Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 30/09/2023 04:18 GMT+7

Con đường huyền thoại đã góp phần làm nên mùa Xuân đại thắng

Biên phòng - Trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã có những đóng góp đặc biệt quan trọng vào thắng lợi của cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Nhân dịp này, để hiểu hơn về con đường huyền thoại này, chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ, trò chuyện với Thiếu tướng Võ Sở, nguyên Chính ủy Binh đoàn 12, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh - một trong những người chỉ huy trên con đường lịch sử ngày ấy.

49pv_12a
Thiếu tướng Võ Sở. Ảnh: Hoàng Thùy

“Máu có thể đổ, đường không tắc” 

Năm nay, Thiếu tướng Võ Sở đã bước sang tuổi 92. Người lính già có tới 70 năm tuổi Đảng này vẫn nhớ như in từng sự kiện, con số về Trường Sơn cách đây mấy chục năm. Trong 47 năm quân ngũ thì Thiếu tướng Võ Sở có hơn 10 năm sống và chiến đấu trên đường Trường Sơn, 17 năm công tác tại Binh đoàn 12. Ông tâm sự rằng, những năm ở chiến trường, trên các cương vị: Trưởng phòng Tổ chức, Chính ủy Binh trạm, rồi Phó Chủ nhiệm Chính trị Đoàn 559, đó là những ký ức sâu đậm trong cuộc đời ông.

“Đường Hồ Chí Minh huyền thoại là yếu tố quan trọng để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” - Thiếu tướng Võ Sở nói. Theo dòng hồi ức của ông, cách đây 61 năm, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19-5-1959, Thường trực Tổng Quân ủy (nay là Quân ủy Trung ương) giao nhiệm vụ cho Đoàn 559 mở tuyến đường vận tải quân sự xuyên qua dãy núi Trường Sơn để chi viện cho chiến trường miền Nam. Từ đây, tuyến hành lang giao liên vận tải quân sự Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh được thiết lập và trở thành cầu nối giữa hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam. Ngày 13-8-1959, những chuyến hàng đầu tiên chính thức vượt dãy Trường Sơn vào chiến trường miền Nam, mang theo khát vọng đất nước hòa bình, thống nhất.

Thiếu tướng Võ Sở cho biết, lúc đầu, đường Trường Sơn là con đường mòn đi dọc phía Đông dãy Trường Sơn hùng vĩ, Đoàn 559 vừa vận chuyển, vừa mở đường hành quân với phương châm "Ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” để đảm bảo bí mật tối đa. Sau một thời gian, con đường ngày một nối dài, vượt xa với quy mô, phạm vi cả Đông và Tây dãy Trường Sơn, xuyên qua nhiều tỉnh thuộc 3 nước Việt Nam - Lào – Campuchia. Các tuyến vận tải cho các chiến trường đã tạo nên một hệ thống liên hoàn và vững chắc với khẩu hiệu chiến đấu: “Máu có thể đổ, đường không tắc”; “Còn người, còn xe, còn hàng”; “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”...

Từ năm 1964 trở đi, Mỹ đánh phá Trường Sơn rất ác liệt, sử dụng đủ các loại máy bay, kể cả B52 để phá hoại công cuộc mở đường tiếp viện miền Nam. Trong điều kiện thiếu thốn trăm bề, khí hậu khắc nghiệt của núi rừng Trường Sơn, bom đạn của kẻ thù liên tục trút xuống con đường này. Với tinh thần “Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, hàng vạn bộ đội Trường Sơn luôn kiên cường mở rất nhiều đường, chủ yếu về phía Tây Trường Sơn (do phía Đông giặc Mỹ kiểm soát và đánh phá ác liệt). Trong đó, nhiều cung đường được thi công  thần tốc như đường 20 dài 120km (từ huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đến huyện Lùm Bùm, tỉnh Khăm Muộn, Lào). 

Quá trình khảo sát cho thấy, trở ngại lớn nhất để khơi thông đường 20 là 3 dãy núi đá rất lớn, tưởng chừng như không có cách nào gỡ bỏ. Đặc biệt, đây là điểm mà hầu như ngày nào máy bay Mỹ cũng đánh phá. Song, bằng sự quyết tâm, 3 trung đoàn công binh và 3 đội thanh niên xung phong gồm hơn 8.000 người được huy động, dùng bộc phá, xẻ đôi núi đá. Dù trong hoàn cảnh “trên bom, dưới đạn”, khiến nhiều đồng chí hy sinh, nhưng anh em không vì thế mà nản lòng, hễ máy bay Mỹ ngừng ném bom thì bộ đội lại tiếp tục công việc mở đường. Chỉ sau 3 tháng (từ tháng 1-1966 đến tháng 4-1966), đường 20 chính thức khai thông, phá thế độc tuyến và rút ngắn đường vận chuyển từ phía Bắc xuống đường 9.

Góp phần to lớn đưa đất nước đến ngày toàn thắng

Đường Hồ Chí Minh là sự khởi đầu cho một huyền thoại trong thế kỷ XX của dân tộc Việt Nam. Bộ đội Trường Sơn ngày ấy chiến đấu với "Binh chủng hợp thành" gồm đủ các lực lượng: Vận tải, công binh, cao xạ, bộ binh, xăng dầu, thông tin, giao liên... Nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng lớn của cách mạng miền Nam, từ những lối giao liên nhỏ ban đầu, đường Trường Sơn đã mở rộng, vươn xa với tổng chiều dài đường bộ gần 17.000km (gồm 5 trục dọc, 21 trục ngang); đường giao liên trên 3.000km; đường ống dẫn xăng dầu dài gần 14.000km... “Mạng lưới đường Trường Sơn khi ấy phức tạp đến nỗi, sau khi điều máy bay chụp ảnh từ trên cao, phác thảo các cung đường quân ta làm được, Mỹ phải thốt lên, đây thực sự là một trận đồ bát quái” - Thiếu tướng Võ Sở chia sẻ.

d6wv_12b
Lực lượng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đảm bảo giao thông trên đường Trường Sơn. Ảnh: Tư liệu

Thiếu tướng Võ Sở kể, năm 1974-1975 là giai đoạn Mỹ ném bom, đánh phá đường Trường Sơn ác liệt nhất. Địch dội "mưa bom, bão đạn" suốt ngày đêm xuống cung đường này. Đất đá trên núi đổ xuống hàng nghìn mét khối, bộ đội công binh lại phải khắc phục bằng những dụng cụ thủ công như cuốc, xẻng và thuốc nổ, bộc phá, có khi phải dùng xe ủi để "vá đường", đảm bảo cho tuyến đường luôn thông suốt. Theo thống kê, đã có 4 triệu tấn bom dội xuống đây trong thời gian từ năm 1974-1975. Tuy nhiên, với lòng yêu nước, tinh thần “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, bộ đội Trường Sơn vẫn quyết vượt lên phía trước, đảm bảo đường luôn thông suốt.

Thiếu tướng Võ Sở cho biết, trong suốt 16 năm hoạt động (1959-1975), bộ đội Trường Sơn đã vận chuyển chi viện cho các chiến trường trên 1,5 triệu tấn hàng hóa; 5,5 triệu tấn xăng dầu, bảo đảm cho hơn 1,1 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ hành quân vào chiến trường miền Nam và các chiến trường lớn, góp phần to lớn vào thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Thanh Thuận

Bình luận

ZALO