Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 08/06/2023 03:04 GMT+7

Còn nhiều hạn chế trong việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước

Biên phòng - Sáng 15-6, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch; Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2019; Nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.

bd0pr5eyi2-670_f_jifd10ey0_a
Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua luật và nghị quyết. Ảnh: Quốc hội

Nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước (97,33% đại biểu tán thành) nêu rõ, công tác cổ phần hóa đạt được một số kết quả tích cực. Sau cổ phần hóa, hoạt động của doanh nghiệp minh bạch hơn; hầu hết các doanh nghiệp có quy mô, cơ cấu nguồn vốn hợp lý và hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả hơn, nộp ngân sách và thu nhập của người lao động được nâng lên.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc, bất cập và vi phạm pháp luật trong kinh doanh, nguyên tắc thị trường, quản trị doanh nghiệp, quản lý tài chính. Chưa hoàn toàn tách bạch giữa chức năng quản lý Nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu, còn tình trạng thiếu bảo đảm công khai, minh bạch trong việc định giá, mua bán tài sản của doanh nghiệp Nhà nước. Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước chưa tương xứng với vị trí và nguồn lực được giao quản lý, sử dụng.

Một số dự án đầu tư quy mô lớn nhưng triển khai chậm, không hiệu quả, thất thoát, lãng phí; hoạt động đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính, đầu tư ra nước ngoài hiệu quả thấp. Tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ ở các công ty cổ phần còn cao. Mô hình quản trị doanh nghiệp chậm được đổi mới. Việc thu hút nhà đầu tư chiến lược còn hạn chế. Vẫn còn vi phạm về công tác quản lý tài chính trong quá trình cổ phần hóa, xác định giá trị doanh nghiệp, nhất là xác định giá trị quyền sử dụng đất, giá trị thương hiệu của doanh nghiệp Nhà nước.

Những hạn chế, vướng mắc, bất cập nêu trên do nhiều nguyên nhân. Hệ thống văn bản pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước vẫn còn chồng chéo, thiếu thống nhất với một số luật khác. Việc xử lý, cơ cấu lại một số tập đoàn, tổng công ty, dự án đầu tư thua lỗ, thu hồi vốn của Nhà nước từ các dự án đầu tư không hiệu quả còn chậm.

Hoạt động kiểm tra, giám sát của đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, công tác thanh tra, kiểm tra, việc kiểm soát nội bộ chưa thường xuyên, kém hiệu quả. Công tác tổ chức cán bộ chưa tốt, năng lực quản lý còn bất cập, trách nhiệm chưa rõ, một số trường hợp cố ý vi phạm quy định của pháp luật gây lãng phí và hậu quả nghiêm trọng.

Danh Anh

Bình luận

ZALO