Biên phòng - Khi xem các chương trình nghệ thuật, các vở diễn sân khấu hoặc phim điện ảnh, phim truyền hình…, không ít khán giả đã có suy nghĩ, cuộc sống của giới nghệ sĩ, diễn viên chắc hẳn phải khá giả, sung túc lắm, nhưng điều đó chỉ đúng một phần. Ít ai biết rằng, phía sau ánh đèn sân khấu lộng lẫy, phía sau những trường quay sang trọng là những giọt mồ hôi khó nhọc với gánh nặng cơm áo gạo tiền của biết bao nghệ sĩ, diễn viên khi “trót mang lấy nghiệp vào thân”.

Áp lực cuộc sống mưu sinh
Nguyễn Thị Lộc Huyền là một ngôi sao trẻ của Nhà hát Tuồng Việt Nam. Chị đã tham gia nhiều vai diễn trong các vở tuồng cổ, trong đó có vở tuồng “Đề Thám” - kể về vị anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX. Trong “làng tuồng”, Lộc Huyền được đánh giá là một gương mặt trẻ sáng giá, có nhiều triển vọng phát triển. Tuy vậy, chị cũng thừa nhận, bản thân mình đã rất dũng cảm khi quyết định lựa chọn bộ môn nghệ thuật này để theo đuổi, bởi hiện nay, không mấy khán giả còn thích xem tuồng.
Trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19, rạp hát Hồng Hà là nhà hát tuồng duy nhất ở Hà Nội vẫn đỏ đèn vào các ngày cuối tuần, tuy nhiên, khán giả đến xem cũng chỉ lưa thưa vài cụ già và một vài khách ngoại quốc. Không bán được vé cho chính khán giả trong nước khiến cuộc sống của anh chị em diễn viên Nhà hát Tuồng Việt Nam ngày càng lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Để theo đuổi đam mê, Lộc Huyền cũng như nhiều diễn viên khác đã phải đi biểu diễn nhạc trữ tình, hát quan họ hoặc làm thêm nhiều việc khác nhau để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống.
Còn nam diễn viên Danh Thái được khán giả truyền hình biết đến qua series phim "Cảnh sát hình sự", chiếu trên kênh VTV3, Đài Truyền hình Việt Nam, năm 2015. Ngoài diễn viên điện ảnh, anh còn là nghệ sĩ của Nhà hát Tuồng Việt Nam. So với các bạn diễn, diễn viên Danh Thái hoạt động nghệ thuật rất chăm chỉ, anh chạy đôn, chạy đáo làm “chân trong, chân ngoài” với nhiều nghề khác nhau, nhưng cuộc sống vẫn chật vật. Khi mới kết hôn, anh mua được một căn hộ rộng 35 mét vuông trong dãy nhà tập thể của Nhà hát Tuồng Việt Nam. Danh Thái bộc bạch: "Tôi mua nhà mà chẳng có đồng nào trong tay. Ngoài số tiền vay ngân hàng, tôi phải nhờ anh em, bạn bè giúp đỡ. Nhà có 4 người chui ra, chui vào, tuy hơi chật chội nhưng có chỗ để trú mưa nắng là tốt rồi”.
Đồng cảnh khó khăn, nghệ sĩ Đình Thành, Nhà hát Múa rối Việt Nam chia sẻ: Tổng thu nhập hằng tháng từ lương và tiền bồi dưỡng không đủ để anh chị em nghệ sĩ trang trải chi phí sinh hoạt trong gia đình và học hành của các con. Các tiết mục biểu diễn hiện đều co lại, tiền bồi dưỡng cho nghệ sĩ chỉ khoảng trên 100.000 đồng/buổi. Thế nên anh em nào không bươn chải bên ngoài thì không thể sống được với nghề. Nhiều năm nay, anh em trong giới nghệ thuật truyền thống không lạ khi thấy cảnh các nam diễn viên Nhà hát Tuồng Việt Nam rủ nhau đi làm... xe ôm. Làm nghề xe ôm thu nhập cao gấp 3-4 lần so với nghề diễn nên “chân phụ” này đã giúp các diễn viên có thêm chi phí để bám trụ với nghệ thuật.
