Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ năm, 30/11/2023 05:05 GMT+7

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV:

Còn nhiều ý kiến khác nhau về số lượng cấp phó Hội đồng nhân dân

Biên phòng - Ngày 25-10, Quốc hội làm việc tại hội trường thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của các dự án luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước.

a8rgp17sib-21034_f_k25tlu400_201910231628408655_Ng_Duy_Hiu_on_BQH_Tp._H_Ni_tranh_lun_2_copy
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Ảnh: Quốc hội

Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đa số đại biểu thống nhất việc cụ thể hóa chủ trương của Trung ương trong việc giảm số lượng cấp phó của Hội đồng nhân dân (HĐND). Tuy nhiên, giảm như thế nào, giảm ở cấp nào, cơ quan nào thì ý kiến còn khác nhau.

Đối với HĐND cấp huyện, nhiều ý kiến tán thành giảm số lượng cấp phó. Còn HĐND cấp tỉnh, một số đại biểu đề nghị giữ nguyên như Luật hiện hành, tức là gồm 2 Phó chủ tịch HĐND. Tuy nhiên, cũng có đại biểu đề nghị quy định lãnh đạo HĐND cấp tỉnh có 2 đại biểu hoạt động chuyên trách, trường hợp Chủ tịch HĐND cấp tỉnh là đại biểu hoạt động chuyên trách thì bố trí một Phó chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách; trường hợp chủ tịch HĐND là đại biểu hoạt động kiêm nhiệm thì bố trí 2 Phó chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách.

Theo đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội), cấp tỉnh nên có hai Phó chủ tịch HĐND chuyên trách, không phụ thuộc chủ tịch chuyên trách hay kiêm nhiệm, vì lý do định hướng của Đảng hiện nay trong việc bố trí nhân sự dự kiến Bí thư sẽ kiêm Chủ tịch UBND hoặc HĐND, đa số Bí thư sẽ là Chủ tịch HĐND. Còn lại có những trường hợp khác chuyên trách là "giải pháp tình thế" thì không phổ biến, không kéo dài. Tuy nhiên, trong hai Phó chủ tịch HĐND, có thể bố trí một người làm Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, như vậy sẽ tiết kiệm được nhân sự.

Về Phó chủ tịch HĐND cấp huyện, đại biểu Ngọ Duy Hiểu cho rằng dứt khoát phải giảm một, chỉ còn một phó. Phân tích Điều 25 dự luật là Trưởng ban đại biểu HĐND có thể là chuyên trách, còn Phó trưởng ban đương nhiên là chuyên trách sẽ dẫn đến có ban của HĐND cấp huyện có hai chuyên trách, rất khó cho địa phương, đại biểu đề nghị sửa điều này là Trưởng ban hoặc Phó trưởng ban HĐND cấp huyện có một người chuyên trách.

"Khi bàn về vấn đề giảm hay tăng chuyên trách, theo tôi, giảm chỗ nào cần giảm, giữ chỗ nào cần giữ. Quan trọng nhất là phải có cơ chế, chế độ đãi ngộ để thu hút những người có tài tham gia HĐND các cấp. Đây mới là gốc của vấn đề, còn việc tăng hay giảm biên chế cũng không giải quyết được vấn đề..." - Đại biểu Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.

Thảo luận về sửa đổi các quy định của Luật Tổ chức Chính phủ, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với việc sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong việc quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện như dự thảo Luật; cho rằng, việc giao Chính phủ quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện vừa bảo đảm sự chỉ đạo, điều hành thông suốt của Trung ương, vừa tạo sự chủ động, sáng tạo cho địa phương trong việc bố trí, sắp xếp tổ chức bộ máy.

Đây sẽ là cơ sở pháp lý để các địa phương căn cứ vào đặc điểm, tình hình cụ thể và yêu cầu quản lý, phát triển kinh tế - xã hội đặc thù của địa phương, chủ động quyết định thành lập tổ chức trên nguyên tắc tinh giản bộ máy, biên chế và giảm chi tiêu thường xuyên, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành. Việc sửa đổi quy định tại khoản 3 Điều 23 của Luật Tổ chức Chính phủ là cần thiết, không chỉ trao thẩm quyền cho Chính phủ (như Luật Tổ chức Chính phủ hiện hành) mà còn tạo cơ sở pháp lý để phân cấp, trao quyền chủ động nhiều hơn cho địa phương.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), Luật giao Chính phủ quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện nhằm đẩy mạnh phân cấp cho người đứng đầu chính quyền địa phương là hợp lý. Mặc dù quy định như vậy sẽ dẫn đến việc cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện không thống nhất chung cả nước, song, ở nước ta một số vùng miền có đặc thù riêng, tùy thực tiễn, địa phương sẽ bố trí cơ quan chuyên môn phù hợp không ngoài khung cho phép của Chính phủ giao.

Đồng tình với quan điểm của đại biểu Phạm Văn Hòa, đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Giang) đồng tình với việc sửa đổi lần này và cho rằng, việc này sẽ bảo đảm thu gọn đầu mối, giảm cấp trung gian, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Việc sửa đổi này là cần thiết, vừa tạo sự thống nhất về số cơ quan chuyên môn "cứng" thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, vừa tạo sự linh hoạt, chủ động cho chính quyền địa phương, quyết định thành lập tổ chức phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương trên nguyên tắc tinh giản bộ máy biên chế và giảm chi tiêu thường xuyên, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành.

Phương Thảo

Bình luận

ZALO