghệ nên rất đa dạng, phong phú, chất lượng, mẫu mã bao bì đẹp, đều truy xuất được nguồn gốc.
Nông nghiệp ứng dụng CNC giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm rủi ro tác động của biến đổi khí hậu, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu. Mặt khác, ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp giúp sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nhiều loại nông sản cho doanh thu rất cao, ví dụ: Rau doanh thu đạt từ 2,5 đến 9 tỷ đồng/ha, lợi nhuận đạt từ 1,6 đến 4,9 tỷ đồng/ha; hoa doanh thu đạt từ 0,5 đến 9,9 tỷ đồng/ha, lợi nhuận đạt từ 0,3 đến 5,4 tỷ đồng/ha. Trong khi đó, tôm thẻ chân trắng năng suất đạt 40 tấn/ha, gấp 40 lần so với sản xuất đại trà, chi phí sản xuất giảm 30-35%; sản xuất bò sữa có năng suất sữa đạt trên 30 lít/bò/ngày, chất lượng tốt.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ở cấp quốc gia, đến nay, đã có 6 khu nông nghiệp ứng dụng CNC được thành lập (Hậu Giang, Phú Yên, Bạc Liêu, Thái Nguyên, Quảng Ninh và Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ Bắc Trung Bộ). Cấp địa phương, hiện, cả nước đã có 18 vùng nông nghiệp ứng dụng CNC, với tổng diện tích 18.089ha, đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản, trồng hoa, lúa, chuối; có 135 khu sản xuất nông nghiệp CNC do doanh nghiệp đầu tư.
Cũng theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có 290 doanh nghiệp nông nghiệp và gần 2.000 hợp tác xã đang ứng dụng CNC vào sản xuất. Các lĩnh vực sản xuất của hợp tác xã ứng dụng CNC phổ biến là sản xuất rau, trái cây an toàn; sản xuất giống cây trồng; sản xuất hoa, làm nấm; chăn nuôi gà, lợn, bò sữa và nuôi trồng thủy sản; chế biến và bảo quản các sản phẩm nông nghiệp.
Quy mô sản xuất chưa đủ lớn
Thực tế, Nhà nước có nhiều chính sách về thuế, tiền sử dụng đất, ưu đãi về tín dụng... nhằm khuyến khích cho đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhưng chưa đủ mạnh để thúc đẩy nhanh đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng CNC. Mô hình ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, không theo định hướng, quy mô sản xuất chưa đủ lớn để tạo sản phẩm hàng hóa tập trung, gây khó khăn trong việc đầu tư và quản lý.

Nguyên nhân của những hạn chế trên là do quy mô đất đai cho sản xuất manh mún, khó khăn cho việc ứng dụng CNC, cơ giới hóa, công nghiệp hóa trong sản xuất nông nghiệp, dẫn đến giá thành sản phẩm cao, khó cạnh tranh. Hơn nữa, các chính sách hiện có chưa đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp; liên kết giữa “4 nhà” còn yếu và thiếu bền vững.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, trong thời đại công nghiệp 4.0, làm nông nghiệp có thể không cần phải đầu tư và sở hữu nhiều đất, mà có thể tận dụng thế mạnh của nền kinh tế liên kết, kinh tế chia sẻ. Theo Bộ trưởng, ngoài hướng tập trung tích tụ đất đai hướng tới tăng quy mô sản xuất, xây dựng vùng nông nghiệp CNC, vẫn có những phương thức tập trung đất đai mềm, thích ứng với từng điều kiện ở từng địa phương, kết hợp nguồn lực nhà nước với nguồn lực xã hội để cùng phát triển nông nghiệp CNC.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, trong bối cảnh này, giữa mô hình tập trung và mô hình tích tụ thì mô hình tập trung là phù hợp hơn khi người dân không còn nhiều đất, chưa chuyển đổi được nghề nghiệp, tâm thế trong việc phát triển nông nghiệp cao ở nông thôn. Theo Bộ trưởng, nông nghiệp cao là phương thức sản xuất, thị trường sẽ quyết định phương thức sản xuất nào phù hợp. Vai trò phát triển thị trường là trách nhiệm phối hợp của Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nhà nước có vai trò kiến tạo, tạo điều kiện, tạo thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp CNC.
Về sản xuất, tiêu thụ, chuỗi liên kết, Bộ trưởng cho rằng, phải bắt đầu từ xây dựng vùng nguyên liệu, qua đó, chuẩn hóa đầu vào, đáp ứng và đảm bảo chuẩn mực đầu ra. Bộ trưởng nêu rõ, không thể xây dựng chuỗi ngành hàng cho từng hộ, mà cho từng vùng nguyên liệu, vùng sinh thái, ngoài vai trò nhà nước, cần chú trọng vai trò của doanh nghiệp trong xây dựng ngành hàng, đặc biệt trong nâng cao chất lượng của các hợp tác xã để phát triển vùng nguyên liệu.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, vấn đề không chỉ nằm ở cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp CNC của nhà nước, mà còn phụ thuộc vào sự sẵn lòng của doanh nghiệp và địa phương. Đó còn là câu chuyện về sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp. “Chúng tôi sẽ tiếp cận với các doanh nghiệp nông nghiệp CNC để tìm điểm nghẽn, từ đó đề xuất giải pháp tháo gỡ” - Bộ trưởng nói.
Xuân Hương