Biên phòng - Sáng 31-5, Quốc hội làm việc tại hội trường nghe Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Nói về quy định đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập (Điều 37), Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết: Qua thảo luận, nhiều đại biểu tán thành với việc mở rộng phạm vi đối tượng có nghĩa vụ kê khai để phù hợp với quy định của Đảng. Cũng có nhiều ý kiến đề nghị chỉ tập trung vào các đối tượng giữ vị trí có nguy cơ tham nhũng cao…
Sau khi nghiên cứu, Chính phủ xin được thể hiện quy định về đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập của dự thảo Luật theo hướng mở rộng đối tượng kê khai tài sản. Phương án này phù hợp với quan điểm của Đảng được nêu tại Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí.
“Việc mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập đối với mọi cán bộ, công chức và viên chức giữ chức vụ tương đương Phó trưởng phòng trở lên khi lần đầu được tuyển dụng, bổ nhiệm vào làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị trong khu vực công là một bước đi cần thiết để hình thành đồng bộ hệ thống dữ liệu quốc gia về bản kê khai, qua đó giúp kiểm soát có hiệu quả những biến động về tài sản, thu nhập của họ khi thuộc diện phải kê khai hằng năm” - Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh.
Về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà không được giải trình một cách hợp lý (Mục 5 Chương III), Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết thêm, vẫn còn có hai luồng ý kiến khác nhau. Căn cứ quy định của Hiến pháp và pháp luật hiện hành, việc xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc có liên quan đến quyền sở hữu tài sản của người kê khai và vợ, chồng, con chưa thành niên của họ. Trong khi đó, phương thức xử lý thông qua thủ tục tố tụng hình sự, tố tụng dân sự là một vấn đề mới, phức tạp, có thể ảnh hưởng đến các quyền hiến định của công dân.
Đồng thời, nếu áp dụng cũng đòi hỏi nhiều điều kiện đảm bảo thực hiện mà ở thời điểm hiện tại là chưa phù hợp với thực tiễn pháp luật và quản lý của nước ta như: phải có một hệ thống quản lý hiệu quả tài sản, thu nhập và chi tiêu trong toàn xã hội hoặc thay đổi những nguyên tắc cơ bản trong pháp luật về tố tụng hình sự, tố tụng dân sự liên quan đến trách nhiệm chứng minh.
Vì vậy, qua thảo luận vẫn còn các ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, cơ chế thu hồi tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc được thực hiện thông qua việc xác định đó là hành vi trốn thuế và quy định chuyển hồ sơ vụ việc từ cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập sang cơ quan quản lý thuế (Phương án 1 của Điều 59).
Ý kiến thứ hai đề nghị quy định hình thức xử phạt phù hợp, coi hành vi kê khai không trung thực, hành vi không giải trình được một cách hợp lý khi có tài sản, thu nhập tăng thêm là hành vi vi phạm hành chính của người có nghĩa vụ kê khai trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng (Phương án 2 của Điều 59).
Viết Hà