Loay hoay tìm lối thoát
Trong thập niên vừa qua, các loại hình ca nhạc giải trí hiện đại đã thâm nhập mạnh mẽ vào đời sống tinh thần của người dân Việt Nam, vì vậy, hát tuồng cũng như nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian khác ngày càng bị khán giả quay lưng, đặc biệt là các bạn trẻ. Thay vì đi đến một nhà hát tuồng, cải lương, kịch nói..., nhiều người chỉ ở nhà và xem nhạc pop, hát karaoke, lướt internet hay chơi game, cùng với hàng trăm phim điện ảnh và chương trình truyền hình hấp dẫn khác.
Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Khiêm, nguyên Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam cho biết, các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam hầu như không ai có thể sống được chỉ bằng nghiệp diễn của mình. Nhiều nhà biên kịch và diễn viên tuồng phải từ bỏ đoàn kịch của họ vì tiền lương quá ít ỏi. Nhiều nghệ sĩ phải chuyển sang làm những nghề khác vì kế sinh nhai. Trong nhiều năm qua, việc tuyển chọn diễn viên trẻ của Nhà hát Tuồng Việt Nam cũng gặp khó khăn, vì không mấy bạn trẻ đăng ký học chọn bộ môn nghệ thuật vừa khó, vừa khổ này.

Chia sẻ về thực tế này, nhạc sĩ Thao Giang, Giám đốc Trung tâm Phát triển âm nhạc Việt Nam chua chát nói: “Tôi xin dẫn chứng ví dụ mới nhất là trường hợp bà Hà Thị Cầu, người được mệnh danh là nghệ nhân hát xẩm cuối cùng của thế kỷ XX. Bà Cầu mất trong nghèo khổ, trong những lời tiếc thương và tung hô chẳng để làm gì. Đấy, chúng ta cứ hô hào là phải bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống, nhưng những nghệ nhân nổi tiếng còn phải sống lay lắt, thì thử hỏi nghệ sĩ trẻ không quay lưng sao được?”.
Để tìm giải pháp bảo tồn các loại hình nghệ thuật truyền thống, đồng thời, tạo cơ hội về sân diễn cho các nghệ sĩ, diễn viên có thêm thu nhập, từ năm 2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có kế hoạch tổ chức các chương trình nghệ thuật chất lượng cao tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Những đợt biểu diễn này, các đơn vị nghệ thuật đã phối hợp với Ban Quản lý Nhà hát Lớn tổ chức khâu marketing, phát hành vé và cũng gặt hái được những kết quả khả quan.
Riêng Nhà hát Chèo Hà Nội có sáng kiến mở thêm chuỗi chương trình mới mang tên “Hà Nội đêm thứ Bảy”, diễn ra đều đặn vào tối thứ Bảy tại rạp Đại Nam (89 Phố Huế, Hai Bà Trưng, Hà Nội). Chương trình mang ý nghĩa để làm dày thêm suất diễn của diễn viên và từng bước kéo khán giả trở lại với Nhà hát Chèo.
“Niềm vui ngắn chẳng tày gang”, hơn 2 năm qua, dịch Covid-19 ập đến làm cho đời sống của các nghệ sĩ vốn đã khốn khó lại càng khó khăn hơn. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã định hướng, chỉ đạo xây dựng nhiều chương trình nghệ thuật online trên nền tảng mạng xã hội quen thuộc như Facebook, Youtube... Những chương trình này đã đưa các loại hình nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương, múa rối... đến gần hơn với khán giả trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, số lượng người truy cập tại các Fanpage của nhà hát khi xem các chương trình nghệ thuật đặc sắc, đầy công phu và tâm huyết của người nghệ sĩ chưa thực sự nhiều.
Hiện nay, khi dịch bệnh đã tạm thời lắng xuống, nhiều sân khấu, nhà hát bắt đầu sáng đèn trở lại. Nhiều vở diễn mới với sự sáng tạo, kết hợp ảo diệu, tinh tế giữa các loại hình nghệ thuật truyền thống đang bắt đầu được công diễn để kéo khán giả trở lại. Tuy nhiên, trong thời đại cạnh tranh khốc liệt, “cơm không đùa với khách thơ” và cơm áo cũng chẳng đùa với các nghệ sĩ, để “sống chết” với nghệ thuật, bài toán tạo nguồn thu vẫn luôn là nỗi trăn trở của những người nghệ sĩ tâm huyết với nghề.
Ngọc Ánh