Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:17 GMT+7

Có năng lực và nỗ lực, vì sao bạn vẫn chưa lên chức?

Biên phòng - Bất cứ ai cũng đều mong muốn sau khoảng thời gian cống hiến sẽ được thăng tiến lên các vị trí cao với sự đãi ngộ tốt hơn. Tuy nhiên, thực tế thì không phải ai có năng lực và nỗ lực làm việc cũng nhận được kết quả xứng đáng, thậm chí rất nhiều người vẫn mãi loay hoay “giậm chân tại chỗ” mà không hiểu lí do vì sao. Câu trả lời có thể nằm ở 6 điều sau đây.

Tham khảo thêm các thông tin tìm việc làm tại Hà Nội trên careerlink.vn

Không tự tin trước thách thức “vượt ngưỡng”

Không ít người dù năng lực tốt và siêng năng, nhưng họ lại thiếu sự tự tin để đảm nhận các thử thách vượt ra ngoài “vùng an toàn” của bản thân. Họ e sợ các khó khăn bộn bề phía trước và lo lắng thất bại. Từ đó, họ cứ chần chừ và để vuột mất cơ hội thăng tiến.

Do vậy, bạn hãy can đảm để xung phong trước các nhiệm vụ khó nhằm ghi điểm với cấp trên. Nhưng bạn cũng cần cân nhắc kĩ lưỡng, tránh nóng vội khiến bản thân tiến thoái lưỡng nan trong các trường hợp ngoài tầm kiểm soát.

Chỉ chăm chăm lợi ích cá nhân

Trưởng phòng Tư vấn Tuyển dụng CareerLink chia sẻ, một nhân viên tốt không chỉ dừng lại ở nỗ lực để đạt được các mục đích cá nhân, mà còn phải tích cực hỗ trợ tập thể. Bởi bất kỳ thành công nào cũng đều cần sự góp sức của nhiều bộ phận, đúng như câu nói “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau”.

Hãy ra sức thể hiện tinh thần đồng đội bằng nhiều cách như chủ động đề nghị hỗ trợ giúp đỡ đồng nghiệp. Như vậy thì sự thăng tiến của bạn sẽ được lòng không chỉ sếp mà với cả các đồng nghiệp.

Thiếu kỹ năng lãnh đạo

Để thăng tiến lên các vị trí cao hơn thì không chỉ yêu cầu sự vững vàng về chuyên môn, mà bạn còn cần cả khả năng quản lý, lãnh đạo. Chừng nào bạn chưa thể tạo ra “tiếng nói”, tầm ảnh hưởng đối với người khác, cũng như chưa sẵn sàng chịu trách nhiệm cho các quyết định có tác động đến tập thể, thì bạn cần phải trau dồi thêm nếu muốn được cất nhắc.

Tất nhiên kỹ năng lãnh đạo cần nhiều thời gian để rèn luyện. Thế nên, hãy kiên trì học hỏi từ cấp trên, tận dụng cơ hội, thời gian để nâng cấp bản thân thì con đường thăng tiến sẽ không còn là chuyện xa vời.

Chọn thời điểm đề xuất không phù hợp

Bên cạnh các đề cử ưu ái từ cấp trên, thì kiểu thăng tiến theo cách tự đề xuất cũng rất phổ biến. Nhưng nếu bạn cứ tùy tiện chọn bừa thời điểm, thì khả năng thất bại sẽ rất cao. Ví dụ như bạn có năng lực và cực kỳ nỗ lực nhưng lại chỉ là lính mới, thì đề xuất vẫn kém thuyết phục.

Tốt nhất là bạn nên có khoảng thời gian làm việc tương đối ở công ty, và xung phong hoàn thành tốt vài nhiệm vụ khó. Sau đó, bạn hãy tận dụng thời cơ như thay đổi cơ cấu nhân sự tuyến trên, hoặc công ty mở chi nhánh mới, lúc đó việc tự ứng cử vào vị trí cao hơn sẽ dễ được xem xét đến.

Khó bỏ các thói quen xấu

Con người không phải thánh nhân, nên ai cũng có một vài thói quen xấu. Có những thói quen nhỏ nhặt sẽ không phải là vấn đề nếu bạn chỉ là một nhân viên cấp thấp, nhưng đó lại là điều cần được sửa đổi triệt để khi bạn muốn thăng cấp quản lý trong tương lai.

Do đó, nếu bạn có những thói quen xấu như thích ăn vặt trong giờ làm việc, tùy tiện vứt rác, thích nói chuyện phiếm... thì nên nhanh chóng thay đổi để không làm mất hình ảnh một vị quản lý chuyên nghiệp trong tương lai.

Chưa có tầm nhìn rõ ràng

Không phải ngẫu nhiên mà nhà tuyển dụng thường có những kiểu câu hỏi như “Bạn muốn trở thành người thế nào trong tương lai?”, bởi vì họ hiểu rõ: Mục đích sẽ là kim chỉ nam cho hành động. Ai chẳng muốn thăng chức, nhưng họ cần phải biết rõ tiến lên bậc cao hơn để làm gì và bản thân phải làm thế nào với nhiệm vụ mới được giao.

Dành nhiều thời gian suy nghĩ rõ ràng về con đường phía trước, như vậy đề xuất thăng chức của bạn cũng sẽ đầy tính thuyết phục hơn. Ban lãnh đạo luôn cần những nhân sự với tầm nhìn rõ ràng, vì họ là người góp sức giúp đẩy “con thuyền” doanh nghiệp đi xa hơn.

Trung Thành

Bình luận

ZALO