Biên phòng - Từ đầu năm 2013 đến nay, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại ở khu vực biên giới Tây Nam ngày càng trở nên nóng bỏng. Đặc biệt, gần đây xuất hiện chiêu thức buôn lậu mới, đó là đưa hàng Việt Nam xuất qua Cam-pu-chia, sau đó làm xảo thuật rồi quay trở lại thị trường trong nước để tiêu thụ kiếm lợi. Các mặt hàng ưa chuộng vẫn là thuốc lá, bia, rượu ngoại, đồ mỹ phẩm... vì đây là những mặt hàng có lợi nhuận cao.
![]() |
Tang vật một vụ buôn lậu do Đồn BPCK Quốc tế Tịnh Biên phát hiện và bắt giữ. |
Theo thống kê của lực lượng phòng chống tội phạm và ma túy, BĐBP An Giang, trong 4 tháng đầu năm 2013, lực lượng chức năng BĐBP đã bắt và xử lý gần 100 vụ vi phạm liên quan đến buôn lậu và gian lận thương mại trên địa bàn biên giới tỉnh; xử phạt và tịch thu hàng hóa trị giá gần 4 tỷ đồng. Hàng hóa tịch thu chủ yếu là các mặt hàng: Đường cát Thái Lan, thuốc lá, đồ điện tử, rượu ngoại và một số mặt hàng tiêu dùng khác. Đặc biệt, thời gian gần đây, gia tăng tình trạng doanh nghiệp xuất nhập khẩu lợi dụng việc tạm nhập tái xuất, xuất khẩu chuyển cửa khẩu để buôn lậu, gian lận thương mại.
Bên cạnh đó, tình trạng đưa hàng Việt Nam vào Khu siêu thị miễn thuế Tịnh Biên để được hoàn thuế giá trị gia tăng, sau đó tìm cách đưa lại thị trường nội địa diễn ra phức tạp, gây nhiều khó khăn cho lực lượng chống buôn lậu. Phương thức và thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này rất tinh vi, với sự thay đổi liên tục địa điểm nhập, xuất hàng. Nguy hại hơn, tình trạng quay vòng hồ sơ xuất, nhập khẩu, tạo hồ sơ mua bán nội địa, thay đổi hành trình đã trở thành "độc chiêu" của giới buôn lậu.
Ngoài 2 mặt hàng "chiến lược" là đường cát Thái Lan và thuốc lá, các đầu nậu cũng ra sức thu gom tất cả các nhu yếu phẩm, như thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng, trái cây, rượu ngoại, vải, quần áo cũ, đồ gỗ, điện thoại di động, mỹ phẩm... Thủ đoạn chủ yếu của các đối tượng buôn lậu là xé lẻ hàng hóa để vận chuyển, mang vác hàng hóa theo các đường mòn, lối mở hai bên cánh gà cửa khẩu biên giới, sau đó tập kết, hợp thức hóa đơn chứng từ, đưa sâu vào nội địa tiêu thụ.
Được biết, thời gian gần đây, lượng khách hàng đến Khu siêu thị miễn thuế Tịnh Biên đã giảm khá nhiều, nhưng doanh số của các doanh nghiệp phân phối hàng vẫn không giảm; điều này đồng nghĩa với tình trạng buôn lậu hàng hóa vẫn còn tái diễn. Không chỉ người Việt thu gom hàng miễn thuế mà nhiều người Cam-pu-chia cũng lợi dụng sự ưu đãi về chính sách miễn thuế của Việt Nam để mua hàng Việt và "tuồn" trở lại thị trường nội địa Việt Nam bán kiếm lời. Hiện nay, hàng nhập lậu từ biên giới Tây Nam được chia làm hai loại: Một là, hàng ra từ Khu siêu thị miễn thuế Tịnh Biên rồi xuất khẩu qua Cam-pu-chia, sau đó quay lại thị trường Việt Nam tiêu thụ. Hai là, hàng lậu từ Cam-pu-chia được vận chuyển qua biên giới vào thẳng thị trường Việt Nam.
Theo ghi nhận của chúng tôi, hàng hóa từ trong Khu siêu thị miễn thuế Tịnh Biên được tuồn nhiều đợt với số lượng khá lớn qua hàng rào bên hông khu thương mại (ngay dưới gầm cầu Hữu Nghị, giáp với cửa khẩu Tịnh Biên) cho dân buôn lậu chuyển đi tiêu thụ... Đối tượng buôn lậu hầu hết là các doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh cá thể có kho hàng tại khu vực biên giới, đầu nậu, thầu đai vác, chủ sạp mua bán trong chợ biên giới... Sau đó, sử dụng các phương tiện vận tải khác nhau chuyển hàng vào nội địa tiêu thụ.
Theo Trung tá Nguyễn Xuân Đức, Phó Đồn trưởng Nghiệp vụ Đồn BPCK Quốc tế Tịnh Biên, BĐBP An Giang: "Hiện nay, chúng ta đang áp dụng chính sách biên mậu. Theo đó, mỗi ngày một người dân biên giới được mua lô hàng có trị giá dưới 2 triệu đồng thì sẽ không phải nộp thuế. Đây là kẽ hở để các chủ buôn hàng lậu xé lẻ hàng, sau đó lợi dụng "cửu vạn", cư dân biên giới đưa từ bên kia biên giới về Việt Nam. Hình thức buôn lậu này rất công khai, hợp pháp mà cơ quan chức năng không xử lý được. Hơn nữa, khi hàng lậu vào nội địa thì bao bì nhãn mác sẽ được thay đổi phù hợp với hóa đơn trong nước nên lực lượng chức năng rất khó xử lý".
Rõ ràng, công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại ở vùng biên giới An Giang vẫn còn nhiều phức tạp, cam go. Thực tế đó đòi hỏi các ngành, các cấp, chính quyền địa phương phải vào cuộc quyết liệt để tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử phạt, nhất là trên các địa bàn, tuyến biên giới trọng điểm. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, sửa đổi một số chính sách về chế độ chứng từ, biên mậu... cho phù hợp với tình hình thực tế ở địa bàn, như thế mới có thể đẩy lùi và ngăn chặn nạn hàng lậu, hàng giả từ nước ngoài tràn vào Việt Nam.