Biên phòng - Trong giai đoạn 2013-2020, Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS)” cơ bản đã đạt được những mục tiêu đề ra, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc. Đề án cũng thúc đẩy hình thành các trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học vùng DTTS; phát triển nguồn nhân lực và đào tạo đội ngũ cán bộ người DTTS. Mặt khác, củng cố hệ thống chính trị cơ sở và giữ vững khối đại đoàn kết các dân tộc.

Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, trong giai đoạn vừa qua, các bộ, ngành đã chủ động đẩy mạnh hợp tác có hiệu quả với các quốc gia, vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế, các cá nhân nước ngoài, tổ chức các hội nghị xúc tiến, kêu gọi đầu tư và các hoạt động đối ngoại khác. Qua đó, chúng ta đã thu hút được tối đa các nguồn lực từ vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), tổ chức phi chính phủ (NGO) để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS. Trong đó tập trung: Phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao trình độ dân trí; đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, đẩy nhanh công tác xóa đói, giảm nghèo; đảm bảo nước sạch, vệ sinh môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu; chăm sóc sức khỏe, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc.
Trong giai đoạn vừa qua, cả nước đã huy động được gần 6 nghìn tỷ đồng với hơn 700 chương trình, dự án phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao trình độ dân trí và xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS. Thông qua nhiều hoạt động, các bộ, ngành đã thu hút được hơn 300 lượt tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng hơn 600 công trình cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội vùng DTTS, với số kinh phí hơn 36 nghìn tỷ đồng. Gần 400 lượt tổ chức, cá nhân nước ngoài tài trợ đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất, đẩy nhanh công tác xóa đói, giảm nghèo, kinh phí hơn 31 nghìn tỷ đồng với hơn 600 chương trình, dự án đã được triển khai. Gần 300 công trình, dự án nước sạch, vệ sinh môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu đã được đầu tư với kinh phí gần 11 nghìn tỷ đồng.
Ngoài ra, có gần 11 nghìn tỷ đồng với hơn 700 chương trình, dự án được đầu tư vào lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe, giảm thiểu tình trạnh tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và phòng chống HIV/AIDS ở vùng đồng bào DTTS. Hơn 100 công trình, chương trình, dự án đầu tư vào lĩnh vực bảo tồn, phát triển văn hóa các tộc người và bảo vệ quyền của người DTTS với hơn 3 nghìn tỷ đồng, thu hút gần 200 lượt tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia. Hơn 100 chương trình, dự án nhằm nâng cao năng lực xây dựng chính sách cho đội ngũ cán bộ liên quan đến công tác dân tộc, thu hút gần 550 tỷ đồng.
Theo thống kê chưa đầy đủ, các bộ, ngành, địa phương trong cả nước đã vận động được gần 2.000 lượt tổ chức phi chính phủ nước ngoài với gần 3.000 chương trình, dự án, tổng kinh phí gần 65 nghìn tỷ đồng, trong đó, kinh phí tài trợ không hoàn lại gần 61 nghìn tỷ đồng, kinh phí đối ứng gần 4 nghìn tỷ đồng; có hơn 300 chương trình, dự án được hỗ trợ từ nguồn vốn ODA với kinh phí gần 34 nghìn tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn ODA là gần 27 nghìn tỷ đồng, nguồn đối ứng gần 7 nghìn tỷ đồng.
Ngoài các hỗ trợ tài chính, thông qua các chương trình, dự án, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài còn hỗ trợ chuyển giao kinh nghiệm, công nghệ, nâng cao dân trí, thí điểm các mô hình sản xuất, giới thiệu giống mới, ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, xây dựng cơ sở hạ tầng (nước, đường, trường, trạm, chợ nông thôn, thủy lợi...) với phương pháp tiếp cận có sự tham gia của cộng đồng, các tổ chức xã hội dân sự, khu vực tư nhân và các cơ quan Chính phủ.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nhà khoa học tại Hội thảo đánh giá kết quả 8 năm thực hiện Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS” giai đoạn 2013-2020, các bộ, ngành và địa phương đã tăng cường hợp tác và vận động viện trợ bằng nhiều hình thức: Hội nghị, hội thảo để chia sẻ định hướng ưu tiên và tìm hiểu ưu tiên của đối tác; tạo điều kiện để lãnh đạo cấp cao của hai bên tiếp xúc, trao đổi; thúc đẩy và phát huy tính chủ động của các đơn vị chuyên môn trong việc vận động và mở rộng hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài trong lĩnh vực phụ trách; làm việc với đối tác trên cơ sở hợp tác, tạo điều kiện và hướng dẫn đối tác tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, giải quyết vướng mắc nhanh chóng, rõ ràng; xét tặng các hình thức khen thưởng của bộ, ngành và Nhà nước cho các tổ chức có những đóng góp quan trọng trong lĩnh vực hỗ trợ vùng DTTS và miền núi, qua đó, khích lệ hơn nữa tinh thần hợp tác, hỗ trợ quá trình phát triển của đất nước.
Đánh giá về vấn đề này, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông cho rằng, trong thời gian qua, Đề án được triển khai trong tất cả các bộ, ngành, địa phương và hầu hết các lĩnh vực. Phần lớn các dự án tài trợ và thực hiện trên địa bàn vùng DTTS và miền núi đã góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện điều kiện y tế, giáo dục, nâng cao dân trí, sức khỏe... cho người dân vùng DTTS và miền núi, góp phần phục vụ dài hơi hơn cho mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi.
“Nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của hoạt động viện trợ từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, ODA vào vùng DTTS và miền núi ngày càng được nâng lên. Công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc của cộng đồng các DTTS nước ta được quan tâm và đạt được kết quả quan trọng; một số sản phẩm văn hóa vật thể, phi vật thể được khôi phục, lưu truyền. Hàng năm, tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc mang đậm dấu ấn của từng dân tộc, phong phú, đa dạng, thống nhất trong nền văn hóa dân tộc Việt Nam, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Tuy nhiên, những tiến bộ đạt được còn chưa tương xứng với khả năng cũng như yêu cầu phát triển của vùng DTTS, do đó, trong giai đoạn tới, cần tiếp tục bổ sung các chính sách ưu đãi để thu hút đa dạng các nguồn vốn đầu tư; nâng cao năng lực cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hợp tác quốc tế” - Đồng chí Y Thông nhấn mạnh.
Linh Đan