Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:53 GMT+7

20 năm thi hành Pháp lệnh BĐBP:

Cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển

Biên phòng - Pháp lệnh BĐBP được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa IX thông qua ngày 28-3-1997, có hiệu lực từ ngày 7-4-1997, là cơ sở pháp lý quan trọng để các cấp ủy Đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang, trong đó có Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Điện Biên lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

mafk_14
Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tây Trang, BĐBP Điện Biên và Đại đội 103, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phong Sa Lỳ, Lào tuần tra song phương tại mốc 113. Ảnh: Đoàn Tuấn

Điện Biên có đường biên giới quốc gia dài 455,573km, tiếp giáp với 2 nước Lào và Trung Quốc. Địa bàn biên giới của tỉnh có 4 huyện với 29 xã, tổng dân số là 24.619 hộ với 118.107 khẩu, thuộc 16 dân tộc anh em sinh sống.

Trong những năm qua, BĐBP tỉnh đã quán triệt, triển khai thi hành có hiệu quả Pháp lệnh BĐBP và các văn bản pháp luật có liên quan đến biên giới; chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, lực lượng vũ trang, cấp ủy, chính quyền địa phương, nhân dân khu vực biên giới và các lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới của Lào, Trung Quốc duy trì nghiêm các hiệp định, quy chế khu vực biên giới, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Trong đó, đã phối hợp với các lực lượng tổ chức tuần tra được 20.425 lần với 328.805 lượt người; phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới của Lào và Trung Quốc sửa chữa được 11 cột mốc bị hư hỏng; đấu tranh ngăn chặn hàng trăm lượt người dân nước bạn vi phạm quy chế biên giới; giải quyết dứt điểm tình trạng xâm canh.

Thực thi Pháp lệnh BĐBP, BĐBP Điện Biên đã phối hợp với các lực lượng chức năng đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm. Đã xác lập 160 chuyên án, xây dựng 582 kế hoạch nghiệp vụ; kịp thời ngăn chặn các hoạt động chống phá Việt Nam của các thế lực thù địch. Bắt giữ, xử lý 1.333 vụ với 1.621 đối tượng phạm tội về ma túy; thu tang vật 219,628kg hê-rô-in, 113,548kg thuốc phiện, 10kg ma túy đá, 410.856 viên ma túy tổng hợp và nhiều tang vật có liên quan; xử phạt vi phạm hành chính 1.420 vụ/2.159 đối tượng.

BĐBP Điện Biên đã quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng và ngoại giao nhân dân. Triển khai thực hiện tốt việc kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới đất liền giữa tỉnh Điện Biên (Việt Nam) với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và hai tỉnh Phong Sa Lỳ, Luông Phra Băng (Lào).

Đến nay, đã có 1 cặp xã - thị trấn và 8 cặp bản - bản hai bên biên giới tổ chức kết nghĩa và đi vào hoạt động có hiệu quả. Cùng với đó, hoạt động kết nghĩa giữa các đồn Biên phòng tỉnh Điện Biên (Việt Nam) với lực lượng bảo vệ biên giới của Trung Quốc và Lào cũng được thực hiện có hiệu quả. BĐBP Điện Biên đã tăng cường cán bộ cho 29 xã biên giới giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy xã.

Cùng với việc tham mưu cho chính quyền địa phương và trực tiếp thực hiện việc xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, đội ngũ cán bộ Biên phòng tăng cường còn làm tốt vai trò cầu nối giữa đồn Biên phòng với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, kịp thời trao đổi thông tin hai chiều để phối hợp, giải quyết có hiệu quả các vấn đề về biên giới. Chính vì vậy, việc phối hợp tổ chức thực hiện phong trào quần chúng tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự thôn, bản dần đi vào nền nếp, có chiều sâu và ngày càng phát huy hiệu quả.

Trong những năm qua, Bộ Chỉ huy BĐBP Điện Biên đã phối hợp với các lực lượng, tổ chức đoàn thể tổ chức tuyên truyền 15.838 buổi cho 789.033 lượt người về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tham gia giúp đỡ 6 xã khó khăn trên địa bàn tỉnh và làm chủ đầu tư các dự án sắp xếp ổn định dân cư, phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh trên địa bàn biên giới, phối hợp thực hiện Chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới”, tổ chức trao 1.180 con bò giống ở 4 huyện biên giới; Chương trình “Nâng bước em tới trường”, từ năm 2014 đến nay, các đơn vị trong BĐBP tỉnh đã nhận đỡ đầu 83 cháu với số tiền là 498 triệu đồng/năm. 

Trên cơ sở quán triệt, triển khai thực hiện Pháp lệnh BĐBP và các văn bản hướng dẫn thi hành, BĐBP Điện Biên đã ký Quy chế phối hợp hoạt động với các lực lượng liên quan, như Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Hải quan, Kiểm lâm; duy trì thực hiện quy chế biên giới, cửa khẩu, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới; tham gia xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện biên giới và thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng theo quy định pháp luật.

20 năm thực hiện Pháp lệnh, BĐBP Điện Biên đã tổ chức triển khai đồng bộ, chặt chẽ, thường xuyên từ khâu quán triệt, học tập, tuyên truyền, phổ biến đến tổ chức thực hiện các nội dung quy định của Pháp lệnh. Cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành và nhân dân địa phương đã thể hiện rõ vai trò, sự quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp, ủng hộ, giúp đỡ, tạo điều kiện và tham gia cùng BĐBP tỉnh thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn biên giới.

Vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức biên chế của BĐBP tỉnh theo quy định của Pháp lệnh BĐBP đã được thực hiện phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới.

Tuy nhiên, sau hơn 20 năm thi hành Pháp lệnh, trong quá trình tổ chức thực hiện đã bộc lộ một số bất cập. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, Bộ Chỉ huy BĐBP Điện Biên kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng: Giữ nguyên chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi hoạt động và mối quan hệ phối hợp của BĐBP như hiện nay; đồng thời, sớm ban hành Luật Biên phòng và xây dựng BĐBP thành Quân chủng Biên phòng theo hướng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”.

Cùng với những kết quả sau 20 năm thực hiện Pháp lệnh BĐBP, Luật BĐBP được ban hành sẽ là hành lang pháp lý quan trọng để BĐBP nói chung và BĐBP Điện Biên nói riêng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Hoàng Minh Tuấn

Bình luận

ZALO