Biên phòng - Một ngày giữa tháng 3, chúng tôi khởi hành đi Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, bằng đường thủy, từ cửa biển Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Chỉ hơn 2 giờ lênh đênh trên sóng, tàu đã cập cảng Bến Đầm. Côn Đảo đón chúng tôi bằng tiết trời ấm áp, nắng nhẹ, không khí mát mẻ, yên bình. Lần đầu đến với Côn Đảo, chúng tôi cảm nhận rõ những gì mọi người từng nói: Nơi đây là thiên đường nghỉ dưỡng.
Nơi ghi dấu những chứng tích lịch sử
Du khách đến Côn Đảo ngoài nhu cầu nghỉ ngơi thư giãn, còn muốn tìm về những giá trị nhân văn của một vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Nhiều người còn đưa con, cháu nhỏ theo cùng để chúng hiểu hơn về những hy sinh của thế hệ cha, ông trong hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Bà Phạm Thị Tám, Trưởng ban Quản lý di tích Côn Đảo cho biết: “Trong 114 năm tồn tại của nhà tù Côn Đảo, nơi từng được mệnh danh là “Địa ngục trần gian”, có khoảng 20.000 người Việt Nam yêu nước thuộc nhiều thế hệ bị thực dân, đế quốc giam cầm, đọa đày và hy sinh trên mảnh đất này. Tại nghĩa trang Hàng Dương hiện có 1.922 ngôi mộ của các anh hùng, liệt sĩ, đồng bào yêu nước”.
Trong làn gió đêm se lạnh của Côn Đảo, nghĩa trang Hàng Dương luôn sáng rực ánh đèn. Rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đã đến thắp hương và viếng nghĩa trang Hàng Dương vào buổi đêm. Mộ nữ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu, hằng năm vào các dịp lễ, tết có hàng ngàn du khách mọi miền đất nước đến viếng thăm, tưởng niệm. Tại mộ chị Sáu, khói hương lúc nào cũng nghi ngút. Người dân Côn Đảo và du khách luôn thành kính trước ngôi mộ linh thiêng và họ tôn vinh nữ anh hùng liệt sĩ như “vị thánh” trên vùng đất này.
Các khu di tích lịch sử nhà tù Côn Đảo như Trại tù Phú Hải, chuồng cọp Pháp, chuồng cọp Mỹ, Bãi sọ người..., trước đây, thực dân Pháp đã giam cầm và dùng đủ các đòn tra tấn vô cùng tàn bạo hòng dập tắt ý chí của các chiến sĩ cách mạng trong đấu tranh vì độc lập, tự do và giải phóng dân tộc. Khu biệt lập chuồng bò do thực dân Pháp xây dựng năm 1876, được Mỹ mở rộng vào năm 1963. Cao điểm nhất vào năm 1942, nhà tù Côn Đảo đã giam cầm, đày ải trên 4.400 chiến sĩ cách mạng, đảng viên, sĩ phu yêu nước. Nhiều phòng giam thiết kế để giam cầm 40-50 tù nhân, nhưng chúng lại giam cả trăm người, có những người tù đã bị chết vì thiếu không khí. Người tù ở Côn Đảo không chỉ bị bỏ đói còn bị xiềng chân, tra tấn dã man và lao dịch khổ sai như đập đá, làm đường, xây cầu tàu, đốn gỗ, xay lúa, lấy san hô nung vôi... Lao động vất vả, nhưng chế độ ăn uống vô cùng kham khổ, thậm chí chúng trộn lẫn cơm cùng với cát, sạn, thóc, mảnh sành.
Trong không khí xúc động và linh thiêng cùng đông đảo người dân và du khách gần xa đến các khu di tích lịch sử nhà tù Côn Đảo, bà Phạm Thị Tám nói: “44 năm sau ngày đất nước hoàn toàn được giải phóng, Côn Đảo thoát khỏi cảnh “địa ngục trần gian”, những ký ức hào hùng của Côn Đảo vẫn trường tồn cùng năm tháng, làm rung động con tim của hàng triệu con người Việt Nam. Những tấm gương kiên trung, sự hy sinh cao cả của bao thế cha anh trên mảnh đất thiêng liêng này sẽ mãi là ngọn đuốc sáng soi đường đi tới đỉnh vinh quang của dân tộc”.
