Biên phòng - Điểm trường Buốc Pát, xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La nằm nép mình bên sườn núi, nấp sau những ngôi nhà nhỏ trong bản. Chiều xuống, trường lớp vắng hoe, học sinh đã lục tục trở về nhà. Lớp học được dựng lên từ nền đất và những tấm vải bạt mỏng manh. Những hôm trời trở gió, bốn phía mấy gian nhà cấp 4 bị gió thổi tung, quật vun vút vào những căn phòng trống huơ trống hoác. Ở nơi nghèo khó, vất vả này, Pó vẫn đau đáu thắp sáng một ước mơ sẽ có một ngày trở thành cô giáo.
![]() |
Giờ lên lớp của thầy Phạm Văn Thành. |
Cả điểm trường Buốc Pát chỉ có 2 lớp ghép. Lớp ghép 1, 2 và lớp ghép 3, 4. Mùa này, hoa mận bắt đầu nở trắng sườn đèo. Chiều nào, Vàng Mí Pó cũng đi qua đoạn đường nở trắng hoa mận. Nhiều người đến đây đều khen hoa mận đẹp, đẹp hơn rất nhiều loài hoa ở thành phố. Nhưng Pó thì không thấy như vậy. Có lẽ vì Pó đã lớn lên, gắn bó với vùng đất này, ngày ngày ngắm hoa mận trắng rồi cũng thành quen. Pó ước mơ, ngày nào đó mình sẽ học thật giỏi, đi thật xa, đến nhiều vùng đất mới lạ được biết nhiều loài hoa ở nhiều vùng quê khác.
Nhà Pó ở cách điểm trường chừng 5 cây số. Sáng nào, Pó cũng dậy từ rất sớm, nấu cơm cho cả nhà rồi mới gọi các em dậy. Pó là chị cả trong gia đình có 6 chị em. Ở Buốc Pát, nhiều nhà còn nghèo lắm. Có khi suốt cả năm chẳng bao giờ được nếm một hạt cơm, mà chỉ toàn ăn sắn, ăn ngô trừ bữa. Có thứ gì mà ăn cho no cái bụng là đã tốt lắm rồi. Bố mẹ Pó bảo, từ nhỏ Pó đã sáng dạ, thông minh nên mới được bố mẹ ưu tiên cho đi học. Còn lại mấy đứa em, chỉ học hết lớp 2, nhận biết được mặt cái chữ là phải nghỉ học để đi nương. Đứa nào cũng gầy guộc, khẳng khiu như cây sắn trên rẫy, nhưng chẳng bao giờ bị ốm. Mặt mũi thì lem nhem như bị quẹt nhọ nồi, trông rất ngộ. Thi thoảng, vào buổi tối, khi làm mọi việc trong nhà xong xuôi, Pó "đóng vai" cô giáo để giảng bài cho các em. Bọn trẻ ngước đôi mắt tròn xoe, ngơ ngác nhìn Pó rồi hét toáng lên: "A, chị Pó làm cô giáo kìa! Chị Pó nhà mình giỏi quá!". Khi ấy, Pó vui lắm. Mặt nó vênh lên, dáng đi dõng dạc, oai nghiêm như người lớn. Pó bảo với các em, khi nào nhà mình đỡ khổ hơn, sẽ cho các em đi học trở lại. Các em Pó vui quá liền bế bổng chị lên đầy phấn khích.
Buốc Pát nổi tiếng vì nhiều năm trước đây có nhiều người buôn bán ma túy. Cả bản lao đao trước sự hủy hoại ghê gớm của "cái chết trắng". Vì những khoản lợi nhuận kếch xù, nhiều người lao vào vòng xoáy của ma túy. Nhiều bạn trong lớp học của Pó có bố mẹ đi tù vì buôn thứ chết người đó. Pó buồn nhất là chuyện xảy ra với Tráng Lao Cờ. Nhà Cờ cách nhà Pó chỉ mấy bước chân. Pó và Cờ thân nhau từ nhỏ, đi đâu cũng có nhau. Thế rồi một ngày, công an ập đến nhà bắt bố Cờ đi tù vì nghe theo lời dụ dỗ của kẻ xấu ở bên kia biên giới, đi buôn ma túy. Bố Cờ đi tù chẳng được bao lâu, mẹ Cờ chán nản cũng bỏ nhà ra đi. Cờ là anh cả trong nhà nên phải nghỉ học, ở nhà lên nương, lên rẫy, đi làm thuê kiếm tiền nuôi các em. Cờ tâm sự với Pó: "Pó à, tao phải nghỉ học để ở nhà đi nương. Tao không thể để bà nội nuôi thêm tao và các em nhỏ". Pó gật đầu, buồn đến nỗi không nói được câu gì. Pó còn nhớ, buổi học cuối cùng trước khi Cờ xa lớp học. Cờ còn hát một bài hát của người Mông để tạm biệt cô giáo và bạn bè.
