Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 01/10/2023 08:38 GMT+7

Con chữ đong đầy tình yêu biên cương Tổ quốc

Biên phòng - Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, người làm báo ngày nay đã có thể huy động tối đa phương tiện điện tử để thu nhận thông tin phục vụ tác nghiệp. Trong bối cảnh đó, những người làm Báo Biên phòng – nhà báo, chiến sĩ không chỉ phải giương “ăng-ten” lên thường trực mọi nguồn thông tin, chúng tôi còn có nhiệm vụ của những nhà báo quân hàm xanh, có mặt ở mọi miền biên giới – hải đảo, chia sẻ với cán bộ, chiến sĩ, song hành với đời sống đồng bào các dân tộc, các tổ chức quần chúng địa phương, giao lưu với lực lượng bảo vệ biên giới và người dân nước láng giềng, đóng góp vào xây dựng đời sống văn hóa của quân và dân nơi biên giới.

4hz7_9
Đại úy Trúc Hà - phóng viên Báo Biên phòng và bà con biên giới. Ảnh: TTH 

Nhiều độc giả thường xuyên đọc Báo Biên phòng chân thành nhận định: “Trong số nhiều tờ báo chính thống đã và đang kiên định với tôn chỉ mục đích của mình, Báo Biên phòng thường xuyên có những bài viết đầy mùi sóng gió biển cả, mùi sương mù biên ải, còn thấm đẫm cả mùi mồ hôi, mùi bụi đường đặc trưng của những người chịu khó đi và viết”.

Nhà báo, Đại úy Trúc Hà, phóng viên Báo Biên phòng với độ chục năm công tác nhưng là người đã đặt chân đến hơn 300 đồn Biên phòng trên cả nước. Trong mỗi chuyến đi, chị đặt mục tiêu cao nhất là chia sẻ với cán bộ, chiến sĩ những khó khăn gian khổ mà những người lính đóng quân xa nhà phải chịu đựng. Làm sao để thấu hiểu những tâm tư tình cảm, nguyện vọng của người lính để những bài viết sau chuyến đi có thể nói lên tiếng nói của chính những người trong cuộc. Không ai cảm thông với đồng bào nhân dân biên giới và hải đảo hơn những người lính Biên phòng. Người làm báo Biên phòng cũng vậy. Không ai đong đếm được họ đã đặt chân đến bao nhiêu miền biên giới xa xôi hẻo lánh, nơi chỉ có gió núi mây ngàn và sóng dữ. Miễn là mảnh đất mang hồn quê hương xứ sở, in dấu chân người lính và nỗi gian khó của đồng bào mình thì không nề hà gì đường xa vạn dặm.  

Đại úy Trúc Hà chia sẻ, chị rất thích thú với những đêm văn nghệ quần chúng ở các xã biên giới. Chị cũng thường đến công tác tại đồn Biên phòng vào những dịp có ngày lễ, ngày kỷ niệm đặc biệt. Buổi tối, BĐBP có tổ chức đêm văn nghệ lồng ghép với hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chị không ngần ngại ghi danh để được hát cho đồng bào biên giới nghe. Thậm chí, đội hình tốp ca thiếu người, chị đứng vào bổ sung luôn, không những hát còn truyền cảm hứng, tạo không khí phấn khởi vui vẻ cho đêm diễn. Cuối buổi biểu diễn, các cụ già, em bé ở biên giới nói rằng, lần đầu tiên nhìn thấy cô bộ đội chứ trước nay chỉ thấy chú bộ đội thôi, nên chị nán lại trò chuyện với bà con. Những câu chuyện ở biên giới xúc động và đầy chất liệu đời sống xuất hiện trên báo cũng ra đời từ đó. Giá trị hơn nữa là mãi sau này, bà con ở biên giới vẫn nhớ và còn hỏi thăm cán bộ ở đồn Biên phòng: Lâu lâu không thấy cô bộ đội đến công tác. 

Đại úy Nguyễn Bích vốn có sức vóc bé nhỏ, nhưng bù lại, chị là một nhà báo nữ nghị lực và có tinh thần ý chí bền bỉ, dẻo dai. Những chuyến công tác vào lúc mùa đông rét mướt ở vùng núi phía Bắc, chị mặc áo bông theo chân các cán bộ, chiến sĩ đi tuần tra, lên dốc xuống đèo, tới các cột mốc đặc biệt. Chỉ cần được đứng vào hàng ngũ, chào cột mốc đúng điều lệnh, giữa miền biên cương của Tổ quốc cùng với đồng đội mình là chị cảm thấy có động lực để lên đường. Trong một chuyến đi lên A Pa Chải, chị đã cùng với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Pa Chải, BĐBP Điện Biên vượt qua cánh rừng hiểm trở tuần tra tới cột mốc không số ngã ba biên giới trên đỉnh núi, sau đó trở về đồn đúng giờ quy định. Thời gian và hành trình đúng theo kế hoạch tuần tra mà chỉ có những sĩ quan dồi dào sức khỏe, thông thạo đường rừng mới làm được.

Rồi chính phóng viên Nguyễn Bích cũng là người tâm tình thủ thỉ, chia sẻ với từng cán bộ, chiến sĩ những nguyện vọng, những khó khăn trong cuộc sống. Những người lính như được thông hiểu, chia sớt, sẵn sàng nói với chị những điều khó nói nhất về đời sống gia đình hậu phương, những mối lo lắng thường nhật. Sau đó, Nguyễn Bích là phóng viên viết loạt bài về những người lính hiếm muộn con được Bộ Tư lệnh BĐBP tạo điều kiện để sinh con thành công hơn cả. Chính vì chị ngoài vai trò là một phóng viên, chị còn có tấm lòng của một người mẹ, người chị, người em gái, là bạn đồng hành của những người lính Biên phòng. 

Còn Thượng úy Nguyễn Viết Lam, người con của núi Hồng, sông Lam xứ Nghệ lại dành tình cảm đặc biệt cho đồng bào biên giới miền Tây Nghệ An. Anh là cầu nối để nhiều con người có tâm huyết với biên giới đến gần với bà con, cùng nhau lập kế sinh nhai, đầu tư cho giáo dục, cho văn hóa-thể thao vùng biên giới. Lo lắng cho những con em đồng bào biên giới như chăm sóc con em mình, Thượng úy Nguyễn Viết Lam chia sẻ, anh chỉ sợ không có sức lo toan, chỉ mong được khuyến khích nhiều em nhỏ miền núi chăm học, chăm làm, thành đạt đặng về xây dựng quê hương. Nhiều lần trong hành trang đi công tác, anh mang theo chăn ấm cho người già, quần áo cho em nhỏ, mang cả bóng chuyền để tặng anh em ở đồn Biên phòng để tăng giờ thể thao, bớt giờ uống rượu, góp phần để nếp sống anh em cán bộ, chiến sĩ BĐBP cũng như đồng bào biên giới lành mạnh, vui tươi hơn. 

Còn đó đội ngũ những người làm báo có tấm lòng thơm thảo, viết ra những con chữ ấm nồng tình cảm, đầy chất đời sống và sẻ chia. 

Trương Thúy Hằng

Bình luận

ZALO