Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 04/06/2023 10:37 GMT+7

Cổ vật gốm sứ trong lòng biển Cù Lao Chàm

Biên phòng - Một ngày mùa Thu khoảng giữa thế kỷ thứ XV, một con tàu buôn của Thái Lan rời bến cảng Vân Đồn với một khối lượng đồ gốm đồ sộ (khoảng 40 vạn vật phẩm) của lò gốm Chu Đậu (nay là thôn Chu Đậu, xã Thái Tân, huyện Nam Thanh, tỉnh Hải Dương) - một trung tâm sản xuất gốm sứ lớn nhất Việt Nam qua nhiều giai đoạn lịch sử, đặc biệt là thời Lê sơ.

Trên công trường khai quật gốm sứ cổ Chu Đậu năm 1997. Ảnh: Tư liệu

Chẳng bao lâu sau đó, trên đường chở gốm sứ về Thái Lan, khi đi ngang qua vùng biển Cù Lao Chàm (thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam), con tàu này đã không may gặp sóng to, gió lớn và bị đắm xuống đáy đại dương ở độ sâu khoảng 70m...

Tưởng chừng như con tàu này đã đi vào quên lãng, nếu như không có một sự may mắn và tình cờ khi những ngư dân vùng biển Cù Lao Chàm dùng lưới quét để đánh bắt hải sản đã quét được một số đồ gốm bám hàu. Đa số những đồ gốm sứ này được các ngư dân bán cho những cửa hàng đồ lưu niệm ở khu phố cổ Hội An... Trước sự xuất hiện ngày càng nhiều của những loại gốm sứ này, các nhà chuyên môn và những ban ngành có liên quan đã vào cuộc. Được sự đồng ý của Chính phủ, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã giao cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phối hợp với các chuyên gia của Viện Khảo cổ học đảm nhiệm. Việc khai quật dưới nước được các chuyên gia hàng đầu của Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ học dưới nước của Đại học Oxford (Anh) vốn là cơ quan chuyên môn hàng đầu về lĩnh vực này trên thế giới đảm nhiệm.

Về phương tiện, kỹ thuật và nhân sự, Xí nghiệp liên hợp trục vớt cứu hộ Việt Nam (Visal) trực thuộc Cục Hàng hải Việt Nam và Công ty Saga (Malaysia) đảm nhiệm. Những phương tiện, máy móc, trang thiết bị được sử dụng trong việc khai quật đều rất hiện đại, tiện lợi và đầy đủ, đáp ứng được mọi yêu cầu của cuộc khai quật khảo cổ học dưới nước có tầm cỡ quốc tế với sự tham gia của đội ngũ hùng hậu gồm các nhà khoa học, khảo cổ học, thợ lặn... đến từ hơn 10 quốc gia.

Sau 3 năm chuẩn bị thủ tục (1994-1996), 3 năm tiến hành thăm dò và khai quật (1997-1999) với 6 đợt đã thu được 244.500 hiện vật, bao gồm đồ gốm men, đồ sành, đồ kim loại, đồ gỗ, đồ đá và di cốt người... Đặc biệt, ngoài 244.500 hiện vật còn nguyên vẹn thì đợt khai quật này cũng đã trục vớt được hàng triệu mảnh vỡ chuyển về cất giữ tại kho của Bảo tàng Quảng Nam. Trong đống mảnh vỡ này, cán bộ Bảo tàng tỉnh Quảng Nam đã mất hàng năm trời phân loại, lựa chọn và phục chế được thêm hàng trăm cổ vật với rất nhiều loại hình như đĩa các loại, bình tỳ bà, ấm, chén, bát, lọ các loại...

Đây là lần đầu tiên trên thế giới, các nhà khảo cổ học đã tổ chức khai quật khảo cổ học dưới nước ở độ sâu 70m. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn và qua phương pháp phóng xạ đồng vị C14 thì số đồ gốm sứ trên con tàu đắm này có niên đại khoảng giữa thế kỷ XV. Và trong giai đoạn lịch sử này thì nước ta có tên là Đại Việt và dưới thời trị vì của Triều Lê Sơ (1428-1527).

