Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 29/03/2023 02:14 GMT+7

Có một người Pháp yêu Việt Nam đến thế

Biên phòng - Ông là bác sĩ Alexandre Yersin. Tên ông được đặt cho các phố ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Lạt, Đà Nẵng, Thủ Dầu Một… Ông được Nhà nước Việt Nam truy tặng “Công dân Việt Nam danh dự” năm 2013 nhân dịp kỷ niệm 151 năm Ngày sinh và cùng với Nhà nước Pháp tổ chức phát hành chung bộ tem bưu điện về ông.

206i_17
Bác sĩ Alexandre Yersin (bên trái) trong một lần đến Tây Nguyên. Ảnh: Tư liệu

Đóng góp của Alexandre Yersin khá nhiều cho khoa học như phát hiện ra vi khuẩn gây bệnh dịch hạch và vắc-xin cứu sống hàng vạn người, thành lập Viện Pasteur ở Nha Trang, là người Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Y Hà Nội. Công lao của Yersin khá lớn đối với ngành y thế giới và Việt Nam. Đấy là về mặt khoa học. Còn một mảng lớn khác trong cuộc đời ông là gắn bó với Việt Nam, yêu nước Việt Nam đến trọn đời.

Chẳng thế mà, khi biết mình sắp từ giã cõi đời vào năm 80 tuổi, ông đã để lại bản di chúc khá cảm động, có đoạn: Tôi muốn được chôn ở Suối Dầu. Hãy chôn tôi nằm úp xuống. Yêu cầu giữ tôi ở lại tại Nha Trang, đừng để ai đem tôi đi nơi khác. Mọi tài sản còn lại xin tặng hết cho Viện Pasteur Nha Trang và những người cộng sự lâu năm.

Đám tang diễn ra không kèn trống, không điếu văn, giản dị như điều ông muốn. Nhưng người đưa tiễn ông đông nghịt, kéo dài hơn 3km. Nhiều người dân xóm Cồn và Nha Trang than khóc và để tang ông. Khi chết, ông cũng muốn ôm mảnh đất Nha Trang vào lòng mình, đầu quay ra hướng biển. Thật hiếm có một người nước ngoài nào yêu đất nước Việt Nam đến thế.

Đến nay, mộ ông vẫn nằm ở Suối Dầu, thuộc xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Nhà nước và nhân dân Việt Nam không quên công ơn ông. Năm 1990, quần thể mộ ông ở Suối Dầu và Thư viện Yersin ở Viện Pasteur Nha Trang được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Tại Suối Dầu, người ta xây ngôi miếu thờ ông. Làng Tân Xương ở đây còn thờ cúng ông như một Thành hoàng.

A. Yersin là một nhà khoa học được đào tạo bài bản. Ông sinh năm 1863, năm 20 tuổi đã học Y khoa. Năm 1885, ông nghiên cứu y học tại một bệnh viện lâu đời nhất ở Thủ đô Paris và gia nhập Viện nghiên cứu của Louis Pastur,, tham gia việc phát triển huyết thanh trừ bệnh dại. Ở tuổi 25, ông đã tốt nghiệp Tiến sĩ Y khoa. Tương lai khoa học tươi sáng mở ra trước mặt chàng trai trẻ ở Paris. Nhưng ông quyết định đến Đông Dương, bấy giờ đã là xứ thuộc địa của Pháp. Ông tìm thấy niềm vui trong niềm ham mê thám hiểm và sự cống hiến cho cuộc đời.

Một trong chuyến đi đầu tiên của ông trong vai trò làm bác sĩ trên con tàu có tên là Sài Gòn, đi dọc bờ biển xuyên Việt Sài Gòn - Hải Phòng. Thời ấy chưa có tuyến đường bộ và đường sắt xuyên Việt như bây giờ. Khi tàu dừng lại ở Nha Trang, ông đều sững sờ trước cảnh đẹp của một vùng vịnh biển còn hoang sơ, thậm chí chưa được vẽ trên bản đồ.

Có lẽ, chính vẻ đẹp của Nha Trang đã níu kéo ông ở lại. Ông mở phòng khám tại xóm Cồn, chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Người xóm Cồn coi ông là bạn và gọi ông là ông “Năm”. Ông là người đôn hậu, thường giúp các cụ già và những người dân chài, thương yêu trẻ con, thường cho chúng kẹo và tiền lẻ để mua quà. Ông sống hết sức giản dị. Từ Nha Trang, ông đã đi thám hiểm các ngôi làng của người dân tộc thiểu số, học ngôn ngữ và chữa bệnh cho họ. Ông đã đi ngựa đến Phan Rí (Ninh Thuận) và tìm ra cao nguyên Di Linh.

Năm 1892, ông lại dẫn đầu đoàn thám hiểm 7 người, có vài con ngựa, 2 con voi, súng săn đi từ Nha Trang ra Ninh Hòa, đến M’drao, M’Siao, đi dọc sông Boung, sông Krông Ana, ngược lên sông Krông để đến Bản Đôn. Tại đây, ông đã làm quen với tù trưởng Khoun Ieu Noup và được dẫn đi dọc sông Srepok bằng voi đến Long Path, rồi đi bằng xe bò và thuyền đến Stung Treng, bên bờ sông Mê Công. Sau đó, cả đoàn lại lên thuyền độc mộc về Phnôm Pênh. Một năm sau, ông lại tổ chức đoàn thám hiểm đi từ Biên Hòa lên Di Linh và khám phá cao nguyên Lâm Viên và Đà Lạt.

Chuyến thám hiểm năm 1893, ông lại dẫn theo một đoàn gồm 54 người và một toán lính tập có súng hộ tống. Từ Biên Hòa lên Đà Lạt, đến cao nguyên Đắk Lắk, sang cao nguyên Attopeu ở Nam Lào.

Năm 1898, ông quyết định về Nha Trang để xây dựng Viện Paster Nha Trang. Ông mua một khu đất rộng 500ha ở Suối Dầu để trồng cây và chăn nuôi. Ông chọn lựa nhiều loại thực vật và động vật từ khắp nơi trên thế giới mang về trồng tại đây. Đáng lưu ý, ông là người đầu tiên nhập giống cây cao su về trồng. Nhiều giống rau hiện trồng tại các nhà vườn thành phố Đà Lạt hiện nay cũng là do Yersin nhập khẩu về từ một thế kỷ trước.

Alexandre Yersin là một nhà bác học nổi tiếng và đa tài. Khác với nhiều nhà thực dân Pháp cùng thời với ông, đến Việt Nam để cai trị và bóc lột xứ thuộc địa, ông là một trong số ít người không màng đến chính trị và danh vọng mà chỉ chuyên tâm đến thám hiểm và nghiên cứu khoa học.

Ông dành của cải kiếm được trong cuộc đời mình để phục vụ y học và giúp đỡ người nghèo. Ông thực sự hòa nhập với cuộc sống ở Việt Nam và có một tình yêu với mảnh đất đã giúp ông có một sự nghiệp lẫy lừng và những chuyến du ngoạn thú vị.

Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Sinh

Bình luận

ZALO