Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 25/10/2024 01:52 GMT+7

Có nên quy định mức chiết khấu

Biên phòng - Bộ Công thương đang lấy ý kiến rộng rãi để sửa đổi Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu. Trong đó, đề xuất mức chiết khấu cố định cho doanh nghiệp tham gia kinh doanh xăng dầu đang là chủ đề được dư luận quan tâm.

Ảnh minh họa.

Thực tế, trong các quy định hiện hành chưa đề cập về chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu. Nguyên tắc điều hành giá xăng dầu chỉ quy định, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu được quyền quyết định giá bán buôn.

Theo các chuyên gia tài chính, chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ là khoản tiền mà doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối cắt lại cho các đại lý, cửa hàng bán lẻ tính trên mỗi lít xăng, dầu và không cao hơn giá điều hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố.

Trước những bất ổn của thị trường xăng dầu vừa qua, đại diện các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đã nhiều lần kiến nghị cơ quan điều hành ghi nhận mức chiết khấu vào công thức tính giá cơ sở như là một khoản chi phí lưu thông ở khâu bán lẻ một cách hợp lý, đảm bảo không có sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp.

Thế nên trong Dự thảo sửa đổi, Bộ Công thương đã đưa ra 2 phương án: Phương án 1 là không quy định cụ thể mức chiết khấu, để các doanh nghiệp chủ động đàm phán với nhau; Phương án 2 là quy định mức chiết khấu cố định hoặc tối thiểu trong kinh doanh xăng dầu.

Đề xuất lựa chọn phương án thứ 2, Bộ Tài chính cho rằng, việc xác định mức chiết khấu cho cửa hàng bán lẻ xăng dầu phụ thuộc vào mức chiết khấu của hệ thống, số lượng khâu trung gian trong phân phối kinh doanh xăng dầu, cung cầu thị trường… nên cần xem xét cơ chế quy định thù lao tối thiểu cho cửa hàng bán lẻ.

Trong khi đó, Bộ Công thương lựa chọn phương án 1, bởi nếu phải đưa mức chiết khấu cho từng khâu của hệ thống phân phối sẽ tạo ra sự cứng nhắc trong quan hệ mua bán giữa các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, khi đưa mức chiết khấu cố định vào chi phí kinh doanh trong cơ cấu giá cơ sở sẽ làm tăng giá xăng dầu, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Theo nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, để thị trường hoạt động ổn định trong tình hình hiện nay thì công thức tính giá cơ sở phải phân định chi phí và lợi nhuận tối thiểu ở cả 3 khâu: đầu mối, thương nhân phân phối và doanh nghiệp bán lẻ. Chiết khấu cần phải được đưa vào công thức tính giá cơ sở, xem như chi phí lưu thông của khâu bán lẻ một cách hợp lý và cần thiết.

Từ trước tới nay, giao quyền chung cho doanh nghiệp đầu mối phân chia chi phí của cả hệ thống dẫn tới các công ty đầu mối có quá nhiều quyền quyết định phần lợi nhuận và chi phí lưu thông, dẫn tới khâu của doanh nghiệp bán lẻ có chi phí rất thấp, khiến các doanh nghiệp bán lẻ thua lỗ khi thị trường có biến động lớn, nhiều thời điểm thiếu hàng, đứt nguồn hàng.

Nếu quy định mức chiết khấu tối thiểu khoảng 5-6% trên giá bán sẽ giúp doanh nghiệp bán lẻ giữ vững được hoạt động kinh doanh trong mọi tình huống, nhằm cung cấp sản phẩm xăng dầu tới tay người tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Trước 2 luồng quan điểm và tiếp cận về giá bán lẻ xăng dầu, Liên đoàn Công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI) đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh quy định theo hai hướng: Trong trường hợp Nhà nước không can thiệp vào giá, để cung cầu thị trường quyết định giá, thì không quy định mức chiết khấu bán lẻ tối thiểu. Trong trường hợp Nhà nước tiếp tục can thiệp vào giá bán lẻ thì cần đồng thời điều hành chiết khấu tối thiểu (hoặc giá bán buôn tối đa) để bảo đảm đồng bộ cơ chế quản lý.

Bộ Công thương là đầu mối chịu trách nhiệm chính trong công tác điều hành thị trường nói chung và giá cả xăng dầu nói riêng. Quá trình điều hành cần đưa ra các quyết định nhanh chóng, kịp thời xử lý các tình huống phát sinh, đồng thời tăng cường đối thoại giữa cơ quan quản lý Nhà nước với các doanh nghiệp để tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO