Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:25 GMT+7

Có một người lính, nhà thơ biên phòng tôi biết

Biên phòng - Thật vui và cũng là lời chúc mừng, khi vừa tròn một năm anh được kết nạp vào Hội Nhà văn Hà Nội. Trước đó, anh đã cho ra đời ba tập thơ do Nhà xuất bản Văn học và Hội Nhà văn cấp phép, ấn hành. Lần này, anh đến trao tôi tập bản thảo thứ tư “Quả gọi mùa” cùng tâm sự: “Không biết, sau đây có viết thêm được tập nào nữa không?”. Tôi hiểu ý anh, việc in thơ hiện nay là cả câu chuyện dài. Cộng vào đó, có biết bao quan điểm sáng tác với những “hiện đại”, “hậu hiện đại”, “tân hình thức”, “phi hình thức”…

Bìa tập thơ “Quả gọi mùa”. Ảnh: T.K

Với người cầm bút chuyên nghiệp như anh, những người đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm”, trăn trở, suy tư về đường thơ, nghiệp thơ là tất yếu; đau đáu về nghiệp cầm bút là đương nhiên. Vẫn biết câu nói của anh là tâm tư, là nỗi lòng mà sao tôi cứ thấy day dứt.

Đọc “Quả gọi mùa” cùng tâm sự của anh, tôi chợt nghĩ: Viết về tập thơ hay viết về nghiệp người? Viết về những điều anh gửi gắm hay viết về những trăn trở của thi sĩ? Chọn góc độ nào e cũng không thể nói hết được về anh. Tôi chọn cách viết về anh, một người lính, một nhà thơ như tôi đã từng có thời gian gần gũi, biết anh qua môi trường công tác trong BĐBP.

Dù diễn tả thế nào, dù viết về cuộc đời hay viết về thơ anh, trong suốt tập thơ, bạn đọc vẫn nhận ra một quan niệm, một thực tế: “Văn là người”. Những giá trị chân, thiện, mĩ cùng những gì day dứt, trăn trở, phiền muộn… đều được tác giả tìm tòi để dồn lên ngọn bút, thể hiện bằng những ngôn từ sáng tạo mới lạ, độc đáo, một giọng riêng Lê Minh Tý. Qua từng trang viết, qua mỗi bài thơ đều thấm đẫm nhân cách của người lính, gác cây súng chuyển sang cầm bút, với mong muốn cháy bỏng, khát khao về cái hay, cái đẹp.

“Quả gọi mùa” là tập thơ của những tâm sự, những nỗi niềm cùng với những trải nghiệm, nó không chỉ đơn thuần là cảm xúc hay phút “thăng hoa thi sĩ”. “Quả gọi mùa” có đủ vui buồn, phấn khởi, tâm tư, trở trăn, day dứt; có cả triết lý nhân sinh, có cả những điều “con tằm rút ruột”, có nỗi đau và có cả niềm vui; có trải nghiệm đường đời và có cả nhân tình thế thái. “Quả gọi mùa” như bản trường ca cuộc đời, gồm hơn chín chục bài với các thể loại, các phân đoạn, những đoản thơ theo khoảng thời gian sống, chứng kiến, trải qua, chiêm nghiệm với tư tưởng chủ đạo: Quả ngon, trái ngọt không tự đến với anh cũng như với tất cả mọi người.

Vậy ở “Quả gọi mùa” là gì?

Là một Lê Minh Tý ý chí và nghị lực. Anh có cuộc sống không may mắn như nhiều người. Ba tuổi đã mồ côi cha trong lần giặc càn làng, cha của anh cùng đồng đội nấp dưới hầm bí mật bị phát hiện. Chúng không cuốc hầm để bắt sống mà lấy ngay rơm che hầm để hun. “Khi cha hi sinh con còn quá nhỏ/ Chỉ nghe mẹ kể/ Địch hun lửa rơm ngạt khói cả hầm/ Tay vò nắm đất gồng mình giãy giụa/ Giọt lệ tình quê nhỏ lên chỗ nằm/ Chẳng thấy cha đâu khi con đã lớn” (Hãy yên lòng cha nhé). Nép bên vạt áo mẹ, níu mòn hai đầu đòn gánh, bạn cùng cái tôm cái tép, lớn cùng rau cháo ngô khoai, lam lũ, vất vả, đói nghèo đeo bám, mót từng con chữ, chắt chiu nhân nghĩa từ đời. Cứ thế, người con ấy đã thi đỗ đại học từ năm 1970. Học hết năm thứ nhất, gác bút nghiên làm người lính và trở thành thi sĩ, bước rẽ cuộc đời anh cũng không hề biết được.