Nhìn cái dáng nhỏ bé lanh lẹ của Cờ khuất dần sau bóng núi, cô giáo, Pó và các bạn đều không ai cầm được nước mắt. Pó hiểu, Cờ làm thế để mọi người yên lòng thôi, chứ thực ra lòng Cờ chắc cũng đang buồn lắm. Ngày bé, Cờ bảo: "Sau này lớn lên, tao sẽ làm kỹ sư xây dựng, đi thiết kế nhiều nhiều cái công trình cho Nhà nước, cho bản mình. Khi nào làm được nhiều, có tiền, tao sẽ về để cưới mày, Pó ạ!". Bây giờ, ước mơ của Cờ trở nên xa vời. Nhưng Pó vẫn ước mong và tin rằng, đến một ngày nào đó, Cờ sẽ lại được cắp sách đến trường, cùng Pó sánh bước trên những con đường ngập tràn hoa mận trắng.
Lớp học của Pó chỉ vẻn vẹn có 7 bạn. Thế mà để có được những thành viên quan trọng này, các thầy cô giáo ở điểm trường đã phải vất vả, gian nan đi vận động để các bạn đến trường. Pó hiểu, không phải các bạn không yêu cái chữ. Hầu hết các gia đình ở đây còn rất nghèo. Nhiều khi con cái trở thành nhân lực chính trong gia đình, bởi nhiều éo le, hệ lụy phát sinh từ ma túy. Có hôm lớp học bị mưa gió hắt vào ướt hết cả chỗ ngồi, cả bảng đen, phấn trắng. Thầy và trò ngồi thu lu trong lớp vì lạnh. Sau những cơn mưa ấy, nhiều bạn có ý định bỏ học. Thầy Thành và cô Thảo lại mặc áo mưa, đi dép cao su, lội qua những con suối, trèo qua những ngọn đèo trơn trượt để "tìm" học sinh, mong các bạn đến lớp đầy đủ. Hình ảnh ấy đã khắc sâu trong tâm trí Pó, khiến Pó không thể nào quên. Ở miền xuôi, ngày 20-11, các thầy cô chắc nhận được nhiều hoa và lời chúc từ các bạn. Nhưng ở đây, nơi nghèo khó bộn bề, khiến học sinh quên cả ngày trọng đại ấy. Thi thoảng, có bó rau ngon hay cân gạo dẻo, các bạn lại gói ghém lên trường biếu thầy cô, như thế là quý lắm rồi.
![]() |
Nụ cười hồn nhiên của các em học sinh điểm trường Buốc Pát. |
Quê thầy Thành ở Thọ Xuân, Thanh Hóa. Thầy kể, quê thầy nghèo, vùng đất cằn cỗi, còn nhiều khó khăn không kém nơi đây là mấy. Tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm, thầy Thành khăn gói lên đây nhận công tác và gắn bó với mảnh đất này, đến nay đã gần 20 năm. Thầy Thành coi những học sinh ở nơi này như những người con thân yêu của mình. Tháng nào thầy cũng trích một ít tiền lương để mua quần áo, sách vở và đồ ăn cho học sinh. Những hôm lớp học bị mưa gió tạt vào làm ướt hết bảng đen và sách vở, không học được, thầy ngồi kể chuyện cho các em nghe. Pó thích nhất là được nghe thầy kể về quê hương của thầy. Khi ấy, ánh mắt của thầy vời vợi xa. Thầy Thành còn người mẹ già năm nay đã gần 80 tuổi, vẫn sống ở quê. Pó hiểu, chắc thầy nhớ quê hương lắm. Đường sá xa xôi, chẳng mấy khi thầy được về thăm quê, thăm mẹ. Bây giờ, thầy đã ở lại đây lập gia đình, coi nơi này như quê hương thứ hai của mình rồi. Pó và các bạn đều thấm thía tình cảm gắn bó, yêu thương của thầy dành cho miền đất này.
Đi hết đoạn đường dốc, gập ghềnh, khúc khuỷu là đến đồi hoa mận trắng. Ngày nào cũng về qua con đường này, nhưng sao hôm nay Pó thấy lòng xốn xang, bộn bề bao cảm xúc. Pó thấy mình hạnh phúc hơn Cờ, hơn nhiều bạn ở đây vì còn được cắp sách đến trường. Và Pó thầm hứa với lòng mình, sẽ nỗ lực học, không chỉ cho mình mà cho cả các bạn, những số phận không may mắn. Pó sẽ học thật giỏi để trở thành người có ích cho xã hội, trở về xây dựng quê hương, bản làng. Pó mong ước quê hương Buốc Pát mai này sẽ đổi thay, giàu mạnh, không còn nghèo đói, lam lũ, khốn đốn vì ma túy nữa. Pó ngước nhìn lên khoảng trời xanh thẳm mây trắng bồng bềnh trôi, lòng ngập tràn niềm tin vào tương lai phía trước!