Biên phòng - Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 29-8-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Quốc phòng thực hiện các bước xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN). Ngày 23-9, tại thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai, Bộ Quốc phòng đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương biên giới về dự thảo luật này. Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh BĐBP, Phó trưởng Ban Thường trực Ban soạn thảo Luật BPVN chủ trì hội thảo. Phóng viên Báo Biên phòng lược ghi ý kiến của một số đại biểu tham luận tại hội thảo.
Ông Phạm Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La: Việt Nam có đường biên giới đất liền dài 4.610km tiếp giáp với các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia; có 3.260km bờ biển với vùng biển rộng khoảng 1 triệu km2. Hiện nay, tình hình khu vực và thế giới có những diễn biến phức tạp, yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia đặt ra ngày càng cao, xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Lực lượng BĐBP cần chủ động hơn nữa trong công tác phối hợp với các cấp, các ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức... nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới. Vì vậy, đặt ra yêu cầu tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật về biên giới quốc gia để nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo, nghiên cứu ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạnh công nghệ lần thứ tư trong quản lý, bảo vệ biên giới. Phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh của thời đại, tăng cường, mở rộng hợp tác quốc tế, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển. Triển khai công tác đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả, đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, kết nghĩa giữa lực lượng bảo vệ biên giới, nhân dân hai bên biên giới... đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ biên giới trong tình hình mới.
Thiếu tướng Hàn Mạnh Thắng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Quốc phòng: Qua các tham luận tại hội thảo cho thấy, việc xây dựng và ban hành Luật BPVN trong giai đoạn hiện nay là yêu cầu cấp thiết để tạo nên hệ thống cơ sở pháp lý đồng bộ, vững chắc, phát huy sức mạnh toàn dân, cả hệ thống chính trị, đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống cho cán bộ, chiến sĩ BĐBP và nhân dân trên địa bàn biên giới, đào tạo nguồn lực trong đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao hiệu quả đối ngoại nhân dân, đối ngoại biên phòng...
Về vấn đề cụ thể như tên gọi, phạm vi điều chỉnh của luật, còn tồn tại nhiều ý kiến cho rằng, nên đổi tên thành Luật BPVN thành Luật BĐBP và thu hẹp phạm vi điều chỉnh. Qua khảo sát, từ các ý kiến của các cấp, các ngành và địa phương tại hội thảo lần này, thì tên gọi Luật BPVN là hợp lý, đảm bảo nội hàm, phạm vi điều chỉnh, đáp ứng yêu cầu toàn diện trong xây dựng vùng biên giới phát triển vững chắc, tạo nên sức mạnh tổng hợp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, đối ngoại biên phòng, đối ngoại nhân dân trong tình hình mới.
Ông Lê Ngọc Quỳnh, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Lào Cai: BĐBP là một thành phần của QĐND Việt Nam, làm nòng cốt chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh trật tự trên địa bàn biên giới, biển đảo; là một thành viên trong khu vực phòng thủ tỉnh, huyện biên giới. Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 8-8-1995 của Bộ Chính trị về xây dựng BĐBP trong tình hình mới nêu rõ: “BĐBP là một quân chủng thuộc Bộ Quốc phòng, được chỉ huy đảm bảo thống nhất theo ngành dọc từ Trung ương đến cơ sở với 3 cấp cơ bản, thực hiện nhiệm vụ quản lý, kiểm soát xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu biên giới như hiện nay; đảm bảo sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Đảng ủy Quân sự Trung ương, các Tỉnh ủy, Thành ủy; sự quản lý thống nhất của Nhà nước đối với công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia và xây dựng lực lượng BĐBP, đảm bảo cho BĐBP thực hiện tốt 3 chức năng: Quốc phòng, an ninh, đối ngoại... kết hợp nhiệm vụ biên phòng với phòng thủ tác chiến”.
Pháp lệnh BĐBP được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa IX thông qua ngày 28-3-1997, thực sự là cơ sở pháp lý xây dựng lực lượng BĐBP chính quy, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Sau 20 năm thực hiện, Pháp lệnh BĐBP đã bộc lộ những vướng mắc, bất cập chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, quản lý, bảo vệ biên giới trong tình hình hiện nay. Để khắc phục hạn chế, bất cập, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 33-NQ/TW về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia đưa ra những chủ trương mới liên quan đến vai trò, vị trí của các lực lượng bảo vệ biên giới. Để cụ thể hóa Nghị quyết 33-NQ/TW, việc ban hành Luật BPVN là hết sức cần thiết.
Thượng tá Lại Tiến Giang, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang: Biên giới quốc gia là địa bàn chiến lược về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Quản lý, bảo vệ biên giới là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn quân, của cả hệ thống chính trị, dựa vào dân, lấy dân làm gốc, nhân dân là chủ thể, “mỗi người dân là một cột mốc sống”, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, BĐBP là lực lượng chuyên trách, lực lượng chiến đấu, bảo vệ và giữ vững biên giới quốc gia.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, xây dựng lực lượng BĐBP thành Quân chủng Biên phòng theo hướng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”. Trên cơ sở xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của lực lượng BĐBP có thể thấy rõ, Luật BPVN được ban hành trong giai đoạn này sẽ đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tổ chức, cá nhân, xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh, ổn định, lâu dài, vững chắc.
Viết Hà (lược ghi)