Biên phòng - Đây là đợt thiên tai rất nguy hiểm bởi kết hợp với áp thấp trên Biển Đông có khả năng hình thành áp thấp nhiệt đới. Mưa lũ sẽ xảy ra trong phạm vi rất rộng và kéo dài trong nhiều ngày. Các địa phương cần chuẩn bị tinh thần sống chung với lũ trong thời gian dài.

Nhận định này được Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đưa ra tại cuộc họp ứng phó với vùng áp thấp trên Biển Đông do ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Phó Trưởng Ban, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai chủ trì, diễn ra sáng 6-10 tại Hà Nội.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, 4 giờ sáng ngày 6-10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 13,0-14,0 độ Vĩ Bắc, 114,2-115,2 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 300km về phía Bắc. Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10km và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 1 giờ ngày 7-10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 13,5 độ Vĩ Bắc, 112,2 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa khoảng 330km về phía Đông. Vùng nguy hiểm do áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,0 đến 16,0 độ Vĩ Bắc; từ 110,5 đến 116,0 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.
Điều đáng lưu tâm là sẽ có đợt mưa lũ lớn tại các tỉnh Trung Bộ và kéo dài. Dự báo, từ ngày 6 đến 11-10, ở các tỉnh Trung Bộ có khả năng mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 300-500mm/đợt, riêng các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 500-700mm/đợt. Sau ngày 11-10, mưa lớn ở các tỉnh Trung Bộ có diễn biến phức tạp và có khả năng kéo dài. Vùng miền núi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ cảnh báo lốc, sét, gió giật mạnh.
Ông Trần Quang Hoài nhấn mạnh: “Dự báo có thể xảy ra mưa lớn từ Hà Tĩnh đến Bình Định. Có vùng, tổng lượng mưa có thể lên tới 1.500mm. Đây là tình huống rất nguy hiểm và cấp độ rủi ro lớn”.

Ông Hoài đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần chủ động phương án ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ lớn, đảm bảo an toàn cho người dân và cơ sở hạ tầng. Đối với khu vực ven biển, chú ý triển khai sớm các giải pháp đảm bảo an toàn cho nuôi trồng thủy sản.
"Trên khu vực đất liền cần kiểm tra ngay hệ thống đê biển vì chúng ta không chỉ chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, đê cửa sông nhất là những tuyến đê yếu tại Nghệ An, kể cả những đê đang sửa chữa” - ông Hoài nói.
Nhận định, khu vực dân cư, các cơ sở hạ tầng sẽ chịu ảnh hưởng tương tác cả 2 yếu tố: Gió do áp ấp nhiệt đới và mưa lũ, ông Hoài đề nghị các địa phương rà soát ngay cơ sở hạ tầng, dân cư khu vực vùng thấp, trung, có phương án sơ tán đảm bảo an toàn cho người dân trong thời gian dài ngày, hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây. Đồng thời có phương án đảm bảo cho sản xuất. Sẵn sàng vận hành hệ thống công trình thủy lợi để đảm bảo an toàn và bảo vệ cho sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, cần rà soát, kiểm tra, đánh giá được mức độ chịu ngập của các trang trại chăn nuôi để có phương án ứng phó, di chuyển gia súc, chuẩn bị thức ăn trong tình huống mưa lũ dài ngày. Tổ chức thu hoạch ngay những khu vực nuôi trồng thủy sản không thể bảo vệ nếu xảy ra mưa lũ lớn.

Theo ông Hoài, hiện các hồ chứa thủy lợi ở khu vực Trung Bộ còn đang ít nước nhưng mưa tới 700mm thì nguy cơ mất an toàn với các hồ nhỏ là rất cao. Nếu mưa hơn 1.000mm thì nguy cơ mất an toàn càng cao hơn nữa. Do đó, các địa phương cần có phương án đảm bảo an toàn cho các công trình hồ đập, đặc biệt là hồ thủy lợi nhỏ, hồ đang xung yếu, đang thi công, các công trình thủy điện do tư nhân quản lý. Chuẩn bị kích hoạt xả lũ 10 liên hồ chứa để cắt lũ và đảm bảo an toàn cho hạ du.
Do mưa lũ có thể kéo dài nhiều ngày nên các địa phương cần chú trọng đảm bảo an toàn cho người dân miềm núi vì đây là khu vực dễ xảy ra sạt lở, nhất là vùng Nam Bắc huyện Trà My (Quảng Nam) và Tây Nghệ An. Theo dự báo, khu vực Nghệ An có nguy cơ lũ quét, sạt lở cao. Các địa phương phải sẵn sàng phương án đảm bảo nhu yếu phẩm thiết yếu khi có tình huống chia cắt dài ngày và phương án đảm bảo an toàn giao thông.
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Cà Mau có 61.898 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6m, trong đó 1.006 tàu cá đang trong khu vực dự kiến ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới.
Bích Nguyên