Là một Lê Minh Tý yêu đời và dâng hiến. Gần bốn mươi năm làm lính, những ngày tuần tra, những đêm phục kích, những tuần dài truy dấu thám báo biệt kích, những tháng dài với trang giáo án giảng đường Học viện Biên phòng và cả những quãng dài trên cương vị quản lý tư tưởng văn hóa của BĐBP. Biết bao vất vả, biết bao hiểm nguy, biết bao trăn trở, nhưng “Quả gọi mùa” tuyệt nhiên không một từ kêu ca hay phàn nàn; không một lời than hay lời kể công, anh cứ lặng lẽ như thời gian trôi qua từng sát na để đi qua, để hoàn thành.

Bài thơ “Ấm mãi” của Thiếu tướng Nguyễn Xuân Quảng, Chủ nhiệm Chính trị BĐBP viết tặng có đoạn: “Những cán bộ, chiến sĩ một thời cùng chung nhiệm vụ/ Tham mưu cho Đảng, Nhà nước bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia/ Xây trận địa tư tưởng cho nhân dân và cán bộ chiến sĩ/ Bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ Đảng trao/ Những chiến công thành tích tuy là thầm lặng/ Nhưng bao giờ công tác chính trị cũng đi cùng những tấm huân chương”.

Đại tá, nhà thơ Lê Minh Tý. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Là một Lê Minh Tý đau đáu về quê hương. Tất cả những đổi thay, những cái được, cái mất của mảnh đất Kim Chung nơi anh sinh ra và lớn lên đều hiện hữu trên từng trang viết. Những khoán một trăm, khoán mười cho “đất là hoa của người” đến dòng sông Thiếp ngằn ngặt xanh trong nỗi nhớ trên mỗi bước tuần tra giờ bị ô nhiễm; từ những phận người oan ức đến những thiệt thòi hy sinh của bạn bè, đồng nghiệp, đồng chí, đồng đội; từ những tấm gương vượt khó làm giàu cho quê hương đến những nổi nênh cuộc sống “thị trường”. Anh nhờ thơ mà nói, mượn thơ giãi bày. Đó là tấm lòng, là trái tim người con nặng nghĩa đất quê; cái khao khát một ngày mai tươi sáng trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn, có dáng mẹ, bóng cha, có giọt mồ hôi thấm ướt rãnh cày làm nên nét quê trong miền ký ức và hiện tại.

Là một Lê Minh Tý quảng giao mà thi sĩ. Trong bất cứ sự vật hiện tượng nào, ở bất cứ trạng thái hay tình huống nào, dường như, thơ cứ tự nhiên đến với anh, cứ âm thầm và lặng lẽ cất lời. Những câu thơ buộc vào lòng bạn đọc, neo lại với đời, với người. Khi viết về phận người: “Nỗi buồn vui vẽ lên khuôn mặt/ Đường đời tụ trên tóc thời gian” (Đêm dài). Viết về nỗi đau của một người mẹ lỗi lầm có con ngoài ý muốn phải cho con đi: “Sinh con ra.../ đâu đã là người mẹ/ Thú tội lời ru vội vã cuộc đời” (Sinh con đâu đã là mẹ). Viết về thói đời: “Chúc nhau uống rượu không/ Quen mà không giống mặt” (Chiêm bao). Viết về phận mưu sinh thời cơ chế thị trường: “Âm thầm chạm đáy rủi ro/ Hàng rong bán đổi lấy no trong nghèo” (Gánh quê).

Để nói về một con người, một thi sĩ như anh biết khi nào mới có thể nói hết. Và tôi nghĩ rằng, lời đề từ cho tập “Quả gọi mùa” đã đủ để nói đầy đủ chân dung một thi sĩ, một người lính với tất cả những gì anh muốn gửi gắm, nhắn nhủ bạn đọc về những điều muốn nói.

“Vinh quang mãi chẳng còn hấp dẫn

Khi trái tim khép nẻo yêu thương

Điều tử tế tự thơm hương lan tỏa

Giọt vị tha trong trẻo nghĩa nhân”.

Đọc đề từ “Quả gọi mùa”, tôi nhớ có ai đó đã nói: Cuộc đời là một dòng sông. Kiếp người như kẻ đi đò. Có người chưa đến bến đã xa; xuống đò mà không sang được bến; đến bến mà không lên được bờ; lên bờ không đi đến đích. Cái đích đến của cuộc đời phải chăng là sự tử tế và lòng vị tha. Sống được thế đã coi là đến đích đâu kể thời gian ngắn dài hay công hầu, khanh tướng. Đó chính là nhân tâm mà con người luôn hướng đến. “Quả gọi mùa” gieo vào lòng bạn đọc nhận ra được những điều như thế đã là thành công. Một thành công của nghiệp người cầm bút.

Đại tá, Nhà văn Phạm Thanh Khương

Bình luận

ZALO