Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:54 GMT+7

Còn nhiều khó khăn trong chống khai thác hải sản bất hợp pháp

Biên phòng - Thực hiện khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC), công tác chống khai thác hải sản (KTHS) bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) của tỉnh Quảng Ngãi đã có những cải thiện đáng kể, song vẫn chưa khắc phục triệt để. Từ năm 2020-2021, địa phương này liên tiếp phát hiện các tàu cá vi phạm các quy định của pháp luật về KTHS có thể ảnh hưởng đến việc gỡ “thẻ vàng” của EC đối với Việt Nam.

Cán bộ Đồn Biên phòng Sa Kỳ, BĐBP Quảng Ngãi kiểm tra thiết bị an toàn trên tàu cá của ngư dân. Ảnh: Văn Tánh

Xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật

Từ năm 2017 trở về trước, Quảng Ngãi là tỉnh có số lượng tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài (nhất là vùng biển các quốc đảo Thái Bình Dương) nhiều nhất trên cả nước. Thực hiện các khuyến nghị của EC, thời gian qua, cả hệ thống chính trị của tỉnh Quảng Ngãi tích cực vào cuộc thực hiện chống khai thác IUU và đã đạt được những kết quả tích cực. Nhờ đó, từ đầu năm 2018 đến đầu năm 2020, không có tàu cá và ngư dân nào xâm phạm trái phép vùng biển của các quốc đảo Thái Bình Dương, tình hình tàu cá và ngư dân tỉnh Quảng Ngãi vi phạm vùng biển nước ngoài để KTHS trái phép đã được kiểm soát, ngăn chặn.

Tuy nhiên, kết quả chống khai thác IUU của Quảng Ngãi chưa thực sự bền vững, vẫn còn tiếp diễn tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài khu vực Bắc Biển Đông. Năm 2020, lực lượng chức năng phát hiện và xử phạt hơn 927 triệu đồng đối với 1 tàu cá/16 ngư dân vi phạm vùng biển Malaysia để KTHS trái phép. Ngoài ra, trong năm 2020 còn xảy ra 5 vụ/9 tàu cá/52 ngư dân bị phía Trung Quốc bắt giữ. Năm 2021, xảy ra 1 vụ/1 tàu cá/10 ngư dân bị Đài Loan (Trung Quốc) bắt giữ, xử lý; 2 vụ/3 tàu cá/23 ngư dân bị Trung Quốc bắt giữ. Lực lượng chức năng cũng đã phát hiện 680 lượt tàu cá vượt ra khỏi sơ đồ trên phần mềm của hệ thống giám sát tàu cá và hơn 1.300 lượt tàu cá mất kết nối trên biển với thời gian trên 10 ngày. Qua đó, đã tiến hành làm việc, xử lý 116 trường hợp, xử phạt 22 trường hợp với các lỗi: Thuyền trưởng không có văn bằng hoặc chứng chỉ theo quy định, không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình (GSHT), không có sổ danh bạ thuyền viên tàu cá...

Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Ngãi cho biết, thời gian qua, đơn vị đã tập trung tuyên truyền pháp luật cho ngư dân, tăng cường tuần tra, kiểm soát trên biển để phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật về KTHS. BĐBP Quảng Ngãi cũng đã bố trí 4 cán bộ thường trực tại Văn phòng kiểm soát nghề cá tại 4 cảng cá để phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, kiểm soát, thanh tra các hoạt động của tàu cá và thuyền viên ra, vào cảng; xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật theo thẩm quyền. Riêng đợt cao điểm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá KTHS trái phép ở vùng biển nước ngoài giữa tháng 10-2021, BĐBP Quảng Ngãi đã xử phạt vi phạm hành chính 20 đối tượng với số tiền 370 triệu đồng, tước bằng thuyền trưởng đối với 5 thuyền trưởng do vi phạm quy định về KTHS.

Tiếp tục tăng cường thực thi pháp luật

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Ngãi, công tác chống khai thác IUU vẫn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Đến đầu tháng 2-2022, toàn tỉnh có 2.806/3.261 tàu cá lắp đặt thiết bị GSHT, đạt tỷ lệ 86,05% (nếu trừ 78 tàu nằm bờ, 229 tàu hoạt động ở ngoài tỉnh nhiều năm không về địa phương, thì tỷ lệ tàu cá lắp thiết bị GSHT đạt 94,99%). Tỷ lệ tàu cá được cấp giấy phép KTHS mới đạt hơn 70%.

Trong khi đó, tàu cá vượt ranh giới, mất kết nối phát hiện qua hệ thống giám sát tàu cá nhiều, nhưng việc xử lý còn hạn chế. Trong số gần 2.000 tàu cá vi phạm trong năm 2021, các cơ quan chức năng mới xử lý được 138 trường hợp. Chỉ trong tháng 1 và 2-2022, lực lượng chức năng đã phát hiện 60 tàu cá vượt ra khỏi sơ đồ trên phần mềm của hệ thống giám sát tàu cá và 232 tàu cá mất kết nối trên biển trên 10 ngày, nhưng mới xử lý được 20 trường hợp.

Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi cho hay, lực lượng cũng như trang thiết bị để theo dõi, GSHT tàu cá còn hạn chế, chưa được đầu tư đáp ứng yêu cầu thực tế. Hiện nay, chỉ có 1 cán bộ kiêm nhiệm để trực, vận hành hệ thống GSHT tàu cá, trong khi số lượng tàu cá quá lớn nên không thể kịp thời theo dõi, xử lý các trường hợp tàu mất kết nối, vượt ranh giới cho phép trên biển.

Một bất cập khác là cơ sở hạ tầng nghề cá, nhất là các cảng cá của tỉnh Quảng Ngãi chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của cảng cá loại II. Nguồn lực (trang thiết bị, phương tiện, con người, kinh phí) cho các cơ quan, đơn vị trực tiếp thực thi nhiệm vụ chống khai thác IUU như Chi cục Thủy sản, Ban Quản lý các cảng cá, trạm kiểm soát Biên phòng còn thiếu so với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ. Ngoài ra, ngư trường khai thác của ngư dân Quảng Ngãi rộng khắp, trải dài từ tỉnh Kiên Giang đến Quảng Ninh nên công tác thẩm định, kiểm tra tàu cá định kỳ gặp nhiều khó khăn.

Để cùng với cả nước nỗ lực khắc phục “thẻ vàng” của EC, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị, trong thời gian tới, UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo hoàn thành việc lắp đặt thiết bị GSHT tàu cá theo quy định; thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, giám sát tàu cá và sản lượng bốc dỡ qua cảng; thực thi pháp luật nghiêm minh để tăng tính cảnh báo, ren đe. Về lâu dài, tỉnh Quảng Ngãi cũng cần phát triển nghề nuôi trồng thủy sản để giảm cường lực khai thác trên biển.

Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi cho biết, cơ quan này sẽ tiếp tục tăng cường thực thi pháp luật đảm bảo việc tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển, tại các cửa biển, cảng cá nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm khai thác IUU. Tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị đầu tư xây dựng, nâng cấp công trình hạ tầng nghề cá; tiếp tục duy trì chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ KTHS trên các vùng biển xa theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để động viên, khuyến khích chủ tàu vươn khơi bám biển kết hợp sản xuất và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Thu Hằng

Bình luận

ZALO