Vùng đất giàu tiềm năng du lịch
Ngoài giá trị lịch sử, Côn Đảo còn thu hút du khách bởi những bãi biển tuyệt đẹp và quần thể sinh vật biển phong phú, đặc biệt là các rạn san hô. Đây còn là điểm đến lý tưởng để tận hưởng một cuộc sống yên bình cho những ai đang cảm thấy ngột ngạt với nhịp sống hối hả của thành thị.
Côn Đảo là một sự lựa chọn lý tưởng cho những người thích khám phá và hòa mình vào cuộc sống của người dân địa phương. Cảnh quan ở đây rất đặc biệt, một bên là biển xanh rì và bên còn lại là các công trình kiến trúc từ thời Pháp thuộc mang đậm dấu ấn phương Tây. Côn Đảo rất ít xe cộ lưu thông, du khách có thể đi bộ để trải nghiệm sự chậm rãi, yên bình nơi này. Những bãi biển ở đây được xem như thiên đường du lịch. Đầm Trâu là bãi tắm được nhiều du khách yêu thích nhất trên Côn Đảo, bởi sự yên bình, cảnh đẹp và hoang sơ vốn có. Sau khi ngắm nhìn trọn vẹn vẻ đẹp của bãi biển và đắm mình vào làn nước trong xanh, du khách có thể thưởng thức hải sản rất tươi ngon, đặc biệt là cua biển...
Năm 2019, Côn Đảo tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Khu di tích Quốc gia đặc biệt Côn Đảo (29/4/1979 - 29/4/2019). Theo kế hoạch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ chủ trì phối hợp với Côn Đảo tổ chức một số hoạt động: Triển lãm ảnh “40 năm thành lập Khu di tích Quốc gia đặc biệt Côn Đảo”; tổ chức viếng nghĩa trang Hàng Dương, đền thờ Côn Đảo; tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Khu di tích Quốc gia đặc biệt Côn Đảo và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước trao tặng cho Ban Quản lý di tích Côn Đảo.
Thực hiện Nghị quyết số 05 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Côn Đảo về phát triển du lịch giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030, đến nay, du lịch Côn Đảo đã có bước phát triển khá toàn diện.
Hiện, Côn Đảo có 27 tuyến, 46 điểm tham quan du lịch. Việc phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn của Côn Đảo được quan tâm và thực hiện tốt với một số sản phẩm tiêu biểu: Du lịch tâm linh; tham quan rùa đẻ trứng, thả rùa con về với đại dương; bơi lội lặn ngắm san hô...
Theo ông Lê Văn Phong, Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo: Từ cuối năm 2017 đến nay, Côn Đảo đã có gần 20 dự án về du lịch, dịch vụ xin chủ trương đầu tư tại Côn Đảo, trong đó hiện có 6 dự án đang được triển khai xây dựng. Côn Đảo đã có 62 cơ sở lưu trú, với công suất hơn 1.000 phòng, sức chứa trên 2.600 người/ngày. Bên cạnh đó, chất lượng phục vụ du lịch cũng được chú trọng.
“Lượng khách du lịch đến Côn Đảo từ năm 2014 đến 2017 tăng bình quân 35%/năm, trong đó, khách quốc tế tăng bình quân 14%; doanh thu du lịch tăng bình quân 48%/năm. Năm 2018, Côn Đảo đón 286.171 lượt khách, tăng 17,3% so với cùng kỳ, trong đó, khách quốc tế đạt 32.016 lượt. Năm 2019 ước tính lượng khách du lịch đến Côn Đảo 300.000 lượt khách, trong đó, khách quốc tế 33.000 lượt” - Ông Phong nói.
Phương Nghi