Sau khi đợt khai quật quy mô này kết thúc thì tình trạng khai thác, trục vớt cổ vật trái phép từ con tàu đắm cổ tại vùng biển Cù Lao Chàm lại rộ lên. Rất nhiều tàu đánh cá của ngư dân trong và ngoài tỉnh liên tục dùng lưới quét cày nát đáy biển nơi phát hiện con tàu đắm. Hàng chục, thậm chí hàng trăm thợ lặn ngày đêm lặn ngụp tại vùng biển này để lặn tìm đồ cổ trái phép...

Số hiện vật ngư dân cào và lặn được khá nhiều và đem bán ra thị trường cổ vật trôi nổi bên ngoài. Đường dây mua bán cổ vật bất hợp pháp do ngư dân khai thác được hình thành làm cho cổ vật bị thất thoát khá nhiều. BĐBP và Công an Quảng Nam đã từng bắt quả tang nhiều vụ lặn vớt cổ vật trái phép và phát hiện nhiều vụ mua bán, tích trữ đồ cổ do ngư dân vớt lên từ lòng biển với số lượng lớn, đến hàng nghìn hiện vật. Trước tình hình đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo Sở Văn hóa - Thông tin, Bộ Chỉ huy BĐBP và Công an tỉnh Quảng Nam tổ chức nhiều đợt tuần tra, phát hiện và ngăn chặn nạn lặn biển tìm cổ vật bất hợp pháp tại vùng biển ngoài khơi Cù Lao Chàm.

Năm 2005, được sự đồng ý của Bộ Văn hóa - Thông tin và UBND tỉnh Quảng Nam, Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Quảng Nam phối hợp với Công ty TNHH trục vớt, cứu hộ Đoàn Ánh Dương (Công ty Đoàn Ánh Dương) quay trở lại hiện trường con tàu đắm đã từng khai quật trước đây để khảo sát, thăm dò và tiến hành “khai quật vét” tìm kiếm những cổ vật còn sót lại dưới đáy đại dương.

Trong 3 đợt khai quật, Công ty Đoàn Ánh Dương đã huy động 20 thợ lặn và tiến hành 591 giờ lặn. Mặc dù khó khăn về phương tiện, thời tiết, sóng gió, thủy triều vùng biển Cù Lao Chàm luôn gây bất lợi nhưng đã thu về một kết quả thật đáng ngạc nhiên. Đến cuối năm 2007, các thợ lặn đã trục vớt được 15.934 cổ vật có xuất xứ từ gốm Chu Đậu (Hải Dương), một số ít gốm Thăng Long có niên đại thế kỷ XV- XVI. Việc khai quật và nghiên cứu con tàu đắm Cù Lao Chàm đã góp một bằng chứng vô cùng sinh động vào việc nghiên cứu giao thương quốc tế trên vùng biển Việt Nam trong lịch sử.

Một số loại hình gốm sứ cổ Chu Đậu được tìm thấy tại vùng biển Cù Lao Chàm. Ảnh: Lâm Đăng Khoa

Gốm sứ Chu Đậu cổ trục vớt tại vùng biển Cù Lao Chàm rất đa dạng về loại hình từ những chiếc đĩa đại, đĩa lớn, đĩa trung, đĩa nhỏ, bình tỳ bà, kendy, ấm, bát, chén đến những chiếc âu, bình, liễn, hủ, lọ, hộp, nậm, cốc, bát bồng, chân đèn, tượng người, tượng thú, đồ minh khí... gồm nhiều loại men như men lam, men nâu, men tam thái, men ngũ thái...

Những họa tiết, hoa văn trang trí trên gốm cực kỳ phong phú về đề tài, đa dạng về phong cách thể hiện. Thông qua những hoạ tiết, hoa văn trang trí này, có thể cảm nhận được một phần nào những hình ảnh về thiên nhiên, đất nước và con người Đại Việt thế kỷ XV tươi đẹp, phồn thịnh, thanh bình với những con người lạc quan, tao nhã, hăng say học tập, lao động xây dựng quê hương, đất nước với những đạo lý, truyền thống văn hóa mang đậm cốt cách, tâm hồn Việt...

Lâm Đăng Khoa

Bình luận

ZALO