Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:25 GMT+7

Còn ai đến “vùng khó”?

Biên phòng - Hơn 400 xã, hơn 2.300 thôn, bản đã được đưa ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK) do các đơn vị này đã đạt chuẩn nông thôn mới. Nhưng trên thực tế, những hạn chế về giao thông, điều kiện sống khó khăn nơi đây còn hiện hữu. Trong khi đó, các chính sách đãi ngộ dành cho cán bộ đến làm việc tại vùng khó bị cắt giảm sẽ khó thu hút và xây dựng được nguồn nhân lực chất lượng đến “vùng khó”.

Việc cắt giảm hết các chính sách đãi ngộ sẽ rất khó thu hút nguồn nhân lực đến với vùng khó. Trong ảnh: Nhà công vụ của giáo viên điểm trường Tiểu học Phiêng Chầu 2, xã Đình Phùng, huyện Bảo Lạc, Cao Bằng (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19). Ảnh: Minh Anh

Ra khỏi diện ĐBKK đã thực sự hết khó?

Lâu nay, để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, vùng ĐBKK, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách thu hút nguồn nhân lực từ nơi khác đến. Họ là ai? Đó là, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang như: cán bộ, công chức xã; cán bộ, giáo viên, nhân viên trong ngành giáo dục và y tế; bộ đội, công an...

Để thu hút những đối tượng thuộc diện đến công tác, làm việc tại vùng ĐBKK này, Chính phủ đã ban hành Nghị định 76/2019/NĐ-CP, ngày 8-10-2019 về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội ĐBKK với những đãi ngộ để động viên, hỗ trợ hưởng phụ cấp thu hút, phụ cấp công tác lâu năm, trợ cấp lần đầu, trợ cấp tiền mua và vận chuyển nước sạch, thanh toán tiền tàu xe... Đó là chính sách nhân văn, hợp tình, hợp lí; “gỡ khó” một phần nào tâm lý băn khoăn, lo lắng; động viên, khích lệ các đối tượng nằm trong diện “phải” về vùng ĐBKK công tác, làm việc.

Tuy nhiên, khi Chính phủ ban hành các Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg ngày 12-11-2020 về tiêu chí phân định vùng đồng bào DTTS và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, phân chia các vùng theo từng khu vực. Khi các xã ra khỏi diện ĐBKK, người dân và cán bộ công chức, viên chức ở các xã khu vực I, II cũng sẽ bị cắt giảm các chế độ chính sách hỗ trợ, thu hút...

Điều này đồng nghĩa những đãi ngộ, hỗ trợ dành cho người công tác, làm việc ở vùng khó không còn được thụ hưởng như trước. Theo báo cáo rà soát của các địa phương, chi cho các chính sách quy định tại Nghị định 76/2019/NĐ-CP bình quân 1,5 tỷ đồng/năm. Như vậy, có 406 xã sẽ không còn thụ hưởng chính sách nêu trên với tổng số kinh phí là 610 tỷ đồng/năm. Trong khi, trên thực tế, dù đạt chuẩn nông thôn mới nhưng địa bàn các xã từng là khu vực III vẫn cách trở trung tâm huyện hàng chục km, các điều kiện phục vụ cho cuộc sống hằng ngày của người dân vẫn còn hiện hữu những hạn chế, bất cập.

Nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực

Mặc dù chính sách thu hút hỗ trợ không phải là yếu tố chính để đội ngũ trí thức đến công tác và làm việc ở vùng DTTS và miền núi. Nhưng đó là động lực không nhỏ để họ yên tâm công tác ở khu vực vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, nhìn từ thực tế của các địa phương, khi chính sách thu hút bị cắt giảm sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của đội ngũ trí thức, công tác thu hút nguồn nhân lực đến với vùng DTTS và miền núi sẽ gặp phải không ít khó khăn, thách thức. Sẽ có những câu hỏi được đặt ra, khi còn ai dám đến “vùng khó” để công tác, làm việc.

Dẫn chứng từ xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Cuối năm 2020, xã Sín Thầu vừa đạt chuẩn nông thôn mới, theo Quyết định 861, địa phương này sẽ ra khỏi danh sách xã ĐBKK, đương nhiên, các chế độ ưu đãi, hỗ trợ dành cho người đến công tác, làm việc nơi đây bị cắt giảm. Ông Giàng Chinh Phạ, Chủ tịch UBND xã Sín Thầu cho biết: “Khi xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, ra khỏi diện ĐBKK, các chế độ, chính sách dành cho cán bộ, công chức, viên chức đến làm việc bị cắt, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng, cuộc sống của chính họ”.

Hay như đối với các thầy cô giáo Trường Tiểu học xã Cao Minh, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn cũng bị cắt giảm các chế độ thu hút theo Quyết định 861 do địa phương này vừa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020. Cô giáo Bế Thị Thủy, Trường Tiểu học xã Cao Minh chia sẻ: “Dù là xã nông thôn mới, nhưng Cao Minh vẫn rất khó khăn, cơ sở vật chất phục vụ dạy học cũng như bảo đảm cuộc sống cho người dân còn thiếu nhiều. Các chế độ hỗ trợ, động viên bị cắt đã ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của các giáo viên từ vùng khác chuyển về”.

Có thể dễ dàng nhận thấy, việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về công tác tại vùng đồng bào DTTS và miền núi là một trong những giải pháp căn cơ, hiệu quả để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội kéo gần khoảng cách giữa các vùng miền. Nhưng hiện nay, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở vùng DTTS và miền núi vẫn còn rất hạn chế. Nếu không giải quyết được tận gốc vấn đề, không khuyến khích được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ vùng khác đến công tác, làm việc ở vùng vừa thoát khó, thì nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ là điều dễ hiểu, dễ thấy.

Nên chăng, cũng cần phải xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi hợp lý, thậm chí là quy định riêng dành cho cán bộ, công chức, viên chức đến công tác, làm việc ở vùng miền núi, DTTS - nơi vừa được đưa ra khỏi vùng ĐBKK. Và, điều căn bản nhất, cần phải có đủ thời gian để những địa bàn vừa ra khỏi vùng ĐBKK phát triển bền vững, ổn định, “tự sống” bằng chính nội lực. Thậm chí, cũng cần phải tính đến những chủ trương, chính sách thay thế khác hợp lí hơn, thay vì cứ ra khỏi vùng ĐBKK là cắt giảm chế độ, ưu đãi như hiện nay.

Minh Anh

Bình luận

ZALO