Biên phòng - Sáng 14-6, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao (với 93,84% tổng số đại biểu tán thành) và thảo luận dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi).

Thảo luận Luật Công an nhân dân (sửa đổi), các đại biểu đề cập nhiều đến quy định vị trí chức vụ có bậc hàm cấp tướng trong ngành Công an. Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng, qua thực tiễn cho thấy việc phong hàm cấp tướng hiện nay đang có nhiều ý kiến khác nhau. “Các ý kiến phản ánh đều chung suy nghĩ phải bảo đảm uy tín, vị thế của đội ngũ tướng lĩnh, tránh việc phong thăng hàm nhanh nhưng chất lượng không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đội ngũ tướng lĩnh có công với dân, với nước luôn được suy tôn, nhưng gần đây cử tri băn khoăn khi có một số tướng lĩnh vi phạm pháp luật nghiêm trọng”.- Đại biểu Nguyễn Tạo nhấn mạnh.
Về cấp bậc hàm cao nhất Thiếu tướng đối với Giám đốc Công an tỉnh, đại biểu Nguyễn Tạo phân tích, nếu nhìn nhận trên mặt bằng chung với lực lượng Quân sự thì có sự “vênh” nhau. Khi xảy ra chiến tranh thì Chỉ huy trưởng Quân sự, chỉ huy thống nhất các lực lượng, Công an chỉ tham gia phối hợp, nhưng Giám đốc Công an Thiếu tướng trong khi Chỉ huy trưởng Quân sự quân hàm Đại tá dẫn đến người cấp hàm thấp chỉ huy người có cấp hàm cao, như thế sẽ không phù hợp.
“Nếu Giám đốc Công an có hàm cao nhất Thiếu tướng, cần sửa Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam để nâng hàm Thiếu tướng của Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh cho tương xứng”. - Đại biểu Nguyễn Tạo nêu quan điểm.
Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, ban soạn thảo phải cân nhắc nên giữ cấp hàm Đại tá đối với Giám đốc Công an tỉnh với lý do để tương xứng với Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh. Còn Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh chỉ là Thiếu tướng, cấp phó của 2 đơn vị này chỉ ở hàm Đại tá để tương thích với Giám đốc Công an các tỉnh, thành khác. Đồng thời, với các chức vụ Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương có cấp hàm Thiếu tướng hay Trung tướng nên quy định thẳng vào Luật, không nên ghi như dự thảo do cấp có thẩm quyền quyết định.
Ngoài những ý kiến trên, nhiều đại biểu đề xuất, chỉ phong hàm cấp tướng với lực lượng trực tiếp chiến đấu và trực tiếp phòng chống tội phạm. Còn đơn vị hành chính sự nghiệp trong Công an nhân dân thì phải cân nhắc, bởi cũng chỉ cần thực hiện nhiệm vụ như các cơ quan hành chính nhà nước khác.
“Cần quy định rõ vị trí có trần quân hàm cấp tướng để hạn chế phong cấp hàm không theo quy tắc. Đồng thời, quy định rõ trong Luật số vị trí quân hàm cấp tướng, tránh tình trạng vừa phong hàm cấp tướng xong, được điều đến thực hiện nhiệm vụ khác, để người khác vào theo kiểu “điền vào chỗ trống”, lúc ấy Đại tá lại được phong thành Tướng”. - Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nhấn mạnh.
Danh Anh